Dùng lại các đơn thuốc cũ, thói quen phải bỏ ngay

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:45, 01/08/2022

Không ít người bệnh khi bị ốm không chịu đi khám mà lục lại đơn thuốc cũ được bác sĩ kê trước đó 3-4 năm để tự điều trị.
133036-alobacsi_sis_toa_thuoc_11_nam_toa.jpeg
Các bác sĩ cảnh báo nguy hiểm từ việc dùng đơn thuốc cũ - Ảnh: Internet

Nguy kịch vì dùng lại toa cũ

Trước đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Đức L. (62 tuổi, ngụ tại TP.HCM) được cấp cứu và nhập viện trong tình trạng lơ mơ, ngủ gà, tiếp xúc chậm, huyết áp cao.

Tại Bệnh viện, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán ghi nhận bệnh nhân suy thận mới xuất hiện kèm chỉ số INR kéo dài (máu quá loãng), kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não phát hiện xuất huyết não.

Khi khai thác bệnh sử của bệnh nhân bác sĩ phát hiện bệnh nhân đang được điều trị rung nhĩ, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 và nhồi máu não. Tuy nhiên, ông L. không tái khám tại bệnh viện mà tự mua thuốc uống tiếp theo toa cũ.

Trước nhập viện một tuần, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng đau nhức mỏi người, kèm sốt, tiêu chảy. Bệnh nhân được người nhà mua thêm thuốc để trị các bệnh mới thì lại xảy ra các triệu chứng lơ mơ, ngủ gà… Ngay lập tức bệnh nhân được người nhà đưa đi cấp cứu.

Trường hợp khác, Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận bệnh nhân N.L.A. (47 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) nhập viện trong tình trạng đỏ da tróc vảy toàn thân; các khớp chân, tay, gối sưng to, biến dạng.

Theo lời kể của bệnh nhân, lúc đầu những mảng da bị bong tróc ở tay, nghĩ là bệnh viêm da thông thường như trước nên đã lấy toa thuốc cũ để mua về uống. Khi dùng được một tháng thì bệnh phát nặng hơn, toàn thân sưng đỏ, các khớp sưng to.

Anh A. đến bệnh viện thì bác sĩ xác định anh bị vảy nến chứ không phải mắc bệnh chàm như trước… Bệnh viện cho biết cũng thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp đến khám viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang, nhưng trước khi đến bệnh viện, phần lớn đều đã tự ý mua thuốc bên ngoài và lầm tưởng là bệnh zona.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng tái sử dụng toa thuốc cũng là thói quen thường gặp ở nhiều bậc phụ huynh. Thậm chí nhiều bà mẹ còn tin vào những hội nhóm trên mạng xã hội, tin những “bác sĩ Google” để tìm các bài thuốc chữa bệnh cho con.

images2695673_31.jpeg
Người bệnh không nên tự ý sử dụng đơn thuốc cũ rất nguy hiểm - Ảnh: Internet

Có thể biến bệnh nhẹ thành nặng

Theo PGS Nguyễn Hữu Đức - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết khá nhiều người sau khi được bác sĩ chữa khỏi bệnh một thời gian dài thì bệnh có vẻ như tái phát với các triệu chứng na ná giống như trước, thế là họ tự ý dùng lại đơn thuốc cũ, mua thuốc dùng y chang như trước đây.

Tự dùng thuốc cũng có thể làm cho bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng vì không được chữa trị bằng thuốc đúng cách.

Theo bác sĩ Đức mỗi toa thuốc được bác sĩ kê sẽ phù hợp với tình trạng sức khỏe, bệnh lý của bệnh nhân trong thời điểm được thăm khám.

Việc sử dụng lại toa thuốc cũ mà không có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ, dược sĩ hay nhân viên y tế có chuyên môn luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với người sử dụng; chưa kể đến các nguy cơ liên quan đến sự tương tác giữa các thuốc khi tự ý điều trị ở các bệnh nhân có nhiều bệnh đồng mắc.

Trong khi đó bác sĩ Đào Hữu Ghi - Trưởng khoa Điều trị bệnh da nam giới (Bệnh viện Da liễu trung ương) - cho biết mỗi đơn thuốc chỉ để điều trị bệnh ở thời điểm đó. Ngay cả đối với bệnh mạn tính, dù là bệnh cũ tái phát, nhưng ở thời điểm khác mức độ bệnh đã khác, thể trạng của người bệnh cũng khác, vì thế bắt buộc phải đến cơ sở y tế khám để bác sĩ cho đơn thuốc mới.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn thuốc của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn.

Khi bị bệnh nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ có chuyên môn khám và có chỉ định điều trị cụ thể, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Hơn nữa, thuốc uống dù đúng bệnh, nhưng phải có liều lượng nhất định, sử dụng đúng lứa tuổi, cân nặng, kể cả thuốc bổ. Nếu uống quá liều lượng sẽ làm trầm trọng bệnh, gây ra bệnh khác cho cơ thể.

Kể cả thuốc bôi da cũng phải sử dụng theo đúng lứa tuổi. Bởi, cùng một bệnh, nhưng đối với trẻ em và người lớn bôi thuốc khác nhau. Hơn nữa, cùng một bệnh, nhưng tùy vào vị trí tổn thương trên cơ thể mà bác sĩ chỉ định các loại thuốc bôi khác nhau.

ANH ĐÀO