​​Cẩn trọng với thuốc nhuộm tóc, coi chừng mất mạng

Tin Y tế - Ngày đăng : 14:01, 26/07/2022

Thời gian gần đây, nhiều bệnh nhân tại TP.HCM nhập viện trong tình trạng nhiễm độc toàn thân, nguy hiểm với tính mạng vì tự ý nhuộm tóc.
nhuom-toc-1.jpeg
Thuốc nhuộm tóc có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng - Ảnh: Internet

Nhiễm độc toàn thân vì thuốc nhuộm tóc

Mới đây, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp liên quan tới thuốc nhuộm tóc. Người bệnh là nam giới, tên P.Đ.T. (56 tuổi, ngụ quận Tân Bình).

Ông T. tới khám vì toàn thân nổi sẩn mề đay từng mảng, ngứa ngáy khó chịu. Ban đầu, người bệnh không hề nghĩ mình bị như thế là do thuốc nhuộm tóc. Ông lo lắng cho rằng có lẽ mình mắc bệnh về gan nên mới khiến da nổi mẩn.

Sau khi thăm khám, bác sĩ nhìn thấy tóc của ông T. có vẻ như mới nhuộm, vạch tóc ra kiểm tra, bác sĩ ghi nhận vùng da đầu người bệnh đang bị viêm. Bác sĩ hỏi ra thì đúng là người bệnh tự nhuộm tóc tại nhà cách đây ba ngày.

Đây cũng là lần đầu tiên ông T. tự nhuộm tóc ở nhà bởi lo ngại ra tiệm có nguy cơ bị lây bệnh. Đây cũng là nguyên nhân khiến người bệnh bị kích ứng da toàn thân.

Theo Bác sĩ Vân Thanh, ở tiệm, khi nhuộm tóc, chúng ta sẽ nằm trên giường gội để xả tóc, nếu hiện tượng kích ứng xảy ra thì cũng chỉ ở vùng da đầu. Còn ông T., sau khi bôi thuốc nhuộm lên tóc, lúc xả tóc, người bệnh lại kết hợp tắm bằng vòi sen đứng. Vì thế, thuốc nhuộm tóc đã theo nước xả hết lên cơ thể, từ đó gây kích ứng da trên diện rộng.

Sau lần nhuộm tóc, bệnh nhân có biểu hiện nóng rát da đầu, châm chích nhưng chần chừ không đi khám. Đến khi nhập viện thì đã bị nhiễm độc toàn thân.

Tương tự, mới đây bà H.T.M. (73 tuổi, Nghệ An) bị nổi mẩn đỏ toàn thân, từ đầu mặt xuống thân mình, riêng da đầu nóng rát, cảm giác như châm chích sau khi nhuộm tóc. Nhưng bà M. vẫn chần chừ không đi khám vì nghĩ sức khoẻ của mình lớn tuổi nên yếu dần.

Vài ngày sau, bà M. vào TP.HCM thăm con gái, tình trạng dị ứng trở nặng hơn khi toàn thân đỏ ửng, da phồng rộp, riêng mặt, tay, chân sưng phù. Vì vậy bà M. được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám, chỉ số huyết áp đo 3 lần đều ở mức cao 170/83 mmHg (bình thường 120/80 mmHg).

Bà M. được chẩn đoán bệnh đỏ da toàn thân hay viêm da tróc vảy toàn thân, được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng qua đường uống. Nếu tình trạng bệnh không cải thiện, bà M. có thể điều trị kháng sinh bằng đường truyền. Những vị trí tổn thương trên đầu được chỉ định dùng thuốc chấm và bôi. Người bệnh còn tình trạng gàu nên được dùng thuốc gội trị gàu.

