Cuộc sống người dân Trung Quốc vẫn bị kiểm tỏa vì mã y tế, tiêm vắc xin

Đối ngoại - Ngày đăng : 16:45, 01/08/2022

Mã y tế, lịch sử tiêm vắc xin Covid-19 và xét nghiệm vẫn là những quy định bắt buộc quyết định hoạt động di chuyển của người dân Trung Quốc.

Các cơ quan y tế ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã từ chối đề xuất áp dụng thêm một mã y tế đối với người chưa tiêm vắc xin Covid-19, đồng thời ban hành cảnh báo hiếm hoi về việc ngăn chặn có thêm những giới hạn “quá mức” đối với công tác phòng chống dịch bệnh.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông đã cho đăng tuyên bố trên trang web trong tuần qua liên quan tới việc từ chối lời đề xuất của ông Liu Shixing, một đại biểu địa phương tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, về việc những người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa làm xét nghiệm Covid-19 nên bị đánh “mã y tế màu xanh dương để quản lý dễ dàng hơn”.

Cuộc sống người dân Trung Quốc vẫn bị kiểm tỏa vì mã y tế, tiêm vắc xin
Người dân Trung Quốc quét mã y tế để vào các địa điểm công cộng và sử dụng giao thông công cộng. (Ảnh: Bloomberg)

Hiện tại, mã y tế sử dụng dữ liệu thời gian thực của Trung Quốc dùng hệ thống màu đèn giao thông để phân biệt. Theo đó, những người có mã màu xanh lá cây là người “hoàn toàn không có nguy cơ”, trong khi người có mã màu đỏ và màu vàng sẽ bị giới hạn phạm vi di chuyển và nhiều quy định khác.

Mã y tế sẽ chuyển sang màu xanh lá cây nếu một người làm xét nghiệm hoặc tuân thủ các quy định cách ly khác nhau tại mỗi thành phố.

Trong tuyên bố, các cơ quan y tế tỉnh Quảng Đông cho biết hiện chưa có chính sách nào của chính phủ nhắc tới việc ban hành thêm màu cho mã y tế, và mã màu xanh dương có thể gây ra sự bất tiện đối với một số người, bởi không phải ai cũng có thể tiêm vắc xin Covid-19.

“Chúng tôi đề nghị tất cả các thành phố nên kiểm soát chặt chẽ chức năng của các mã y tế, và không mở thêm mã màu, cũng như thận trọng khi đưa ra các quy định giới hạn mở rộng”, Ủy ban Y tế tỉnh Quảng Đông nhấn mạnh.

Trung Quốc vẫn đang tìm cách cải thiện tỷ lệ tiêm phòng vắc xin Covid-19 ở mức thấp, nhất là trong nhóm người cao tuổi. Trong tháng Bảy, các quan chức y tế Trung Quốc cho biết chỉ 61% người trên 80 tuổi, một trong những nhóm dễ tổn thương nhất vì dịch bệnh, đã tiêm đủ liều vắc xin tiêu chuẩn. Trong khi đó, chỉ có 38% người trong nhóm trên 80 tuổi ở Trung Quốc đã tiêm mũi tăng cường.

Nhằm tăng sự tin tưởng của người dân đối với các loại vắc xin Covid-19 được sản xuất nội địa, mới đây, truyền thông Trung Quốc lần đầu tiên xác nhận thông tin các quan chức hàng đầu nước này đều đã tiêm phòng đẩy đủ.

Trong quá trình thi hành chính sách “zero Covid-19”, dưới sức ép giảm tối thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh, chính quyền một số khu vực ở Trung Quốc đã cho áp đặt thêm những giới hạn “hà khắc” để tăng tỷ lệ tiêm phòng, cũng như đảm bảo xét nghiệm đại trà.

Hồi đầu tuần trước, thành phố Vô Tích của tỉnh Giang Tô đã ban hành thông báo với nội dung cảnh báo những công dân chưa tiêm phòng vắc xin Covid-19 sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế và thưởng cuối năm đối với người và người nghèo. Thông báo này đã lập tức gây ra tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc.

Hay như một trường học ở thành phố Vô Tich còn yêu cầu các học sinh phải cung cấp bằng chứng về việc ông bà đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 trước khi bước vào năm học mới. Chính sách này sau đó đã phải hủy bỏ, do vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận.

Vào cuối tuần qua, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã có hành động ngăn chặn việc chính quyền các khu vực ban hành thêm những giới hạn hà khắc, đồng thời yêu cầu các thành phố trên cả nước công nhận kết quả xét nghiệm PCR của nhau.

“Hiện tại, một số nơi vẫn không chấp nhận kết quả của khu vực khác, và yêu cầu người dân làm xét nghiệm lại. Chúng ta cần thúc đẩy hoạt động công nhận kết quả xét nghiệm của nhau để tạo sự thuận lợi cho người dân trong quá trình di chuyển”.

Cũng theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, chính quyền các địa phương cần công nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng cả bản điện tử và bản giấy, cũng như không ngăn cấm người dân tới các địa điểm công cộng hoặc tham gia giao thông công cộng chỉ vì không làm xét nghiệm ở địa phương.

Minh Thu (lược dịch)