"Cảm xúc": Chuyển hóa nỗi sợ hãi, giận dữ thành năng lượng sáng tạo
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 09:17, 31/07/2022
Ấn Độ là quốc gia có truyền thống tôn giáo phát triển mạnh mẽ với Phật giáo, Hindu giáo và nhiều tôn giáo cổ được người dân thực hành từ những ngày đầu của nền văn minh loài người. Vào thập niên 60 của thế kỷ 20, cộng đồng tâm linh ở vùng đất này được khuấy động bởi sự xuất hiện của một nhà huyền môn với các triết lý nằm ngoài khái niệm truyền thống. Đó là Osho.
Trải qua nhiều thập kỷ cho đến nay, Osho vẫn được coi là một trong những nhà lãnh đạo tinh thần vĩ đại nhất, đồng thời gây nhiều tranh cãi nhất không chỉ ở quê nhà mà còn trên khắp thế giới.
Trong tác phẩm "Cảm xúc - Chuyển hóa nỗi sợ hãi, giận dữ và ghen tuông thành năng lượng sáng tạo", Osho tự nói về triết lý của mình thế này: "Những người theo chủ nghĩa duy vật phản đối tôi, họ hỏi vì cớ gì tôi lại đưa tôn giáo vào. Trong khi đó, những người được gọi là có tôn giáo cũng phản đối tôi, họ hỏi làm sao tôi có thể mang tình yêu vào cuộc sống của một người theo đạo, sao tôi lại dám nói về thể xác và những niềm vui thể xác. [...] Nhưng tôi đón nhận cuộc sống trong sự trọn vẹn của nó, tôi chấp nhận toàn bộ cuộc sống."
Cốt lõi trong tinh thần Osho là sự tự do: giải phóng khỏi xiềng xích của mọi thể chế, tín ngưỡng, khuôn mẫu xã hội để tìm kiếm tự do tuyệt đối trong mọi khía cạnh như tinh thần, cảm xúc và tình dục. Ý nghĩa về sự giải thoát cho tâm hồn là lý do mà triết lý tâm linh của Osho vẫn luôn có khả năng truyền cảm hứng cho không ít con người sống trong xã hội đương thời - vốn ngày càng rã rời và trống rỗng trước áp lực của nhịp sống hiện đại. Thế giới hàng tỷ người sẽ không vì ta giận dữ mà thay đổi, ta chỉ có thể thay đổi cách mình nhìn nhận và lý giải cuộc sống.
"Cảm xúc" trong tiếng Anh là "emotion" - bắt nguồn từ "motion", nghĩa là sự chuyển động
Ngay từ đầu cuốn sách, Osho đã chỉ ra bản chất của cảm xúc là luôn thay đổi, đi theo một dòng chảy tự nhiên, và không chấp nhận bất kỳ một sự gò ép nào - "Chúng chuyển động; do đó chúng là "cảm xúc"".
Theo đó, ông phê phán các khuôn mẫu xã hội và tôn giáo chỉ xem trọng sự nghiêm nghị khắc kỷ: Các bậc thầy được trọng vọng luôn xuất hiện với vẻ đạo mạo xa cách, như gương mặt các vị thánh trên tượng điêu khắc không bao giờ cười. Chúng ta thường được dạy rằng phải biết kiểm soát cảm xúc cá nhân, nhưng "kiểm soát" lại thường bị hiểu lầm thành "kìm nén": Giận dữ mà không thể bộc lộ, đau buồn mà không thể bày tỏ. Osho cho rằng thói quen kìm nén này khiến con người xa rời bản chất tự nhiên, và sự chất chứa lâu dài là nguồn cơn của phản ứng tiêu cực.
Bộc lộ là sống, kìm nén là tự sát
Hãy chấp nhận cảm xúc như - nó - vốn - là và biểu lộ trong tự do, bởi đam mê và tình yêu cháy bỏng không phải sự mù quáng, tiếng cười sảng khoái không làm một cá nhân mất đi vị thế, và giọt nước mắt buồn đau cũng không phải là nỗi xấu hổ phải nuốt ngược vào trong. Chính những cảm xúc thuần khiết này kết nối các cá nhân, và việc chấp nhận chúng sẽ kết nối mỗi cá nhân với thế giới nội tại của chính mình. Ở đây, Osho cho thấy khả năng miêu tả các xung đột của cảm xúc và vẻ đẹp giản đơn của cuộc sống một cách đầy tinh tế: Ông nói về vẻ tráng lệ của đỉnh núi tuyết trắng thanh thuần và sự bí ẩn của thung lũng chứa bóng tối vô tận, về dòng chảy hồi ức lướt qua khi ta ngồi thư giãn trong vườn nhà, và về cái chết - thứ mà ta có thể đón nhận không phải bằng nỗi sợ, mà là như một phần của kiếp người toàn vẹn.
"Cảm xúc" chứa các diễn giải chi tiết về nguồn cơn và cách mà nỗi sợ hãi, giận dữ và ghen tuông thao túng tâm hồn chúng ta, đồng thời chỉ ra cách mà đời sống tình cảm của mỗi cá nhân bị ảnh hưởng bởi xã hội và các môi trường xung quanh. Cuốn sách cũng cung cấp một số bài thiền đơn giản để bạn có thể bắt đầu thực hành ngay.
Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp nhanh chóng, thì "Cảm xúc" không phải là cuốn sách dành cho bạn, bởi nó phù hợp với cách đọc chậm rãi, nhẩn nha từng chút một để chiêm nghiệm. Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể mở sách ra, đọc một vài đoạn, thậm chí không cần theo thứ tự. Thảnh thơi và tự do, không vội vàng cũng không phán xét - như cách mà Osho khuyên bạn nhìn vào tâm hồn của chính mình.
Nguyễn Thao
Theo First News