Barcelona: Bán tương lai mua hiện tại và thực trạng buồn của La Masia
Bóng đá quốc tế - Ngày đăng : 07:02, 27/07/2022
Barcelona đang nỗ lực tái thiết cùng Chủ tịch Laporta, nhưng cái cách tái thiết của đội bóng này hơi khác lạ, khi bán tương lai để mua hiện tại và La Masia không còn là ưu tiên hay niềm kiêu hãnh.
Ngày 25/11/2012, Barca, đương kim vô địch La Liga và Champions League, làm khách trên sân Ciutat de Valencia của Levante. Đội hình xuất phát của gã khổng lồ xứ Catalonia được sắp xếp theo sơ đồ 4-3-3 quen thuộc.
Trấn giữ trong khung thành là thủ môn số một Victor Valdes. Bộ tứ vệ từ phải sang trái là Dani Alves, Gerard Pique, Carles Puyol và Jordi Alba.
Bộ ba tiền vệ được hình thành bởi Busquets, mỏ neo, Xavi, cầm nhịp, Fabregas, tấn công. Vị trí của Fabregas vốn thuộc về Iniesta nhưng trận này San Andres được đẩy lên đá tiền đạo lệch trái thay David Villa. Bên cạnh Iniesta là Messi, số 9 ảo, và Pedro, tiền đạo lệch phải.
Phút thứ 14 của trận đấu, Dani Alves dính chấn thương và nhường chỗ cho Martin Montoya. Đến thời điểm này, cả 11 cái tên trên sân của Barca đều trưởng thành từ La Masia, lò đào tạo trẻ của CLB. Một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong kỷ nguyên hiện đại của bóng đá, kỷ nguyên của kim tiền.
"Không thể đòi hỏi gì hơn khi 11 cầu thủ đều trưởng thành từ học viện của CLB", một tháng sau, Victor Valdes nhìn lại mốc son lịch sử của Barca trên FourFourTwo. "Chúng tôi không cần phải thực hiện những bản hợp đồng bom tấn để có một đội bóng vĩ đại".
"Đây là thành quả của công trình từ 15 đến 20 năm trước, không phải chuyện một sớm một chiều. Nhiều người góp công vào chiến tích này đã không còn làm việc tại CLB. Sau trận đấu, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn từ các ông thầy cũ (tại La Masia - pv). Họ cũng là một phần của lịch sử".
Hàm lượng La Masiaine tại Barca đậm đặc tới nỗi, ngoài 11 cầu thủ "cây nhà lá vườn" thi đấu trên sân, nhiều gương mặt khác cũng trưởng thành từ La Masia hiện diện trên băng ghế huấn luyện, bao gồm HLV Pep Guardiola và vị trợ lý Tito Vilanova.
Trước đó gần 2 năm, La Masia lập chiến tích vô tiền khoáng hậu khác. Đó là chủ nhân 3 danh hiệu Quả bóng vàng, bạc và đồng, đều trưởng thành từ lò đào tạo danh tiếng của Barca. Messi đứng nhất, Iniesta xếp thứ hai và Xavi về ba.
Hãy thử hình dung, một đội bóng trong bất kỳ thời đại nào, cần bao nhiêu tiền để chiêu mộ 3 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Đó là chưa kể 3 cầu thủ này còn thi đấu ăn ý, hòa hợp và thấm đẫm triết lý của CLB.
Trong khi đó, Barca chẳng tốn đồng chuyển nhượng nào cho những gương mặt đã chiếm trọn bục vinh quang Gala Quả bóng vàng 2010, đồng thời là linh hồn của đội bóng đậm đặc hàm lượng La Masiaine đã 2 lần vô địch Champions League, 3 lần liên tiếp đăng quang La Liga và giành tổng cộng 14 danh hiệu lớn nhỏ dưới thời HLV Pep Guardiola, và được bình chọn là một trong những đội bóng vĩ đại nhất lịch sử.
La Masia đích thị là… La Masia, trong tiếng Catalonia có nghĩa là một trang trại, thật phù hợp để "gieo trồng" những cầu thủ "cây nhà lá vườn". Dinh thự cổ kính bên trong trang trại được xây dựng đầu thế kỷ 18, ban đầu được sử dụng làm trụ sở hoạt động xã hội của Barca, sau khi sân Camp Nou được khánh thành vào năm 1957.
