Mỹ và Anh tìm cách đối phó tên lửa siêu thanh
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:50, 26/07/2022
Sputnik ngày 25-7 đưa tin, ông Wesley Kremer, người đứng đầu Công ty Raytheon Missiles & Defense thuộc Tập đoàn Raytheon Technologies (Mỹ)-một đối tác của Lầu Năm Góc, cho rằng quân đội Mỹ hiện không đủ khả năng đối phó với các tên lửa siêu thanh trong trường hợp bị tấn công.
Khẳng định hiện chỉ có duy nhất một dự án nghiên cứu, phát triển vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh đang được triển khai tại Mỹ, ông Kremer thừa nhận mọi thứ “mới đang ở giai đoạn thai nghén”. Trong khi đó, tờ Express dẫn lời ông Andy Thomis, người đứng đầu Công ty quốc phòng Cohort của Anh cũng cho biết công ty này đang tiến hành một dự án nhằm đối phó với các tên lửa siêu thanh. “Có thể phát triển được các biện pháp đối phó một cách thuyết phục sẽ là một bước tiến thật sự quan trọng. Đây thật sự là một thách thức. Không có gì phải nghi ngờ về điều đó”, ông Thomis khẳng định.
Một cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Lầu Năm Góc. Ảnh: defense.gov |
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh mới đây, Lầu Năm Góc thông báo Raytheon Technologies và Northrop Grumman-hai “ông lớn” trong ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ-đã giành được những hợp đồng riêng lẻ để phát triển vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh. Theo trang mạng Defense News, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã tạm dừng các nỗ lực nghiên cứu, phát triển vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh vào mùa hè năm 2020.
Tuy nhiên, trong năm nay, MDA đã nối lại những nỗ lực này và nhận được phản hồi từ ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ rằng việc nghiên cứu, phát triển vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh là khả thi. Phó đô đốc Jon Hill, Giám đốc MDA cho biết cơ quan này trước tiên sẽ tập trung vào việc cung cấp năng lực đánh chặn tên lửa siêu thanh cho hải quân Mỹ. “Nếu thành công, chúng tôi có thể chuyển sang triển khai trên các nền tảng trên đất liền để đối phó với mối đe dọa siêu thanh”, ông Hill tuyên bố.
Trước đó, trong một báo cáo hồi tháng 6-2022, Văn phòng Kiểm toán Liên bang Mỹ (GAO)-một cơ quan giám sát của Quốc hội Mỹ khẳng định, bất chấp một số bước tiến, MDA tiếp tục không đạt được mục tiêu đề ra trong các nỗ lực đối phó tên lửa siêu thanh. Theo GAO, các nỗ lực này “bao gồm những công nghệ vốn chứa đựng nhiều rủi ro đáng kể” nhưng MDA không có các bước đi cần thiết “để giảm thiểu rủi ro” và “bảo đảm sự giám sát phù hợp từ Bộ Quốc phòng Mỹ hoặc các bên liên quan”.
CNN cho biết, trên thế giới hiện chỉ có Nga và Trung Quốc được biết đến là hai quốc gia đang sở hữu các tên lửa siêu thanh “có thể được triển khai”. Các tên lửa siêu thanh được cho là “một thế hệ mới những tên lửa bay cực nhanh và có khả năng cơ động vượt trội”, có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường. Theo Reuters, đây là loại vũ khí thuộc thế hệ tiếp theo được phát triển với mục đích “tước đoạt thời gian phản ứng cũng như các cơ chế đánh chặn truyền thống” của đối phương.
Tạp chí Newsweek nhận định, các tên lửa siêu thanh có thể “cách mạng hóa” chiến tranh nhờ tốc độ cao và khả năng cơ động, “gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện hành”. “Các tên lửa siêu thanh thường bay với tốc độ tối thiểu là Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh), có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn trong một khoảng thời gian ngắn, khiến đối thủ có ít thời gian để ứng phó hơn. Bắn hạ những tên lửa đang hướng về mục tiêu với tốc độ nhanh như vậy là chuyện nằm ngoài khả năng của các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có. Đó là lý do vì sao các chuyên gia gọi tên lửa siêu thanh là “yếu tố thay đổi cuộc chơi”, Yonhap nhấn mạnh.
HOÀNG VŨ