Số phận chiếc 'loa phường thông minh' từng được thí điểm ở Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 16:11, 28/07/2022

Dù được kỳ vọng sẽ thay thế hệ thống loa phường đã "hoàn thành sứ mệnh lịch sử" nhưng sau thời gian thí điểm, "loa phường thông minh" ở Hà Nội đã… "lặn mất tăm".

Hồi cuối năm 2017, hai đơn vị là Viettel và Mobifone được thí điểm lắp đặt có tên M-GATEWAY (tương tự modem wifi) trong từng hộ dân, nhằm thay thế dần hệ thống loa phường.

Số phận chiếc loa phường thông minh từng được thí điểm ở Hà Nội - 1

Thiết bị thay thế loa phường được lắp đặt đến từng hộ dân vào năm 2017 (Ảnh tư liệu).

Ở thời điểm này, có 200 thiết bị được thí điểm lắp đặt ở 4 phường trên địa bàn 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Cầu Giấy (Hà Nội), trong đó quận Hoàn Kiếm được Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Hà Nội bố trí 50 thiết bị, lắp đặt cho các hộ dân trên địa bàn phường Tràng Tiền; Viettel là đơn vị cung cấp thiết bị.

Qua tìm hiểu, đến năm 2019, dự án thí điểm nêu trên tại quận Hoàn Kiếm kết thúc; thiết bị "loa phường thông minh" cũng được thu hồi. Kể từ năm 2019 cho đến nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không thí điểm dự án tương tự nào liên quan đến "loa phường thông minh" nữa.

Trao đổi với PV Dân trí, một lãnh đạo UBND quận Cầu Giấy cho biết, sau một thời gian thí điểm, cơ quan này đánh giá thiết bị mới hoạt động "chưa được tốt lắm".

Nói về nguyên nhân, theo vị lãnh đạo này là do số lượng sản phẩm phân bổ cho địa phương để thử nghiệm không nhiều, không được triển khai đồng loạt. Bên cạnh đó, các ngôi nhà được lựa chọn thí điểm có sự thay đổi chủ sở hữu; thiết bị dễ sử dụng với giới trẻ nhưng với người cao tuổi thì khó khăn; cần bảo dưỡng định kỳ…

"Quận đã có báo cáo, đánh giá ngay sau khi kết thúc thời gian thí điểm gửi UBND TP Hà Nội, Sở TT-TT Hà Nội. Sau đó, thiết bị này không được triển khai tiếp" - vị này chia sẻ thêm.

Số phận chiếc loa phường thông minh từng được thí điểm ở Hà Nội - 2

Lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội khẳng định, loa phường vẫn đóng vai trò then chốt trong loại hình thông tin cơ sở (Ảnh: Hữu Nghị).

Tại buổi cung cấp thông về một số nội dung của kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở, giai đoạn 2022-2025, diễn ra sáng 27/7, báo giới đặt câu hỏi về việc thành phố đánh giá kết quả thí điểm thiết bị thông minh thay thế loa phường thế nào và hiện còn thí điểm hay không?

Trả lời câu hỏi trên, bà - Phó Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội, cho biết thiết bị thí điểm này để ở trong nhà nên người dân có thể chủ động bật, tắt nên thông tin có thể được tiếp nhận hoặc không. Đối với thông tin bắt buộc người dân phải nắm được thì chỉ có loa phường mới chuyển tải được.

"Qua thí điểm, chúng tôi thấy loa phường vẫn đóng vai trò then chốt trong loại hình thông tin cơ sở" - bà Hương nói.

Trở lại thời điểm năm 2017, trong giai đoạn thí điểm, danh sách các hộ được lắp "loa phường thông minh" sẽ do phường khảo sát trên cơ sở người dân tự nguyện đăng ký. Một lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội thời điểm đó cho biết, quá trình lắp đặt thiết bị thông minh cơ bản thuận lợi bởi đa số người dân ủng hộ thay thế loa phường. Đặc biệt, thiết bị thông minh tạo điều kiện thuận hơn cho người dân tiếp cận thông tin theo hình thức trao đổi 2 chiều.

Mới đây, để nâng hiệu quả công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, Hà Nội đã ban hành kế hoạch, phấn đấu đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư.

Bên cạnh đó, thành phố đặt mục tiêu 100% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông. Đến năm 2025, sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói.

Tuy nhiên, khi kế hoạch này được các cơ quan báo chí đăng tải đã vấp phải sự phản đối từ dư luận xã hội. Trong khi đó, theo lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội, loa phường là một trong những hình thức thông tin cơ sở để đưa thông tin thiết yếu đến với người dân và loại hình này "không thể thay thế được".

Nguyễn Trường