Năm 1979, học viện đào tạo cầu thủ trẻ của Barca ra đời, La Masia được chuyển đổi mục đích sử dụng để trở thành ký túc xá cho các học viên. Những nhà lãnh đạo của đội bóng xứ Catalonia, bao gồm huyền thoại Johan Cruyff, Jaume Amat và Oriol Tort, muốn đào tạo ra không chỉ những cầu thủ xuất sắc mà còn cả những con người có văn hóa và nhân cách.
Giáo dục tối quan trọng: Tôn trọng được dạy đầu tiên, với đối thủ không bao giờ được gọi là kẻ thủ. Triết lý và văn hóa chơi bóng được chuyển tải, không phá bóng mà thu hồi bóng, không cướp bóng mà kiểm soát bóng. Wi-fi bị tắt vào ban đêm. Những hình ảnh và câu nói của Cruyff có tác dụng truyền cảm hứng một cách ghê gớm tại La Masia. Chẳng hạn, "Bóng đá là cuộc chơi của trí não" hay "Tôi thích thắng 5-4 hơn 1-0".
Từ nền móng như vậy, La Masia vươn tới đỉnh cao cùng Barca dưới triều đại Pep Guardiola. Từ đội bóng chỉ đăng quang La Liga duy nhất một lần trong giai đoạn 1974 đến 1991, gã khổng lồ xứ Catalonia thực sự trở thành gã khổng lồ của bóng đá châu Âu những năm cuối thập niên 2000 và đầu 2010. Biểu trưng cho giai đoạn vàng son ấy chính là hình ảnh Messi, Iniesta và Xavi đứng trên bục đăng quang Quả bóng vàng hay chuyến làm khách của Levante với 11 cầu thủ "cây nhà lá vườn" trên sân.
Jaume Llopis, cựu cầu thủ Barca, bạn thân của Cruyff, một nhà kinh tế học nổi tiếng tại Tây Ban Nha nhận xét: "Năm 2010, ba ngôi sao xuất thân La Masia là ba cầu thủ xuất sắc nhất thế giới. Điều này sẽ không lặp lại trong lịch sử bóng đá. La Masia là học viện đầu tiên cung cấp 8 cầu thủ đá chính thường xuyên cho đội một. Và dĩ nhiên, đỉnh cao là cả 11 cầu thủ ở trận gặp Levante".
Nhưng, tại sao thành công như vậy sẽ không lặp lại và học viện đào tạo trẻ của Barca đã đi chệch đường ray?
"Barca đã đánh mất ý nghĩa ban đầu của La Masia", một HLV đội trẻ từng làm việc tại Barca và Espanyol chia sẻ ẩn danh. "Ý tưởng ban đầu đến từ Johan Cruyff, Rinus Michels, Laureano Ruiz và những người như Josep Lluis Nunez, cựu Chủ tịch CLB. Sau đó Louis van Gaal và Pep Guardiola đã theo sát và chăm bẵm La Masia".
Những năm 2000, khi dẫn dắt Barca, Van Gaal từng thổ lộ ông mơ về việc giành chức vô địch Champions League với 11 cầu thủ "cây nhà lá vườn". Dư luận lập tức dậy sóng giễu cợt nhà cầm quân người Hà Lan. Chỉ 10 năm sau, Pep thay mặt ông thầy cũ chế giễu cả thế giới. Suy cho cùng, đám đông không phải lúc nào cũng đúng.
Trở lại với thực tại cùng sự sụp đổ chóng vánh của La Masia và Barca, Jordi Quixana, cây bút phụ trách theo dõi Barca của tờ El Pais đưa ra quan điểm rằng đội bóng này bị phân tâm bởi vấn đề đòi độc lập của xứ Catalonia, trong khi cũng chi nhiều tiền để tái phát triển Camp Nou cũ kỹ và đổ nát. Hệ quả là: "Barca đã đánh mất mô hình thành công vì những người đứng đầu không kế thừa và phát huy tầm nhìn dài hạn của những người tiền nhiệm".
