Chơi vàng bỏng tay, rút 700 triệu đầu tư 10 cây, qua 1 tháng lỗ đậm
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 15:22, 31/07/2022
Lỗ nửa cây vàng
Đầu tháng 7, chị Hồng cùng chồng mua 10 lượng vàng SJC tại một đơn vị trên phố Trần Nhân Tông với giá 68,77 triệu đồng/lượng. Tổng số tiền chị bỏ ra gần 690 triệu đồng. Chị cho hay, số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng, chị rút ra để mua vàng vì mức giá khá hợp lý so với đầu năm. Từ nay tới cuối năm, nếu vàng tăng giá, chị có thêm một khoản chênh lệch, dự tính sang năm hai vợ chồng sẽ mua ô tô.
Trái ngược với những dự tính của hai vợ chồng chị Hồng, giá vàng trong tháng 7 liên tục có sự điều chỉnh giảm mạnh khiến số tiền đầu tư vào vàng không sinh lời mà còn bị lỗ.
Đỉnh điểm ngày 18/7, giá vàng 9999 của SJC tại Hà Nội có thời điểm đã về mốc 62 triệu đồng/lượng (mua vào). Nếu bán vàng ở lúc đó, chị Hồng sẽ bị thiệt hơn 6 triệu đồng/lượng.
Các phiên giao dịch sau đó, giá vàng đã nhích tăng nhẹ. Ngày 24/7, giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 64,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 66,2 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 64,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,22 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 64,4 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,4 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 64,5 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 66,5 triệu đồng/lượng.
Kết thúc phiên 30/7 giá vàng miếng 9999 tại SJC Hà Nội là 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào)- 67,2 triệu đồng/lượng (bán ra). SJC TP.HCM niêm yết ở mức 66,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 67,12 triệu đồng/lượng (bán ra).
Doji Hà Nội niêm yết ở mức 65,8 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,8 triệu đồng/lượng (bán ra). Tại TP.HCM, Doji TP.HCM mua vàng SJC ở mức 65,7 triệu đồng/lượng, bán ra ở mức 66,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, một tháng qua, chị Hồng đã lỗ gần 3 triệu đồng/lượng nếu bán ra ở thời điểm này.
Chị cho hay: “Mình mua vàng cũng mong muốn có một khoản lợi nhuận, ai dè lại lỗ gần nửa cây vàng như này. Hy vọng cuối năm vàng tăng giá trở lại”.
Chị Hồng còn may mắn hơn một số nhà đầu tư khác khi mua vàng đúng lúc đỉnh. Ở thời điểm vàng lên đỉnh, bà Nguyễn Thị Cúc (Hoàng Mai, Hà Nội) đã mua 10 cây vàng giá 70 triệu đồng/lượng. Kể từ khi mua vào, giá vàng giảm khiến cho bà Cúc lo lắng.
“Tôi mua vàng để dành như gửi tiết kiệm, ai dè vàng giảm liên tục. Nếu gửi 700 triệu đồng ở ngân hàng thì mỗi tháng tôi cũng có vài triệu đồng. Đem mua vàng không thấy lãi đâu mà giờ bán thì lỗ nặng”, bà cho hay.
Thời điểm hiện tại, bà Cúc lỗ khoảng 4 triệu đồng/lượng, tổng số tiền đầu tư vàng đang âm khoảng 40 triệu đồng. Bà Cúc hy vọng, giá vàng sẽ quay trở lại mốc 70 triệu đồng/lượng để bán.
Nhu cầu đầu tư vàng giảm
Do mức giá không hấp dẫn nên các nhà đầu tư đang không mặn mà với thị trường vàng. Những người trẻ tuổi ưa mạo hiểm đã chọn các kênh đầu tư có khả năng sinh lời cao hơn. Với sự năng động, thông minh và học hỏi, giới trẻ đã chọn chứng khoán, tiền số,... chứ không còn chọn vàng.
Chính sách của Nhà nước đã khiến cho vàng không thể trở thành một công cụ thông dụng, chẳng hạn như không cho phép giữ vàng hộ, gửi vàng tiết kiệm tại ngân hàng,…
Giới chuyên gia nhận định, mức chênh lệch mua vào - bán ra của các đơn vị kinh doanh trong nước vẫn đang quá cao. Điều này đồng nghĩa với việc đẩy rủi ro về phía người mua.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chị có hơn 300 triệu đồng gửi tiết kiệm. Ý định ban đầu của chị là mua vàng đầu tư thay cho gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, mức giá vàng liên tục biến động trong thời gian ngắn theo chiều hướng giảm khiến chị lo lắng. Chị quyết định gửi tiền vào ngân hàng cho an toàn hơn.
“Vàng giờ không phải là kênh đầu tư hấp dẫn nữa rồi. Giá vàng biến động mạnh nhưng người mua đi bán vàng vẫn thiệt”, chị Lan cho hay.
Theo báo cáo “Xu hướng nhu cầu vàng” do Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) vừa công bố, nhu cầu vàng của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng từ 12,6 tấn trong quý II/2021 lên 14 tấn trong quý II/2022, tăng 11% so với cùng kỳ.
Mức tăng trưởng này đạt được bởi tổng nhu cầu vàng thỏi và vàng đồng tăng 5%, từ 9,1 tấn trong quý II/2021 lên 9,6 tấn trong cùng kỳ năm 2022; đồng thời nhu cầu vàng trang sức tăng 28%, từ 3,5 tấn trong quý II/2021 lên 4,5 tấn trong quý II/2022.