Mất hàng trăm nghìn tiền phí nếu muốn nạp tiền vào thẻ ETC
Cuộc sống số - Ngày đăng : 09:01, 29/07/2022
Trước thông tin toàn bộ cao tốc sẽ bắt đầu thực hiện thu phí không dừng (ETC) từ ngày 1/8, chị Thu Hiền - trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội - loay hoay tìm hiểu cách thức nạp tiền của 2 nhà cung cấp là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (VETC) hoặc Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC - ePass).
Điều bất ngờ là các nhà cung cấp đều thu phí khá cao hầu hết phương thức thanh toán. Tài khoản VETC hay VDTC - ePass không cho phép liên kết trực tiếp với nhiều tài khoản của các ngân hàng. Điều này gây bất tiện cho nhiều tài xế.
Người dân cảm thấy khó hiểu trước loại phí nạp tiền. Ảnh: Vĩnh Phúc. |
Miễn phí thì bất tiện, thuận tiện thì tốn phí
VETC và VDTC - ePass đều yêu cầu người dùng nạp sẵn tiền vào tài khoản thay vì thanh toán trực tiếp bằng tài khoản ngân hàng. Người dùng cần đảm bảo số dư trong tài khoản. Nếu tài khoản không còn tiền, hệ thống sẽ từ chối mở barie.
VETC và VDTC - ePass đều cho phép nạp tiền trực tuyến và trực tiếp. Với kênh trực tuyến, khách có thể nộp bằng hình thức chuyển khoản (Internetbanking) hoặc liên kết tài khoản với thẻ ngân hàng, ví điện tử/cổng thanh toán điện tử. Với kênh trực tiếp là đến cửa hàng, đại lý do đơn vị liên kết hoặc ngân hàng.
Hầu hết cách nạp tiền trực tiếp hay trực tuyến kể trên, khách hàng đều phải tốn thêm khoản chi phí.
Đối với VDTC - ePass, ứng dụng đưa ra biểu phí 880 đồng + 0,66% giá trị giao dịch (đã bao gồm VAT) nếu người dùng liên kết với thẻ ATM nội địa. Nếu nạp tiền qua 2 ví điện điện tử là VNPay và Momo, người dùng phải trả thêm lần lượt 1.300 đồng + 0,8% giá trị giao dịch và 1.500 đồng + 0,85% giá trị giao dịch (chưa bao gồm VAT) mỗi lần nạp tiền.
PHÍ GIAO DỊCH PHẢI TRẢ NẾU NẠP 10 TRIỆU ĐỒNG VÀO EPASS | ||
Nhãn | Phí giao dịch | |
ATM nội địa | đồng | 66800 |
Thẻ quốc tế | 202000 | |
Momo (chưa gồm VAT) | 86500 | |
VNPay (chưa gồm VAT) | 81300 |
Thậm chí, nếu liên kết thẻ quốc tế, khách hàng sẽ phải thanh toán thêm 2.000 đồng + 2% giá trị giao dịch (đã bao gồm VAT). Ví dụ nạp 1 triệu đồng vào tài khoản giao thông, người dùng phải trả thêm 22.000 đồng.
Ngoài ra, nếu nạp tiền thông qua ứng dụng của ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank, người dùng sẽ phải đáp ứng biểu phí của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.
Một tài xế chạy xe container từ Thái Nguyên đến cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cho biết trung bình phải trả phí đường cao tốc khoảng gần 2 triệu đồng cho quãng đường gần 350 km (cả chiều đi và về). Trung bình người này phải nạp khoảng 50-60 triệu tiền vào tài khoản VDTC - ePass mỗi tháng.
Nếu người này nạp tiền qua liên kết thẻ VISA, có thể mất tới 1-1,2 triệu đồng tiền phí mỗi tháng. Nếu nạp qua liên kết thẻ ATM nội địa thì mất khoảng 350.000-400.000 đồng; nếu nạp qua ví điện tử sẽ mất khoảng 400.000-500.000 đồng/tháng.
Nhiều tài xế bị thu phí cao nếu muốn nạp tiền thẻ ETC. Ảnh: NVCC. |
Tương tự, với tài xế nạp ít tiền hơn (khoảng 0,5-1 triệu đồng/tháng), tiền phí nạp trung bình sẽ mất khoảng 10.000-20.000 đồng tùy hình thức.
