Điểm tin kinh doanh 30/7: 7 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng gần 50% khiến CPI tăng

Kinh doanh - Ngày đăng : 07:00, 30/07/2022

7 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng gần 50% khiến CPI tăng; khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 10 lần năm ngoái

- 7 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng gần 50% khiến CPI tăng

Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bình quân 7 tháng năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã tăng 49,75% so với cùng kỳ năm trước, đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chung tăng 1,79 điểm phần trăm.

So với tháng 12/2021, CPI tháng 7/2022 tăng 3,59% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,14%. Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,44%.

So với tháng trước, CPI tháng 7 tăng 0,4% (khu vực thành thị tăng 0,42%; khu vực nông thôn tăng 0,37%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm giao thông giá giảm 2,85% do giá xăng dầu trong nước giảm.

- 7 tháng năm 2022, doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại vượt mốc 130.000

Theo thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng năm 2022, lần đầu tiên số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại đạt mốc mới là 133.708, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 7 tháng.

Cụ thể trong 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới là 89.407 doanh nghiệp, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức cao nhất trong giai đoạn 7 tháng đầu năm từ trước đến nay. Trong đó, doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu vẫn thuộc nhóm ngành dịch vụ với 65.700 doanh nghiệp, chiếm 73,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động từ đầu năm đến nay là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong các năm 2017; 2018; 2019; 2020 và 2021 lần lượt là 26.448; 34.010; 39.421; 44.096 và 43.116.

- Việt Nam vươn lên Top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may thế giới

Đó là khẳng định của Bộ Công thương tại hội nghị kết nối cung cầu nguyên vật liệu cho ngành dệt may Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương tổ chức ngày 29/7. Theo đó, thị phần xuất khẩu dệt may Việt Nam trên thế giới chiếm 6,4% thị phần toàn cầu, đứng sau Trung Quốc (chiếm 31,6%) và châu Âu (27,9%).

3 thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam là châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Đây cũng là 3 thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, lần lượt là 34,1% thị phần toàn cầu, 16,8% và 5,3%.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 40,4 tỷ USD, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu cả nước, thì chỉ nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt khoảng 23 tỷ USD, tăng 21,6 % so với cùng kỳ năm 2021.

- 7 tháng năm 2022: Xuất nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 431 tỷ USD

Trong 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 216,35 tỷ USD; nhập khẩu đạt 215,59 tỷ USD. Với kết quả này, cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu với 764 triệu USD…

Theo số liệu Tổng cục Thống kê, trong tháng 7/2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,63 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước và tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,31 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,07 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 19,83 tỷ USD.

- Khách quốc tế đến Việt Nam tăng gấp 10 lần năm ngoái

7 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7/2022 đạt 352,6 nghìn lượt người, tăng 49% so với tháng trước và gấp 47,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 954,6 nghìn lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 90,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

- Các doanh nghiệp lớn cùng hỗ trợ vận hành giải pháp công nghệ cho Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM

Các thành viên của thị trường gồm Quỹ Dragon Capital, công ty chứng khoán SSI, HSC, VNDirect, cùng 2 Tập đoàn Sovico và FPT sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), hỗ trợ kinh phí duy trì vận hành giải pháp công nghệ cho hệ thống giao dịch, đảm bảo hàng chục ngàn tỉ giao dịch mỗi ngày cho thị trường vốn lớn nhất của Việt Nam.

Năm 2021, sự cố nghẽn lệnh sàn HoSE là vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Thanh khoản của HoSE chỉ cứ đạt tới khoảng 13.000 – 16.000 tỉ đồng /phiên là rơi vào “tắc nghẽn”, hệ thống quá tải, không nhận lệnh…

Việt Báo (Tổng hợp)