Năm 2018, Barca là đội có quỹ lương lẫn tỷ trọng lương trên doanh thu cao nhất thế giới, lên tới 70% doanh thu. Trong nhiều năm liền, đội bóng xứ Catalonia liên tiếp "nổ bom tấn" trên thị trường chuyển nhượng để đưa về Camp Nou những ngôi sao như Antoine Griezmann, Philippe Coutinho và Ousmane Dembele, những thương vụ vì nhiều lý do khác nhau đều trở thành bom xịt.
Mức lương quá cao của Messi cũng góp phần gây nên tình trạng mất cân đối. Josep Maria Bartomeu, cựu Chủ tịch "bất tài" của Barca phải tự châm biếm rằng công việc của ông tại Barca là kiếm đủ tiền để trả lương cho siêu sao người Argentina.
Đội bóng xứ Catalonia đã trở thành nơi quy tụ của những ngôi sao, thay vì miền đất hứa cho những tài năng trẻ trưởng thành từ chính học viện. Ngay cả Messi cũng thừa nhận: "Chúng ta đã đánh mất sự cam kết với học viện. Những cầu thủ trẻ chủ chốt đã ra đi, và hiếm khi điều này xảy ra ở các CLB hàng đầu thế giới".
Manolo Marquez, một người Catalonia, là HLV kế nhiệm Quique Setien tại Las Palmas, cho rằng các Cules (cổ động viên Barca), cũng chịu một phần trách nhiệm cho sự đi xuống của Barca và La Masia.
"Barcelona không phải là Chelsea," ông nói. "Quá nhiều người hâm mộ thừa nhận rằng họ thích ý tưởng này nhưng sẽ không chấp nhận thử những cầu thủ trẻ hơn, chấp nhận tái thiết và về đích thứ tư. Barca chỉ có về nhất hoặc đứng nhất".
"Ernesto Valverde biết điều này và do dự hơn khi thử các cầu thủ trẻ. Setien, một người bạn mà tôi vô cùng kính trọng, có những ý tưởng bóng đá đẹp - nhưng ông ấy cần phải vô địch La Liga hoặc Champions League".
Trận đấu cuối cùng của Setien, chiến thắng 1-0 trên sân nhà trước Real Sociedad, bắt đầu với 4 cầu thủ trưởng thành từ La Masia: Messi, Gerard Pique, Sergio Busquets và Jordi Alba. Tất cả đều sót lại từ thời Pep và đã trên 30.
"Họ đã khiến La Masia cạn kiệt tài nguyên và san bằng lý tưởng tươi đẹp của học viện này", Jaume Llopis, bạn thân Cruyff, chỉ đích danh Sandro Rosell và Bartomeu, hai vị cựu Chủ tịch Barca và các thuộc cấp phụ trách lò đào tạo của đội bóng xứ Catalonia. "47 cầu thủ kỳ hợp đồng với Barca B, không một ai lọt vào đội một. Họ đã khiến La Masia bị tổn thương nặng".
Rosell "góp công lớn" khiến La Masia hao tổn nguyên khí nghiêm trọng. Ông ta chịu trách nhiệm cho việc Barca vi phạm quy tắc chuyển nhượng của FIFA khi chiêu mộ 10 cầu thủ ngoại quốc dưới 18 tuổi, khiến đội bóng xứ Catalonia bị cấm chuyển nhượng 14 tháng. "Án phạt này gây ra nhiều thiệt hại", Llopis nói. "Không cầu thủ mới nào đến và một số tài năng triển vọng nhất đã ra đi".
Không phải mọi tài năng trẻ ở tuổi 15 đều trở thành Messi, nhưng liệu những tài năng trẻ Barca có nhiều cơ hội lên đội một như thế hệ của Messi ở thập niên thứ ba của thế kỷ 21?!
Carles Guardia, một người bạn khác của Cruyff nghĩ là không: "La Masia bây giờ như một doanh nghiệp. Bài học từ đại dịch là sự cần thiết của lò đào tạo trẻ, nơi cung cấp những cầu thủ miễn phí. Nhưng ban lãnh đạo không tin vào các cầu thủ trẻ. Quá nhiều cầu thủ bị bán và quá ít sự nhẫn nại với các cầu thủ khác. Barca bây giờ chỉ quan tâm đến tiền".