Dẫu vậy, ứng dụng vẫn đưa ra một kênh nạp miễn phí nhưng chỉ với riêng nhà cung cấp có liên kết với công ty này, đó là Viettel.
VETC có nhiều hạn chế hơn. Ngoài thao tác chuyển khoản bằng ngân hàng miễn phí dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng, người dùng sẽ được miễn phí phí giao dịch nếu liên kết tài khoản giao thông với tài khoản BIDV hoặc nạp tiền qua hình thức thanh toán hóa đơn của ngân hàng này.
Tương tự VDTC, VETC hợp tác với một số điểm cho phép nạp tiền miễn phí như trạm thu phí, trung tâm đăng kiểm. Đơn vị này cũng cho phép tài xế nạp tiền miễn phí tại các quầy giao dịch của BIDV. Tuy nhiên, số tiền nạp phải tối thiểu 3 triệu đồng.
Lưỡng lự vì phụ phí
“Rất bất tiện, việc trả thêm phí giao dịch khiến người dùng lưỡng lự trước các lựa chọn thanh toán nhanh chóng khác như liên kết thẻ ATM. Khoản phí này là gì, phục vụ mục đích gì? Tại sao người dân phải trả thêm tiền để sử dụng thu phí tự động không dừng, trước đây hình thức thu phí thủ công (MTC) đâu mất đồng nào”, chị Hiền đặt câu hỏi.
Đăng Khoa - trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội - cũng có chung bức xúc trước những khoản phí “lạ” của các đơn vị triển khai ETC. Do có công việc làm ăn ở Hải Phòng, mỗi tháng, anh lại lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 3-4 lần.
“Tôi thường mở ứng dụng để kiểm tra số dư trước mỗi lần vào cao tốc, không đủ thì nạp thêm cho cả 2 chiều đi - về, thường là chuyển khoản. Tôi không liên kết thẻ ATM do mất phí khi dùng ngân hàng khác chỉ định”, anh Khoa chia sẻ.
'Lâu lắm rồi tôi mới thấy có ứng dụng thu phí giao dịch ngân hàng. Các ứng dụng phổ biến bây giờ như mua sắm, gọi xe, gọi đồ ăn đều cho liên kết thẻ ATM và thanh toán miễn phí, không mất khoản phụ thu nào. Vì sao VETC hay VDTC không làm như vậy?'- Đăng Khoa, người dùng trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội
Bên cạnh đó, người dùng này còn cảm thấy phiền phức khi phải sử dụng quá nhiều ứng dụng ví điện tử nếu muốn miễn phí nạp tiền.
Ngoài ra, nhiều tài xế cũng cho rằng không muốn nạp quá nhiều tiền vào tài khoản VETC và VDTC - ePass, bởi không cho phép rút tiền trừ khi khách hàng có nhu cầu thay đổi tài khoản. Do vậy, người dùng phải cân nhắc kỹ lưỡng số tiền nạp sao cho hợp lý.
Bởi lẽ nếu nạp ít, người dùng sẽ phải nạp nhiều lần, tốn thêm phí giao dịch. Ở chiều ngược lại, họ có khả năng đối mặt với tình trạng giam vốn, tiền chết nếu nạp nguyên một khoản, chẳng hạn 5-10 triệu đồng, mà không sử dụng đến hoặc nhu cầu không cao.
Theo ông Hồ Trọng Vinh - Phó giám đốc VETC - việc chuyển tiền từ ngân hàng sang tài khoản giao thông có tính phí là quy định của ngân hàng. Do đó, điều này không phụ thuộc vào đơn vị cung cấp dịch vụ, cụ thể ở đây là VETC.
Tính đến nay, số lượng phương tiện có dán thẻ ETC đạt 3,3 triệu đơn vị, tương đương 73% số ôtô lưu hành trên cả nước. Lượng xe dán thẻ ETC vẫn gia tăng khoảng 10.000 xe/ngày.
Trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu 80-90% phương tiện có dán thẻ ETC. Bên cạnh các tuyến cao tốc, hình thức ETC sẽ vẫn được triển khai song song MTC trên các tuyến quốc lộ. Chính phủ chủ trương duy trì một làn thu phí hỗn hợp trên mỗi chiều xe chạy.
(Theo Zing)