Vì đâu điểm tiếng Anh liên tục 'đội sổ' nhiều năm?
Xã hội - Ngày đăng : 12:36, 01/08/2022
Phân tích kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT 3 năm liên tiếp gần đây nhất cho thấy, không chỉ điểm trung bình thấp mà có đến 2 năm “đội sổ”.
Cụ thể, năm 2022, cả nước có 866.196 thí sinh tham gia bài thi ngoại ngữ thì trung bình là 5,15 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,8 điểm. Điều đáng nói, số thí sinh đạt điểm dưới trung bình có tới 446.648 (chiếm tỷ lệ 51,56%), cộng với 423 bị điểm liệt đã đưa môn học này xuống bét bảng.
Tương tự, kỳ thi năm ngoái, phổ điểm môn này cũng khá thấp khi có điểm trung bình là 5,84, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm cũng như có tới 40,27% học sinh dưới trung bình.
Năm 2020, Ngoại ngữ cũng là môn “đội sổ” khi có điểm trung bình môn là 4,57, điểm nhiều thí sinh đạt nhất 3,4 và 63,13% học sinh đạt điểm dưới trung bình.
Nhìn vào kết quả trung bình môn ngoại ngữ trong học bạ của trường THPT trên toàn quốc có thể thấy một bức tranh màu hồng khi năng lực học sinh được đánh giá hầu hết ở mức khá và giỏi, trong đó giỏi chiếm 32,2%; khá chiếm gần 43%, trung bình 23,58% và yếu chỉ ở mức 2,23% nhưng kết quả thi lại rất thấp.
Ngay cả 5 địa phương xếp tốp cuối cùng môn học này như: Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Tuyên Quang, Sơn La cũng có mức điểm từ 6,3 đến 6,5. Trong khi đó, các địa phương dẫn đầu như Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên điểm trung bình là 7,8 đến 8,04 điểm.
Theo phân tích kết quả thi từng năm thì 5 năm trở lại đây, TP.HCM luôn đứng đầu cả nước về điểm trung bình môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2022, 10 tỉnh thành có điểm trung bình môn Ngoại ngữ cao nhất cả nước lần lượt là TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình và Bắc Ninh. 10 địa phương có điểm thi thấp nhất kỳ thi năm nay đa số là các tỉnh miền núi, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Hậu Giang, Đắk Nông, Trà Vinh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hoà Bình, Lai Châu…
Vì sao tiếng Anh không khá?
Một giáo viên dạy tiếng Anh ở trường THPT tại Hà Nội cũng nói rằng, phổ điểm tiếng Anh với 2 đỉnh như năm ngoái hay lệch trái như năm nay đều không khó lý giải. Những địa phương có điểm thi Ngoại ngữ cao đa phần là thành phố, tỉnh thuận lợi về kinh tế, phụ huynh quan tâm, đầu tư cho con học từ sớm nên kết quả nổi trội. Ngược lại, các tỉnh miền núi khó khăn, giáo viên dạy học trong các nhà trường còn thiếu, thậm chí yếu, phát âm chưa chuẩn, các gia đình không có điều kiện cho con học ngoài nhà trường, dẫn đến kết quả thấp.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) Trần Hữu Linh cho biết: "Hằng năm trường tuyển vào lớp 10 khoảng 650 chỉ tiêu, trong đó học sinh đạt năng lực đầu ra tiếng Anh lớp 9 chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, số còn lại khá yếu kém".
Nguyên nhân, học sinh ở các xã nông thôn không có điều kiện học ngoại ngữ. Thậm chí một số nơi thiếu giáo viên, các em còn không được học bộ môn này. Nhiều năm, trong bình diện chung của cả nước, điểm số môn ngoại ngữ thấp là trở ngại rất lớn để học sinh lựa chọn khối thi cũng như ngành nghề. Đây cũng là tình trạng tại nhiều trường ở các địa phương trên cả nước.
Theo ông Trần Hữu Linh để khắc phục điểm yếu này cần nhiều giải pháp trong đó có đổi mới phương thức dạy học; tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, thậm chí đưa giáo viên đến các trường nổi trội về dạy học ngoại ngữ để học tập.