Các cầu thủ được đóng nhãn "made in La Masia" sẽ bán được giá hơn, vì vậy, hơn 50 học viện vận hành theo kiểu nhượng quyền được Barca mở ra trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, những tài năng trẻ lần lượt ra đi vì đội bóng xứ Catalonia quá keo kiệt. Adrian Barnabe đến Man City năm 18 tuổi, Sergio Gomez gia nhập Dortmund vào năm 19 tuổi, Pablo Moreno (17) đến Juventus, Jordi Mboula (21) đến Monaco, Abel Ruiz (20) đến Braga, Carles Perez (22) đến Roma, và Robert Navarro (17) đến Sociedad.
Dẫn chứng sống động hơn hết là Eric Garcia. Trung vệ này gia nhập Man City vào năm 2017, cho dù người đại diện của anh là Carles Puyol, trung vệ thủ quân huyền thoại của "đế chế Barca" thời vàng son. Giống như đồng môn ở La Masia, thời điểm đó Barca chỉ chấp nhận trả cho trung vệ này mức lương 15.000 euro mỗi… năm. Man City trả 250.000 euro. Cho dù Eric Garcia đã quay về Barca vào mùa Hè năm ngoái, tuy nhiên Barca đã bỏ lỡ 4 năm thăng tiến thần kỳ của trung vệ được ví là truyền nhân của Puyol này.
Một ví dụ khác là Marc Cucurella, hậu vệ cánh trái Pep Guardiola quyết đưa về Man City. Trong diễn biến mới nhất, Brighton đã từ chối đề nghị trị giá 35 triệu euro đội chủ sân Etihad đưa ra cho cầu thủ người Tây Ban Nha. Cách đây 2 năm, Getafe chỉ phải chi ra 6 triệu euro để mua lại 40% giá trị Cucurella của Barca. Một năm sau, đội bóng này bán anh cho Brighton với giá gần 20 triệu euro.
Điều đáng nói, không chỉ bán những tài năng trẻ vốn là tương lai của đội bóng, Barca còn bán cả doanh thu tương lai. Ngày 16/6, Hội đồng thành viên Barca, những lãnh đạo cao nhất của đội bóng xứ Catalonia, đã bỏ phiếu ủng hộ việc cho phép Chủ tịch Joan Laporta thực hiện một số biện pháp đặc biệt, được gọi là "đòn bẩy kinh tế", để tăng đáng kể lượng tiền mặt cho CLB. Như Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế, Eduard Romeu thông báo: Ông cần 500 triệu euro để "cứu CLB".
Đòn bẩy đầu tiên là ngày 16/6, Barca bán 10% bản quyền truyền hình quốc nội trong vòng 25 năm cho Quỹ đầu tư Sixth Street để thu về 207,5 triệu euro. Số tiền này giúp đội bóng xứ Catalonia làm đẹp sổ sách năm tài chính 2021/22, từ tăng trưởng âm thành có lợi nhuận.
Đến ngày 22/7, Barca tiếp tục bán 15% bản quyền tương tự cho Sixth Street để thu về thêm 320 triệu euro. Đòn bẩy này đảm bảo cho đội bóng xứ Catalonia thực hiện các thương vụ trên thị trường chuyển nhượng, bao gồm chiêu mộ Raphinha từ Leeds, Lewandowski từ Bayern Munich, và tiếp tục đua tranh giành chữ ký của Jules Kounde của Sevilla và Bernardo Silva của Man City.
Julian Nagelsmann, HLV trưởng Bayern Munich đã phải thốt lên: "Barca là đội bóng duy nhất không có tiền nhưng có thể chiêu mộ bất kỳ cầu thủ nào". Nhiều người có quan điểm tương tự, bởi lẽ, đội bóng xứ Catalonia đang gánh khoản nợ lên tới hơn 1 tỷ euro. Và để duy trì tham vọng "chỉ có về nhất hoặc đứng nhất", gã khổng lồ này đành phải bán tương lai để mua hiện tại.
Bán 25% bản quyền truyền hình quốc nội đồng nghĩa với việc Barca thu về hàng trăm triệu euro trong ngắn hạn, nhưng khoản thu nhập này không hề miễn phí. Về cơ bản, đội chủ sân Camp Nou sẽ nhận được một cục tiền thay vì nhận đều đặn từng mùa trong 25 năm.
