Ngạt khí, sát thủ gây ra những cái chết ‘êm dịu, không báo trước’

Tin Y tế - Ngày đăng : 16:51, 27/07/2022

Nhiều trường tử vong vì ngạt khí từ các đồ dùng như: than tổ ong, máy phát điện... gây ra những cái chết “êm dịu”, không báo trước.
22.2.2022_suoi_am_bang_than.jpg
Nhiều vụ tử vong do ngạt khí đến từ sưởi ấm - Ảnh: Internet

Nhiều vụ tử vong 'không báo trước'

Vụ việc 6 người trong một gia đình (gồm hai người lớn và bốn trẻ em) ở Bình Dương tử vong với nguyên nhân ban đầu được xác định là do bị ngạt khí từ máy phát điện khiến nhiều người không khỏi xót thương.

Tại hiện trường trong căn nhà của các nạn nhân, lực lượng chức năng phát hiện một máy phát điện ở căn phòng phía sau. Được biết, vào đêm 23-7 rạng sáng 24-7, khu vực này xảy ra mưa lớn và cúp điện. Vì vậy có thể gia đình nạn nhân đã cho nổ máy phát điện trong nhà dẫn đến ngạt khí.

Trước đó, gia đình bốn người được phát hiện bất tỉnh trên gác lửng phòng trọ rộng 16m2 Trước đó, ở TP Thủ Đức (TP.HCM), vào viện cấp cứu nhưng đều lần lượt tử vong. Gia đình này buổi tối thường hấp cá bằng lò than tổ ong đặt trước cửa phòng để sáng hôm sau mang ra chợ bán, phòng trọ lắp máy lạnh.
Nhà chức trách đang được điều tra, nguyên nhân có thể do các nạn nhân bị ngạt khí CO từ than tổ ong.

Trước đó, tại tỉnh Phú Thọ cũng xảy ra sự cố ngạt khí khiến 4 người chết và 1 người bị thương. Họ là những công nhân vệ sinh môi trường ở Hà Nội đến Công ty TNHH Miwon vệ sinh hố ga vi sinh.

Trong quá trình vệ sinh, 2 công nhân của công ty môi trường này bị ngạt khí và đã hô hoán. Nghe thấy tiếng kêu cứu, 3 công nhân thuộc bộ phận lò hơi đang làm việc gần đó chạy đến và nhảy xuống ứng cứu.

Tuy nhiên, cả 5 người đều bị ngạt khí, ngất đi. Phía doanh nghiệp sau đó đã gọi điện báo cho lực lượng chức năng để ứng cứu. Tuy nhiên, sự cố ngạt khí khiến 4 người chết và 1 người bị thương.

22.2.2022_bs_chi_to_thuong_tren_nao_bn_bi_ngo_doc_co.jpg
Não bệnh nhân tổn thương khi ngạt khí - Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Tử vong nhanh

TS Nguyễn Trung Nguyên - giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết người dân tuyệt đối không đốt củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, kể cả dùng khí gas bởi khi đốt, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi CO độc hại sẽ ngày càng tăng.

Phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu oxy, sẽ hình thành CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào cái chết “êm dịu”.

Bác sĩ Nguyên cho biết bản thân CO không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và “cướp” mất oxy trong máu, làm nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thấy yếu, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

"Hít phải lượng lớn khí CO có thể bất tỉnh và tử vong rất nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mãn tính. 40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…", bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.

TS BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết khí CO không màu, không mùi, rất khó phát hiện nên dễ dẫn đến ngộ độc nếu không cẩn thận trong các sinh hoạt hàng ngày.

Theo bác sĩ Hùng, khí độc này thường gây các triệu chứng thần kinh. Ở mức độ nhẹ, việc nhiễm độc có thể gây cảm giác đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Mức độ cao hơn nữa là tình trạng khó tập trung, hoa mắt, lờ mờ, lú lẫn.

Nếu không ra khỏi vùng khí độc, nạn nhân có thể khó thở, đau ngực, hôn mê, ức chế thần kinh trung ương gây ngưng thở.

Ngoài ra, khí CO còn ngấm vào máu, chiếm chỗ của khí oxy để gắn vào hồng cầu, khiến máu đến mô bị thiếu oxy, từ đó gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, suy gan...

Những tác động vào thần kinh và máu khiến người hít phải lượng lớn khí CO có thể ngất đi rồi nhanh chóng tử vong mà không hay biết, y học gọi là cái chết "êm dịu", cái chết "không báo trước".

Cách sơ cứu, xử lý khi nạn nhân bị ngạt khí

Bác sĩ Hà Trần Hưng - phó giám đốc Trung tâm Hồi sức - chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết khi thấy có người bị ngạt khí, cần mở hết các cửa để không khí tràn vào và đưa ngay nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, nhanh chóng đưa tới bệnh viện để cấp cứu, hạn chế di chứng.

Người đến cấp cứu nạn nhân cũng cần nhanh chóng gọi thêm người hỗ trợ, đề phòng bị ảnh hưởng khí độc. Quá trình tới viện nếu nạn nhân thở yếu hoặc bất tỉnh, cần phải hà hơi thổi ngạt.

Trong trường hợp bản thân người đang ở trong phòng kín mà sử dụng máy phát điện hoặc đồ dùng sinh ra khí CO2, thì lúc cơ thể cảm thấy khó thở, hơi choáng thì nên nhanh chóng dậy mở cửa phòng ngay, nếu để lâu cơ thể lịm dần đi.

Sau khi mở cửa cần tắt ngay các thiết bị hoặc bước ra ngoài phòng để không bị mệt mỏi do thiếu khí.

Để không bị ngạt khí, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người không nên dùng than, củi để đốt, sưởi trong phòng kín không có không khí. Không chạy động cơ sử dụng xăng, dầu trong các khu vực khép kín. Không sử dụng thiết bị đốt khí gas không có thông hơi trong phòng kín hoặc trong phòng ngủ.

Mọi người nên tránh tụ tập những nơi công cộng đông đúc như tầng hầm đậu xe. Ngoài ra, các tòa nhà phải thiết kế hệ thống thông gió, đảm bảo lượng oxy lưu thông.

ANH ĐÀO