Còn bán túi nylon theo cân, đất nước ngập trong rác nhựa, con người tự huỷ diệt
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 23:00, 27/07/2022
Chỉ cần nhìn từ chợ cóc ở mỗi khu dân cư, hay từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở mỗi tòa nhà là đủ thấy mức tiêu thụ túi nylon ở Việt Nam khủng khiếp đến mức nào. Một bà nội trợ đảo qua chợ trong vài chục phút, khi trở về sẽ xách trên tay ít thì 4-5 túi, nhiều thì hàng chục túi nylon: Cái đựng thịt, cái đựng cá, cái đựng đậu, rồi thì rau, cà chua, hành tỏi… Nếu bạn mua vài ba loại rau ở các hàng khác nhau thì mỗi loại sẽ được đựng trong một túi riêng. Thậm chí, bạn chỉ mua dăm nghìn đồng hành lá hay rau thơm, người bán cũng hào phóng cho hẳn một chiếc túi nylon để xách.
Loại túi này quá rẻ; những người bán hàng thường mua theo cân với giá chỉ mấy chục nghìn đồng một kg (mỗi kg có hàng trăm túi) để phát miễn phí cho khách hàng. Vậy nên thế giới mỗi năm tiêu thụ đến 5.000 tỷ chiếc túi nylon dùng một lần, theo báo cáo của Tổ chức Môi trường Liên Hợp Quốc năm 2018. Một báo cáo khác cho biết, Việt Nam mỗi năm thải ra khoảng 30 tỷ túi nylon; trung bình mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nylon mỗi tháng, hơn 80% trong số đó bị thải bỏ sau một lần dùng.
Chúng ta chỉ mất chưa đầy một giây để vứt bỏ chiếc túi nylon vào sọt rác, nhưng thiên nhiên sẽ phải mất 500 – 1.000 năm để phân hủy nó nếu như không có sự tác động của nhiệt độ cao từ ánh sáng mặt trời. Không có cách nào xử lý túi nylon mà không đầu độc nghiêm trọng môi trường sống. Nếu chôn lấp, các mảnh nylon sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, chẳng những khiến đất xói mòn, khó giữ nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây mà còn ngăn cây tiếp nhận oxy trong đất. Có nguồn gốc dầu hỏa nên dù ở trong đất hay nước, túi nylon đều gây ô nhiễm.
Nếu tiêu hủy loại rác này bằng cách đốt, khí thải ra cũng là chất độc, chẳng hạn như chất dioxin và furan tác động xấu đến các tuyến nội tiết, bào mòn khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ ung thư...
Tóm lại, dù thế nào đi nữa, túi nylon cũng là kẻ thù nguy hiểm của môi trường, khiến Trái đất - cái nôi của sự sống - trở nên độc hại đối với con người cùng các loài khác và đi dần đến chỗ suy vong. Từng người trong chúng ta mỗi ngày đều góp một tay vào quá trình tự hủy diệt đó khi vô tư nhận những chiếc túi nylon miễn phí rồi thản nhiên vứt bỏ chúng.
Một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng kể rằng, con ếch được cho vào nồi nước mát, sau đó nước được đun từ từ, ếch vẫn khoan khoái trong làn nước ấm, nóng dần lên mà không nhận ra sự nguy hiểm cho đến lúc bị nấu chín. Trong việc sử dụng túi nylon, cách con người đối xử với môi trường, với sự tồn vong của nhân loại cũng gần như thế. Chỉ khác là chính chúng ta tự đun nồi nước kia, và lúc này nước đã trở nên nóng rẫy, ai cũng cảm nhận được sự nguy hiểm của tình hình nhưng vẫn không dừng lại.
Mà việc dừng lại, nói thì đơn giản nhưng đến giờ rất ít người làm được, đó là ngừng hoặc ít ra là hạn chế sử dụng túi nylon nói riêng, các loại đồ nhựa dùng một lần nói chung. Do thói quen, đã đành. Nhưng thứ nuôi dưỡng, dung túng cho thói quen độc hại đó là sự lỏng lẻo trong việc quản lý nguồn rác thải nhựa. Mọi người đều quá dễ dàng tiếp cận, sử dụng và vứt bỏ túi nylon mà không hề phải chịu trách nhiệm về việc đó.
Vì thế nên dù xã hội đã tốn kém rất nhiều công sức, thời gian, tiền của để tổ chức vô số chiến dịch tuyên truyền, hành động vì môi trường, vẫn có hàng núi túi nylon được thải ra mỗi ngày ở các đô thị và cả nông thôn.
Không thể chỉ tuyên truyền, kêu gọi và trông đợi vào ý thức tự giác của người dân, mà phải điều chỉnh hành vi của họ bằng chính sách, pháp luật. Cụ thể, phải thu thuế, phí thật nặng đối với việc mua và sử dụng túi nylon. Loại túi nhựa này, thay vì được phát miễn phí như hiện nay, phải trở thành mặt hàng đắt đỏ để mọi người phải cân nhắc khi mua và thải bỏ. Ngoài ra, những người vứt túi nylon bừa bãi, không tuân thủ quy trình phân loại rác phải bị phạt nặng. Phần lớn số tiền thu được sẽ dùng cho việc xử lý hậu quả của rác thải nhựa.
Tình hình đã rất cấp bách. Những chính sách, chế tài đó cần được xây dựng và ban hành thật sớm, bởi ngày nào túi nylon còn được bán theo cân với giá rẻ bèo như hiện nay thì đất nước còn ngập ngụa trong rác thải, môi trường sống càng thêm lâm nguy.