Cầy mangut đụng độ hổ mang chúa và cái kết kịch tính
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 11:27, 29/07/2022
Rắn là kẻ săn mồi đáng sợ, và có rất ít con vật dám "đùa giỡn" với loài động vật máu lạnh này. Ở chiều ngược lại, cầy mangut dù có kích thước tương đối nhỏ bé, nhưng lại là "khắc tinh" của tất cả các loài rắn, bất kể chúng có nọc độc mạnh mẽ tới đâu.
Trong một đoạn video được chia sẻ trên mạng xã hội, có thể thấy trận chiến vô cùng khốc liệt giữa một con cầy mangut vàng trước đối thủ nguy hiểm là rắn hổ mang chúa.
Cầy mangut là kẻ chủ động hơn, khi liên tục lao vào với những đòn tấn công tới tấp. Còn rắn hổ mang dường như khá hoang mang, khi nửa muốn chiến đấu, nửa muốn bỏ chạy. Tuy nhiên, nó cũng tung ra nhiều cú cắn trí mạng về phía cầy mangut, khiến con vật tả tơi, run rẩy.
Cầy mangut thì lợi dụng triệt để tốc độ của mình để liên tục di chuyển né đòn, đồng thời rình đợi rắn sơ hở, sau đó chộp lấy cổ và siết chặt bằng hàm răng của mình.
Sau một hồi tranh đấu, cả hai con vật đều rơi vào trạng thái kiệt sức. Rắn hổ mang thì gần như bất động, nằm gục đầu xuống đất. Còn cầy mangut cũng chỉ đủ sức lết đi, với hai chân sau gần như bị tê liệt.
Cầy mangut vàng (Cynictis penicillata) là một thành viên của họ cầy mangut, nặng trung bình 0.45 kg, dài 50 cm.
Bất chấp thân hình nhỏ bé, trên thực tế, cầy mangut loài động vật ăn thịt, được vang danh là những kẻ săn mồi cơ hội và cừ khôi, nhờ thính giác tốt và thị giác nhìn xa, có khả năng khiêu khích con mồi vì vậy chúng kiếm ăn khá dễ dàng và thâu tóm con mồi nhanh chóng nhờ bộ răng sắc nhọn.
Con mồi ưa thích của chúng là mối, châu chấu, dế... nhưng cũng có thể là các loài gặm nhấm như chuột, thỏ, hay các loài chim nhỏ. Chúng cũng có khả năng săn các loài ăn thịt khác như chó rừng và rắn độc.
Trong đó, đặc biệt nhất ở loài cầy mangut có lẽ là khả năng miễn nhiễm với chất độc của rắn, đặc biệt là rắn hổ mang, giúp chúng tự tin đi săn các loài này. Được biết, các chất độc của nhiều nọc rắn, bao gồm cả rắn hổ mang, hoạt động theo cách liên kết với các thụ thể acetylcholine của nạn nhân, làm ngăn chặn sự liên lạc giữa hệ thần kinh và cơ bắp, khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tê liệt.
Tuy nhiên vào năm 1995, nhà sinh học phân tử Sara Fuchs và các đồng nghiệp của cô đã phát hiện ra rằng thụ thể acetylcholine ở cầy mangut có đặc điểm giống như ở chính loài rắn, nhưng bị đột biến nhẹ để nọc độc chỉ đơn giản là không tương tác với tế bào cơ.
Bên cạnh đó, lớp lông dày và tốc độ đáng kinh ngạc của cầy mangut cũng vô cùng hữu ích trong các cuộc chiến "một mất một còn".