Giáo sư Đại học Trung Quốc bị phát hiện dùng bằng giả

Đối ngoại - Ngày đăng : 18:53, 23/07/2022

Nữ Giáo sư tại một trường Đại học nổi tiếng ở Trung Quốc đang bị nghi ngờ về trình độ học vấn sau khi bị phát hiện dùng bằng Tiến sĩ giả.

Sự việc một nữ Giáo sư tại ngôi trường đại học hàng đầu ởTrung Quốc bị nghi nhận vơ là “cố vấn quân sự” cho Tập đoàn Công nghệ Huawei, và dùng bằng Tiến sĩ giả đã làm dấy lên cuộc tranh luận về sự liêm chính trong học thuật.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), bà Chen Chunhua, Giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, đang đối mặt với nhiều nghi vấn về trình độ học vấn sau khi tấm bằng Tiến sĩ của bà này bị phát hiện được một trường đại học không có giấy phép hoạt động cấp cách đây 20 năm.

Giáo sư Đại học Trung Quốc bị phát hiện dùng bằng giả
Giáo sư Chen Chunhua tại Đại học Bắc Kinh đang đối mặt với nhiều nghi vấn liên quan tới trình độ học vấn. (Ảnh: Weibo)

Được biết, trong tiểu sử học vấn và nghề nghiệp, bà Chen (58 tuổi) đã lấy bằng Tiến sĩ quản trị kinh doanh (DBA) từ Đại học châu Âu ở Ireland vào năm 2001. Tuy nhiên, trường đại học này không có trang web và cũng không nằm trong danh sách 25 trường đại học ở Ireland đủ tiêu chuẩn được Bộ Giáo dục Trung Quốc công nhận.

Còn theo báo cáo của tờ The Irish Times vào năm 2011, trường “đại học” tự xưng này hoạt động mà không được cấp phép chính thức theo địa chỉ ở thành phố Dublin, và cũng không có văn phòng.

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ, bà Chen trở thành nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ tại Đại học Nam Kinh vào năm 2005. Tiểu sử của bà Chen còn ghi trong 4 năm liên tiếp từ năm 2015 – 2018, bà này nằm trong danh sách 25 nữ lãnh đạo doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng nhất ở Trung Quốc do tạp chí Fortune bình chọn.

Bà Chen hiện là Chủ nhiệm Trường Kinh doanh Quốc tế Bắc Kinh (BiMBA) thuộc Đại học Bắc Kinh, Giáo sư kiêm Cố vấn Tiến sĩ tại Trường Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc, và Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore.

Dư luận Trung Quốc bắt đầu quan tâm tới tiểu sử của bà Chen cách đây vài tuần, sau khi Tập đoàn Công nghệ Huawei công khai phủ nhận những tuyên bố của nữ Giáo sư về việc có mối quan hệ với tập đoàn và nhà sáng lập Nhậm Chính Phi.

Cụ thể, trong tuyên bố vào ngày 6/7, Huawei nhấn mạnh công ty đã chú ý tới “hơn 10.000 bài báo trên mạng” về những lời bình luận của bà Chen liên quan tới Huawei, cùng thông tin bà từng có cuộc gặp với ông Nhậm, một số bài báo còn nói bà Chen là “cố vấn quân sự của Huawei”.

“Tập đoàn Huawei không biết bà Chen, và bà ấy cũng không thể biết gì về Huawei”, tuyên bố của Tập đoàn Huawei khẳng định, những bài báo trên mạng đã đưa “thông tin sai”.

Trước đó, trong một bài báo được bà Chen viết và xuất bản vào đầu năm 2017, bà Chen được cho có nhắc tới cuộc gặp với ông Nhậm và thậm chí ông Nhậm còn tự lái xe để đón bà Chen.

Sau tuyên bố của Tập đoàn Huawei, bà Chen có phản hồi rằng phần lớn những bài báo viết về bà và mối quan hệ với Huawei đều không do bà viết, và Tập đoàn Huawei là một phần trong công việc nghiên cứu của bà.

Sự việc của bà Chen một lần nữa khơi dậy cuộc tranh luận về sự thiếu trung thực trong học thuật, một vấn đề nghiêm trọng diễn ra trong suốt nhiều năm qua ở Trung Quốc và những năm gần đây được truyền thông nước này thường xuyên đưa tin.

Minh Thu (lược dịch)