Ví dụ, mùa giải vừa qua, Barca thu về 165 triệu euro tiền bản quyền truyền hình từ La Liga, không tính Cúp Nhà Vua và Champions League, vốn tách biệt. Trong tương lai, 25 mùa giải tiếp theo, giả dụ thu nhập bản quyền truyền hình tại La Liga của Los Blaugrana không đổi. Tuy nhiên, vì 25% đã bán cho Sixth Street, đội chủ sân Nou Camp sẽ không nhận được khoản tiền tương đương với tỷ lệ phần trăm đó. Vì vậy, trong số 165 triệu, 41,25 triệu euro sẽ đến tay quỹ đầu tư của Mỹ, 123,75 triệu euro còn lại thuộc về Barca. Tính ra, 25 năm, Sixth Street sẽ thu về 1 tỷ 0 trăm 30 triệu euro, gấp đôi con số 527,5 triệu euro đã chi ra.
Điều đáng nói, một phần lớn số tiền này Barca đầu tư vào Lewandowski, với bản hợp đồng thời hạn 4 năm. Không thể phủ nhận tiền đạo người Ba Lan là một chân sút hàng đầu thế giới và vẫn duy trì đẳng cấp nhờ thói quen sinh hoạt điều độ. Dù vậy, thực tế Lewy sẽ bước qua tuổi 34 vào cuối tháng tới. Khi hết hợp đồng với Barca, anh gần 38.
Sự hiện diện của Lewandowski càng tăng thêm độ già nua của đội hình Barca, vốn đã sở hữu Gerard Pique, 35, Jordi Alba, 33, Sergio Busquets, 34, và Aubameyang, 33. Những "ông lão" này càng thu hẹp cơ hội ra sân của các tài năng trẻ. Chẳng hạn, Ansu Fati có bao nhiêu phần trăm cơ hội đá chính, khi phải cạnh tranh với Aubameyang, Lewandowski, Raphinha, Ferran Torres, Memphis Depay, Ousmane Dembele?!
Quay ngược thời gian trở lại gần 20 năm trước, khi Laporta trúng cử Chủ tịch Barca nhiệm kỳ đầu, bản hợp đồng bom tấn đầu tiên ông thực hiện là Ronaldinho từ PSG. Ngôi sao người Brazil năm đó 22 tuổi. Còn hiện tại, Laporta bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai bằng một bản hợp đồng gần 34 tuổi, Lewandowski.
Gần 20 năm trước, khi Ronaldinho xuất hiện, Iniesta và Victor Valdes cũng được đôn lên đội một. Vị trí của Xavi và Puyol thì ngày càng vững chãi. Một năm sau, Messi ra mắt và được ngôi sao người Brazil dìu dắt. Bây giờ, khi Lewandowski xuất hiện, đối tác tiềm năng nhất của tiền đạo người Ba Lan là Aubameyang. Vị trí của Fati bị đặt dấu hỏi.
Trong khi đó, những Pique, Alba, Busquets sừng sững chắn ngang đà phát triển của các tài năng trẻ. Hãy để ý, chỉ khi Xavi và Iniesta ra đi, Gavi và Pedri mới xuất hiện. Nhưng bao giờ những "bô lão" cùng thời bộ đôi tiền vệ sen đầm này mới chịu rời Barca? Đó là một câu hỏi tu từ!
Chỉ có điều, mùa giải 2021/22 vừa qua vốn bị xem là đỉnh điểm khủng hoảng từ thể chế, kinh tế đến chuyên môn bóng đá của Barca trong thế kỷ 21, đội bóng này vẫn về nhì tại La Liga. Thế nên, khi đã tái thiết, đội bóng xứ Catalonia "chỉ có về nhất hoặc đứng nhất".
Vì thế, từ Chủ tịch Laporta cho đến HLV Xavi cùng những cộng sự, sẽ chẳng ai dám phiêu lưu một lần nữa cùng La Masia, giống như Barca của 40 năm trước, thời điểm đội bóng này chỉ đăng quang La Liga một lần trong suốt 17 năm, từ 1974 đến 1991.
Tóm lại, vị thế của Barca đã rất khác. Gã khổng lồ này đã leo lên lưng hổ và phải lao về phía trước trên lưng con hổ.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Thủy Tiên
27/07/2022