May mắn, sau 1 tuần điều trị, người bệnh đã có những dấu hiệu cải thiện rõ rệt, da đã bớt phồng rộp, tấy đỏ. Tình trạng huyết áp của bà đã ổn định, không tăng cao như lần đầu đến khám.

thuoc-nhuom-toc-co-the-gay-ngo-doc-nang1495845252.jpeg
Cẫn trọng với thuốc nhuộm tóc giá rẻ - Ảnh: Internet

Cẩn trọng thành phần của thuốc 

Bác sĩ Vân Thanh cho biết người dùng nên tìm hiểu kiến thức cơ bản khi mua thuốc, nhất là loại được quảng bá là nhuộm tóc siêu tốc và không rõ nguồn gốc. Các thành phần trong thuốc nhuộm thường làm tóc khô, mất độ bóng, dễ gãy rụng và gây viêm chân tóc.

Ngoài ra, da đầu có thể bị viêm da tiếp xúc biểu hiện là các mảng đỏ, tróc vảy, phù nề, nổi mụn nước. Thuốc nhuộm kém chất lượng còn gây tình trạng viêm da dị ứng lan rộng ở những vùng da không tiếp xúc thuốc nhuộm như trán, cổ, mí mắt, má...

Người dùng có thể mắc phải những bệnh nguy hiểm hơn như ung thư bàng quang, ung thư hệ tạo máu, u não do tiếp xúc thuốc nhuộm. Nguy cơ càng tăng khi thuốc nhuộm càng sậm màu.

Bác sĩ Thanh khuyên người dùng nên chọn những nhãn hiệu thuốc nhuộm tóc uy tín, có thành phần từ thiên nhiên. Khoảng cách giữa hai lần nhuộm ít nhất là sáu tháng một lần. Người lớn tuổi có sức đề kháng yếu và hay mắc các bệnh mạn tính, cần lưu ý khi sử dụng thuốc nhuộm đen tóc.

Trước khi nhuộm nên thử thuốc bằng cách chấm một ít lên vùng da sau tai rồi để khoảng hai ngày, nếu cơ thể không có phản ứng thì thuốc nhuộm đó không gây dị ứng. Khi nhuộm, bắt buộc phải dùng găng tay, tránh để thuốc dính vào chân tóc.

Ngoài ra, nên hấp dầu, sử dụng dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho da và tóc, chống nắng bằng cách đội nón sậm màu, che phủ tóc khi đi nắng. Chế độ ăn uống, sinh hoạt cần hợp lý để duy trì mái tóc bóng khỏe.

Bác sĩ Đặng Thị Ngọc Bích – khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM - cho biết dị ứng thuốc nhuộm xảy ra khi hệ miễn dịch cơ thể phản ứng với một trong những thành phần có trong thuốc.

Do bị dị ứng nặng, người bệnh có biểu hiện châm chích hoặc nóng rát trên da đầu, mặt hoặc cổ, da phồng rộp, ngứa hoặc sưng da đầu và mặt, nổi mẩn đỏ trên da, thậm chí có thể gây sưng mí mắt, môi, tay hoặc chân.

Đáng lo, nhiều người bệnh đi khám trễ do những biểu hiện ban đầu của bệnh chưa rõ ràng như ngứa, nổi mẩn nhẹ xuất hiện ở một số vùng da nên dễ bỏ sót hoặc xem nhẹ. Nếu không điều trị, tình trạng này trở nặng hơn, da xuất hiện các mảng đỏ, sưng phù với khả năng lan rộng nhanh chóng, có thể đi kèm tình trạng da đỏ phù, tiết dịch.

Sau vài ngày, da có thể tróc vảy khô hoặc ướt, có khi tróc thành mảng lớn thường gặp ở lòng bàn tay, bàn chân; da đầu xuất hiện vảy dày, bã nhờn, được xem là tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát. Bệnh cũng có thể gây ảnh hưởng đến kết mạc mắt và niêm mạc đường hô hấp.

Tốt nhất, người bệnh đi khám ngay khi thấy da bị đỏ hoặc ngứa ở bất kỳ vị trí nào hoặc bệnh kéo dài hơn 2 tuần. Nếu để lâu, người bệnh dễ bị nhiễm trùng da toàn thân do vi khuẩn sinh mủ, với triệu chứng có thể xảy ra như ngứa, rét run, sốt, khó chịu, xuất hiện nhiều mụn nước và mụn mủ toàn thân.

ANH ĐÀO (tổng hợp)