Thách thức của Ukraine trong chiến lược dùng triệu quân giành lại miền Nam

Đối ngoại - Ngày đăng : 11:43, 30/07/2022

Giới chuyên gia cảnh báo, sự quyết tâm của Ukraine trong việc dồn lực về miền Nam để giành lại quyền kiểm soát Kherson có thể tiềm ẩn nhiều thách thức và chưa hẳn là quyết định tốt nhất.
Thách thức của Ukraine trong chiến lược dùng triệu quân giành lại miền Nam - 1

Một binh sĩ Ukraine ở Irpin (Ảnh: AFP).

Vào giữa tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksei Reznikov tuyên bố, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã lệnh cho ông tập hợp một đội quân triệu người để giành lại quyền kiểm soát miền Nam nước này.

Cuối tuần trước, một quan chức Kherson tự tin nói rằng, Ukraine có thể giành lại vùng này từ tay Nga vào tháng 9 và tất cả kế hoạch của Moscow tại đây sẽ thất bại.

Sự xuất hiện của hệ thống hỏa lực HIMARS do phương Tây viện trợ đã giúp Ukraine phá hủy một số cây cầu huyết mạch ở Kherson, khiến vùng này đối mặt với nguy cơ bị cô lập. Trong khi đó, tình báo Anh cảnh báo, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine có thể sẽ không thành công do những tổn thất của Moscow.

Tất cả những yếu tố trên dường như khiến Ukraine thêm tự tin với chiến dịch của nước này ở miền Nam.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Daniel Davis, cựu trung tá lục quân Mỹ, nếu xem xét cẩn thận các yếu tố, Ukraine không nên quá lạc quan sớm với viễn cảnh sẽ nhanh chóng giành lại được Kherson vì họ còn thách thức lớn ở phía trước.

Theo ông Davis, các báo cáo về tình hình bất lợi của Nga trên chiến trường mà phương Tây cung cấp trong những ngày qua dường như chỉ là một phần của câu chuyện, nhưng nó dường như bỏ qua các yếu tố quan trọng khác có thể đánh giá thành bại của một chiến dịch. Chuyên gia trên cho hay, khi tất cả những yếu tố chủ chốt được cân nhắc tới, tình hình dường như trở nên kém khả quan hơn cho Kiev.

Nhiệm vụ khó khăn

Thách thức của Ukraine trong chiến lược dùng triệu quân giành lại miền Nam - 2

Binh sĩ Ukraine vận hành một lựu pháo ở vùng Donbass hôm 15/6 (Ảnh: AFP).

Thứ nhất, các trận chiến không chỉ dựa vào khí tài quân sự như xe tăng, pháo mà còn là vào chất lượng của quân đội. Vào tháng trước, Ukraine thừa nhận họ mất rất nhiều nhân lực ở miền Đông khi Nga sử dụng chiến thuật "mưa hỏa lực", trung bình một ngày có thể đến trên 500 người. Phần lớn quân nhân Ukraine triển khai ở miền Đông đều là những người có kinh nghiệm vì họ đã giao tranh với lực lượng ly khai ở Donbass suốt 8 năm qua. Mất đi lực lượng này có nghĩa là Ukraine có thể phải giao trận đánh miền Nam vào tay những quân nhân ít kinh nghiệm hơn.

Mặt khác, ngoài thiệt hại nhân lực vì trận đánh ở Donbass tháng trước, Ukraine cũng thừa nhận họ bị mất nhiều khí tài quân sự trong suốt cuộc chiến kéo dài 5 tháng. Tướng Volodymyr Karpenko, chỉ huy lực lượng hậu cần lục quân Ukraine, hôm 15/6 xác nhận nước này đã mất 50% vũ khí hạng nặng, trong đó có hơn 2.000 xe tăng thiết giáp và pháo. Tốc độ bù đắp từ nguồn viện trợ của phương Tây không thể bắt kịp so với những mất mát lên tới con số hàng nghìn như vậy.

Theo chuyên gia Davis, Ukraine hiện phải đối mặt với thách thức lớn khi mở một chiến dịch tấn công mà mất đi một lượng đáng kể cả nhân lực và khí tài.

Thứ hai, một cuộc tấn công khác với một nỗ lực phòng vệ về mặt bản chất và tổn thất có thể sẽ cao hơn.

Ví dụ, để phòng thủ thì các yêu cầu với quân nhân sẽ thấp hơn. Họ chỉ cần giữ vị trí và cố gắng đáp trả khi bị tấn công. Đó là những gì Ukraine đã làm trong suốt 5 tháng qua - cố gắng cầm chân và đẩy lùi đà tiến của Nga. Giờ đây, Ukraine sẽ ở trong thế ngược lại và sẽ có nhiều yêu cầu cao hơn về mặt chiến thuật, như sự phối hợp về nhân lực và đội hình khí tài, chiến thuật hỏa lực, hệ thống hậu cần bổ sung liên tục lên tiền tuyến.

Với một đội quân được xem có ít kinh nghiệm trận mạc hơn, Ukraine gặp phải thách thức lớn hơn rất nhiều so với việc phòng thủ như giai đoạn trước. Thêm vào đó, dù có các vũ khí mạnh của phương Tây như HIMARS nhưng nhìn chung, số lượng của các khí tài này vẫn có hạn. Nga vẫn áp đảo Ukraine về vũ khí cả về không lực và hỏa lực.

Chuyên gia Davis cảnh báo, việc Ukraine quyết tâm phản công ở Kherson đang đặt ra cho họ rất nhiều thách thức và rủi ro là họ có thể tiếp tục gánh chịu thêm thiệt hại.

Đức Hoàng