Tin công nghệ 30/7: Khôi phục một phần dung lượng trên tuyến cáp quang biển APG

Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 30/07/2022

Khôi phục một phần dung lượng trên tuyến cáp quang biển APG; hàng loạt ứng dụng Android phổ biến chứa mã độc

- Cáp quang biển APG: khôi phục một phần dung lượng trên tuyến

Sau khi đối tác quốc tế cấu hình lại nguồn, dung lượng kết nối hướng HongKong (Trung Quốc) và Singapore của tuyến cáp quang biển quốc tế APG hiện đã được khôi phục, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết.

Nhà mạng này cho biết, đối tác quản lý tuyến cáp đã thực hiện cấu hình lại nguồn, nhờ vậy dung lượng kết nối hướng Singapore và HongKong (Trung Quốc) đã được khôi phục từ 12h18 ngày 28/7.

Tuyến cáp biển APG gặp sự cố vào 15h48 ngày 26/7. Ở lần thứ hai trong năm nay gặp sự cố, tuyến cáp biển này được xác định bị đứt trên nhánh S3, với vị trí cáp lỗi cách trạm cập bờ Chongming (Trung Quốc) của tuyến cáp 427km. Sự cố này đã gây mất dung lượng kết nối trên toàn tuyến, bao gồm các hướng cáp đi Singapore, HongKong (Trung Quốc) và Nhật Bản.

- Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập thêm một số Cục, Vụ mới

Theo Nghị định 48/2022/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành, về cơ cấu tổ chức, Bộ Thông tin và Truyền thông gồm 7 vụ chức năng: Vụ Bưu chính, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ. Trong đó Vụ Kinh tế số và Xã hội số mới được bổ sung so với Nghị định trước đó và giảm Vụ Công nghệ thông tin.

Nghị định mới quy định có các Cục: Cục Báo chí; Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử; Cục Xuất bản, In và Phát hành; Cục Thông tin cơ sở; Cục Thông tin đối ngoại; Cục Viễn thông; Cục Tần số vô tuyến điện; Cục Chuyển đổi số quốc gia; Cục An toàn thông tin; Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Cục Bưu điện Trung ương.

Như vậy theo Nghị định mới của Chính phủ thì Bộ Thông tin và Truyền thông có thêm 2 Cục mới là Cục Chuyển đổi số quốc gia và Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông, cắt giảm Cục Tin học hóa so với Nghị định trước đó. Vụ Kinh tế số và Xã hội số được bổ sung, thay thế cho Vụ Công nghệ thông tin.

- Apple thu hơn 40 tỷ USD nhờ iPhone

Apple có một quý kinh doanh thành công khi doanh thu và lợi nhuận đều vượt trên mức kỳ vọng, bất chấp sự gián đoạn về nguồn cung iPhone.

Theo phân tích của Refinitiv, các chỉ số tài chính quan trọng trong báo cáo mới nhất của Apple đều cho thấy tín hiệu tích cực. Cụ thể, doanh thu của công ty trong quý II/2022 (quý III/2022 theo năm tài chính của Apple) đạt 83 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái là 82,81 tỷ USD.

Trong đó, doanh thu iPhone và mảng dịch vụ đều tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào kết quả kinh doanh của hãng. Tuy nhiên, Mac, iPad và các sản phẩm khác lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.

Xét chi tiết từng sản phẩm và dịch vụ, doanh thu từ hoạt động bán iPhone đạt 40,67 tỷ USD, tăng 3% so với con số 38,33 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

- Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trị giá 280 tỷ USD thúc đẩy sản xuất chip

Thượng viện Mỹ ngày 27/7 đã bỏ phiếu thông qua dự luật trị giá 280 tỷ USD để hỗ trợ ngành sản xuất chip bán dẫn trong nước và cung cấp hàng chục tỷ USD cho nghiên cứu khoa học.

Dự luật cung cấp 54 tỷ USD dành cho sản xuất chip trong nước và đổi mới chuỗi cung ứng không dây công cộng, gồm 39 tỷ USD hỗ trợ tài chính để xây dựng, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở bán dẫn trong nước và 15 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển của Bộ Thương mại.

Dự luật cũng sẽ cung cấp 200 tỷ USD cho nghiên cứu khoa học, trong đó bao gồm 81 tỷ USD cho Quỹ Khoa học quốc gia (NSF), 10 tỷ USD hỗ trợ các trung tâm công nghệ địa phương và 68 tỷ USD dành cho Bộ Năng lượng.

- Hàng loạt ứng dụng Android phổ biến chứa mã độc

Thông tin từ Bleeping Computer, một loạt ứng dụng dành cho thiết bị Android có chứa mã độc được phát hiện trên cửa hàng Google Play. 36 ứng dụng độc hại với tổng lượt tải xuống lên đến 10 triệu lần được phát hiện bởi công ty Doctor Web của Nga. Một vài ứng dụng vẫn còn trên Google Play và cần được xóa khỏi thiết bị Android ngay lập tức.

Những tính năng được quảng cáo của các ứng dụng này bao gồm chỉnh sửa ảnh, bàn phím ảo, tối ưu hóa hệ thống, thay đổi hình nền, giao diện người dùng và ứng dụng ghi chú, tạo danh sách. Các ứng dụng này được tạo ra với mục đích đánh cắp tài khoản mạng xã hội, hiển thị quảng cáo sử dụng thông tin người dùng hoặc đăng ký họ vào các dịch vụ cao cấp mà người dùng không mong muốn.

Việt Báo (Tổng hợp)