Khẳng định sức sống, nguyên tắc và cam kết của DOC

Đối ngoại - Ngày đăng : 15:00, 28/07/2022

Đã hai thập kỷ kể từ khi ASEAN và Trung Quốc ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) năm 2002. ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới đàm phán một Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế.
Khẳng định sức sống, nguyên tắc và cam kết của DOC
Các đại biểu tham dự Hội thảo kỷ niệm 20 năm DOC ngày 25/7.

Duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng

Chia sẻ bên lề Hội thảo kỷ niệm 20 năm DOC ngày 25/7 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nhắc lại bối cảnh ra đời của DOC. Theo đó, trước những diễn biến phức tạp của khu vực Biển Đông cuối những năm 1990, cả ASEAN và Trung Quốc đều nhận thấy cần phải thông qua một bộ quy tắc ứng xử để điều tiết hành vi của các bên.

Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán hai bên chưa thể đạt được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông mà thay vào đó, ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí ký DOC ngày 4/11/2002.

Một trong những mong ước của ASEAN và Trung Quốc là thông qua việc ký kết DOC có thể góp phần vào việc duy trì an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc hợp tác quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trên thực tế, theo ông Nguyễn Mạnh Đông, mặc dù DOC có ý nghĩa rất lớn nhưng trong vòng 20 năm qua tình hình Biển Đông tiếp tục có rất nhiều diễn biến phức tạp mà một trong những nguyên nhân là việc thực thi DOC của các bên chưa được nghiêm túc và đầy đủ như dự định ban đầu của các nhà đàm phán cũng như những người ký kết.

Hội thảo kỷ niệm 20 năm DOC có sự tham dự của một số Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao trong ASEAN, nhất là những người từng tham gia ký DOC năm 2002, cũng như các học giả Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tại đây, sức sống của các nguyên tắc và cam kết trong DOC như tôn trọng và tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC), giải quyết hòa bình tranh chấp, năm nguyên tắc chung sống hòa bình… một lần nữa được khẳng định.

Các nguyên Bộ trưởng Ngoại giao trong ASEAN nhắc lại sự cần thiết và tiến trình đi đến ký kết DOC năm 2002 - văn bản đầu tiên, cũng là dấu mốc quan trọng trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc về Biển Đông; khẳng định ý nghĩa và vai trò của DOC đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực.

Về phía Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh DOC là văn bản quan trọng đầu tiên được ký kết giữa ASEAN với một nước đối tác, góp phần thúc đẩy hòa bình, tin cậy và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. DOC tái khẳng định sự tôn trọng và cam kết của các bên đối với tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

COC thực chất, hiệu lực và phù hợp

Các đại biểu tại Hội thảo đều cho rằng ASEAN và Trung Quốc cần tiếp tục thực thi một cách đầy đủ và hiệu quả DOC và duy trì môi trường thuận lợi cho việc đàm phán COC - một trong những cam kết trong khuôn khổ DOC.

Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh hòa bình, ổn định ở Biển Đông là tiền đề của sự phát triển tại khu vực, đồng thời đề nghị các bên tiếp tục thúc đẩy đàm phán, sớm đạt được COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Ông Nguyễn Mạnh Đông cho biết, trong nhiều năm qua, ASEAN và Trung Quốc đã nỗ lực đàm phán COC. Nhưng tiến trình đàm phán thực chất COC chỉ diễn ra từ năm 2018 đến nay và sau đó lại gặp khó khăn do đại dịch, các cuộc họp có sự gián đoạn nhất định.

Tuy nhiên, ASEAN và Trung Quốc từ năm 2019 đều thể hiện quyết tâm, trong đó có nỗ lực tổ chức các cuộc đàm phán trực tuyến liên quan đến nội dung của COC.

Cho đến nay, theo ông Nguyễn Mạnh Đông, ASEAN và Trung Quốc đã đạt được nhiều tiến triển. ASEAN và Trung Quốc nhất trí văn bản COC phải là một văn bản thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982. Đây là những tư tưởng, định hướng chỉ đạo cho quá trình đàm phán sắp tới.

“Rõ ràng, những vấn đề mà DOC chưa điều chỉnh một cách hiệu quả hoặc chưa xử lý rốt ráo thì COC sắp tới cần giải quyết. Vì vậy, những đàm phán COC chắc chắn sẽ khó khăn, phức tạp hơn. Tôi nghĩ rằng với quyết tâm cao của cả ASEAN và Trung Quốc, những cuộc đàm phán sẽ sớm đạt được kết quả cuối cùng”, ông Nguyễn Mạnh Đông nhận định.

Theo ông, trong quá trình đàm phán, ASEAN và Trung Quốc đều bày tỏ quyết tâm sớm đạt được giải pháp, nhưng quan trọng hơn là nội dung của COC phải thực sự thực chất, hiệu quả và phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nhấn mạnh: “Điều quan trọng là chúng ta phải đạt được những nội dung tốt hơn, không phải vì lý do chạy theo thời gian mà đưa ra một COC không phù hợp với tất cả các nước.

Khi COC giữa ASEAN và Trung Quốc thông qua mà được cộng đồng quốc tế tôn trọng và ủng hộ thì đây sẽ gửi đi một tín hiệu rất tốt về khả năng của ASEAN và Trung Quốc trong quản lý các khác biệt cũng như xử lý các vấn đề của khu vực”.

Phương Hà