Thu tỷ USD về túi: Ông lớn chiếm lại số 1, tỷ phú rớt khỏi top 10
Kinh doanh - Ngày đăng : 08:42, 27/07/2022
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương - Vietcombank (VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với kết quả kinh doanh vượt trội, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 7,4 nghìn tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và trở thành quán quân trong lĩnh vực ngân hàng.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 17,3 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ.
Nhiều khả năng năm nay 2022, Vietcombank sẽ trở lại ngôi vị quán quân về lợi nhuận trong bối cảnh nhiều ông lớn khác ghi nhận lợi nhuận suy giảm khi nền kinh tế trở về tình trạng bình thường sau đại dịch hoặc/và không có lợi nhuận đột biến khác.
Doanh nghiệp số 1 trong ngành thép - Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhuận lợi nhuận trong quý II sụt giảm sâu xuống còn 4 nghìn tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức gần 10,4 nghìn tỷ đồng trong quý III/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của chủ tịch Trần Đình Long ghi nhận hơn 12,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 27% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận của Hòa Phát giảm đúng như dự báo tình cảnh không còn thuận lợi trong 3 quý cuối năm 2022 của ông Trần Đình Long khi mà giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng mạnh theo diễn biến phức tạp do cuộc xung đột Nga-Ucraina và giá bán thép giảm.
Nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng báo lợi nhuận quý II/2022 giảm sâu như SMC, Gang thép Thái Nguyên, Gang thép Cao Bằng, Thép Mê Linh. Thép Thủ Đức còn ghi nhận thêm một quý thua lỗ.
Theo báo cáo, trong quý II/2022, CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS) ghi nhận doanh thu thuần giảm hơn 45% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 358 tỷ đồng và lỗ gộp gần 2,5 tỷ đồng.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên 2022 ông lớn ngành thép Hòa Phát (HPG), chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cảnh báo về tìn hình “thê thảm” của doanh nghiệp khi mà ngành thép “đang không thuận lợi”.
Thép Thủ Đức cho biết sở dĩ doanh thu quý II/2022 giảm là do sản lượng thép tiêu thụ của doanh nghiệp giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước. Còn lợi nhuận quý II/2022 âm, được Thép Thủ Đức giải thích là do, giá cả đầu ra giảm sâu liên tục từ đầu quý II đến nay. Lượng thép tiêu thụ giảm mạnh, dẫn đến việc công ty phải ngưng sản xuất. Giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng tới giá vốn.
Việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng tới dòng tiền, kèm theo việc siết tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ cũng làm chi phí tài chính, nhất là lãi vay, tăng mạnh.
Triển vọng trong 2 quý còn lại trong năm của Thép Thủ Đức cũng không mấy tươi sáng khi mà giá thép được dự báo còn giảm. TDS còn lượng hàng tồn kho cao và đây không phải là hàng tồn giá rẻ. Tới cuối quý II/2022, TDS còn gần 500 tỷ đồng hàng tồn kho.
Với mức giá cổ phiếu giảm mạnh mất khoảng 50% từ cuối năm ngoái cho tới nay, Hòa Phát của tỷ phú Long rớt khỏi top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán, chỉ còn lại khoảng 5,5 tỷ USD.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn khá ấn tượng. Tuy nhiên, VPBank đã lùi lại với lợi nhuận quý II không còn bứt phá như quý I. Tính trong 6 tháng đầu năm 2022, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 15,3 nghìn tỷ đồng.
Một nhóm ngành duy trì được lợi thuế thời kỳ hậu Covid-19 và lạm phát tăng cao là phân bón. Giá bán sản phẩm đầu ra tăng cao cùng với nhu cầu cho hoạt động nông nghiệp phục vụ trông cây lương thực thực phẩm không đổi, các doanh nghiệp ngành này hưởng lợi.
CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vừa báo cáo lợi nhuận gộp quý II/2022 đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đạt gần 2,6 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Giá nhiều sản phẩm của DCM tăng vọt, trong đó có Ure tăng gần 80% so với cùng kỳ dẫn tới doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Nhóm thủy sản cũng bứt phá với lợi nhuận sau thuế công ty mẹ quý II/2022 tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ lên hơn 780 tỷ đồng. “Vua cá tra” một thời Navico (ANV) bứt phá với lợi nhuận tăng gấp 10 lần cùng kỳ.
Không chỉ Vĩnh Hoàn và Nam Việt, nhiều doanh nghiệp thủy sản đồng loạt báo lãi quý II gấp nhiều lần cùng kỳ như: Thực phẩm Sao Ta, Aquatex Bentre…
Tiếp tục xu hướng tích lũy
Theo BSC, hiện tại thị trường vẫn đang trong xu hướng tích lũy trong ngưỡng 1.185-1.200; trong ngắn hạn, thị trường vẫn có thể tiếp tục duy trì xu hướng này cho đến khi có dòng tiền vào và đẩy chỉ số bật lên.
MBS cho rằng, nhóm cổ phiếu đầu cơ bị bán mạnh là tác nhân chính khiến chỉ số Vn-index không thể giữ ngưỡng hỗ trợ 1.190 điểm trong phiên ngày 26/7. Thị trường có khả năng sẽ kiểm nghiệm lại mức đáy ngắn hạn ở ngưỡng 1.150 điểm.
YSVN cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co với biên độ hẹp và VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mức 1.180 điểm trong phiên giao dịch 27/7. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên trong vài phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn đã thận trọng trở lại.
Chốt phiên giao dịch 26/7, chỉ số VN-Index giảm 3,43 điểm xuống 1.185,07 điểm. HNX-Index giảm 2,5 điểm xuống 282,88 điểm. Upcom-Index tăng 0,06 điểm lên 88,41 điểm. Thanh khoản đạt 10,9 nghìn tỷ đồng, trong đó có 9,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
M. Hà