Tuyển sinh đại học 2022: Cân nhắc để không ‘sập bẫy’ điểm sàn
Xã hội - Ngày đăng : 13:05, 30/07/2022
Tuy nhiên, điểm sàn chỉ là điểm đủ điều kiện tối thiểu để nộp hồ sơ, không phải là điểm chuẩn.
Điểm sàn chỉ là mức tối thiểu
Giáo sư Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, lưu ý thí sinh điểm sàn là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Điểm chuẩn sẽ được các trường xác định bằng việc lấy điểm từ trên cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Vì thế, điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn. Ở nhiều trường, khoảng cách này ở nhiều trường thậm chí khá lớn.
“Ví dụ, ngưỡng điểm sàn năm ngoái Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra là 19 điểm trong khi đó ngành tiếng Anh của trường chúng tôi lấy 28 điểm, hoặc ngành Toán tiếng Anh lấy 27,7 điểm,” thầy Minh chia sẻ.
Theo thầy Minh, có thể thấy điểm sàn năm nay và sàn năm ngoái tương đương nhau và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông có sự dung sai không quá lớn. Vì thế, thầy Minh khuyên thí sinh nên tham khảo các điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển của các trường trong những năm gần đây để có sự ước lượng tương đối. “Tuy nhiên, mỗi một trường hay mỗi ngành trong từng trường cũng có điểm chuẩn khác nhau nên các em phải lưu ý để có thể chọn ngành, trường phù hợp để đạt được nguyện vọng của mình,” thầy Minh nói.
Đây cũng là lời khuyên của phó giáo sư Lê Hoằng Bá Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) dành cho thí sinh. Đánh giá mức điểm sàn Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cho nhóm ngành sư phạm từ 17 đến 19 điểm là hoàn toàn phù hợp với kết quả thi của năm nay, nhưng thầy Huyền cũng lưu ý thí sinh đây chỉ là mức điểm tối thiểu.
“Tuỳ theo chỉ tiêu, uy tín thương hiệu từng trường, tuỳ nhu cầu và thực tế đăng ký nguyện vọng của các em, các trường sẽ xác định được mức điểm chuẩn. Tôi nghĩ điểm chuẩn năm nay có thể tương đương hoặc cao hơn năm ngoái một chút,” thầy Huyền nhận định.
Với 1.156 chỉ tiêu tuyển sinh vào trường, thầy Huyền dự báo năm nay, phổ điểm chuẩn của Trường Đại học Hồng Đức có thể rơi vào từ 22 đến 27-28 điểm, tuỳ từng ngành, vượt từ 5 đến 9 điểm so với điểm sàn chung của ngành sư phạm.
Theo đó, thầy Huyền cho rằng thí sinh cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, lựa chọn ngành, trường phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.
Sắp xếp nguyện vọng thông minh
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển đại học. Vì thế, theo lãnh đạo các trường đại học, thí sinh cần tính toán, so sánh điểm số của mình với điểm chuẩn của các trường các năm trước để đưa ra các sắp xếp thứ tự các nguyện vọng hợp lý.
Theo tiến sỹ Vũ Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định, nguyên tắc sắp xếp nguyện vọng đầu tiên là xếp theo thứ tự giảm dần về mức độ ngành, trường yêu thích. Trong đó, thí sinh cần xếp những ngành học yêu thích nhất ở trường yêu thích nhất lên nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Nguyên tắc thứ hai là giảm dần về điểm số. Trong đó, những ngành thường có điểm chuẩn cao hơn sẽ xếp ở vị trí ưu tiên cao hơn.
Vì thế, theo lãnh đạo các trường đại học, thí sinh trước hết cần xác định được ngành học, trường học yêu thích và phù hợp với đặc điểm tính cách, điều kiện, năng lực của bản thân. Bước tiếp theo là tham khảo điểm chuẩn của các ngành, trường này trong các năm trước, ước lượng điểm chuẩn năm nay và so sánh tương quan với điểm thi của mình.
Để tăng khả năng đỗ, thí sinh nên chia các nguyện vọng thành ba nhóm, gồm nhóm có điểm chuẩn hàng năm cao hơn một chút so với điểm thi, nhóm có điểm chuẩn ngang bằng điểm thi và nhóm có điểm chuẩn hàng năm thấp hơn so với điểm thi.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian để thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến hết ngày 20/8.