Màn trình diễn trái ngược của các ngoại binh tại V.League 2022
Bóng đá Việt Nam - Ngày đăng : 18:47, 23/07/2022
Ngoại binh được xem là "trục xương sống" của các câu lạc bộ tại V.League, đóng góp rất nhiều vào lối chơi và ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả, thứ hạng của đội bóng. Sau 8 vòng đấu trôi qua ở mùa giải 2022, bức tranh tổng quan về các ngoại binh đang dần hiện hữu.
Câu lạc bộ Hải Phòng duy trì ngôi đầu bảng và là đội bóng ghi nhiều bàn thắng nhất với 14 bàn. Trong đó, ngoại binh Rimario đóng góp 8 bàn, tức là hơn 1 nửa số bàn thắng của đội bóng đất Cảng. Chân sút người Jamaica là mũi nhọn trên hàng công giúp Hải Phòng thi đấu ổn định với các phương án tấn công đa dạng.
Huấn luyện viên Chu Đình Nghiêm chia sẻ: "Rimario là đích đến trong lối chơi của Hải Phòng. Nên nhớ, cậu ấy đã ghi 8 bàn, đóng góp vào 2/3 tổng số pha lập công của đội bóng đất Cảng. Vì vậy, sự vắng mặt của Rimario sẽ ảnh hưởng nhiều đến đội bóng".
Tương tự như Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An cũng có được dàn ngoại binh chất lượng với những Olaha hay Oseni. Theo đó, tiền đạo Oseni chỉ gia nhập đội bóng xứ Nghệ trước vòng 3 V.League 2022, thế suất của Abdul Basit do không đáp ứng yêu cầu.
Dù đã qua thời kỳ đỉnh cao phong độ như hồi còn khoác áo Hà Nội FC, nhưng Oseni vẫn cho thấy phẩm chất của của một tiền đạo mẫu mực. Tính đến hiện tại, anh đã mang về 3 bàn thắng cho Sông Lam Nghệ An, tạm xếp thứ 2 trong danh sách Vua phá lưới. Đồng thời, Oseni phối hợp với Olaha có phong độ ổn định tạo nên hàng công sắc sảo khiến nhiều đối thủ phải dè chừng.
Nhưng không phải đội bóng nào cũng may mắn như Hải Phòng hay Sông Lam Nghệ An. Ở câu lạc bộ Hà Nội, ngoại trừ Siladji đang dần bắt nhịp khá tốt với cuộc chơi thì 2 ngoại binh còn lại là Djuro Zec và Ivancic, người thì gặp chấn thương, người thi không đáp ứng yêu cầu của ban huấn luyện.
Trong kỳ chuyển nhượng giữa mùa giải, đội bóng Thủ đô đã phải thay thế bằng hai bản hợp đồng ngoại binh khác là Tonci Mujan và Uros Djeric, tuy nhiên trình độ chuyên môn và sự hoà nhập vẫn là một dấu hỏi.
Trải qua 8 vòng đấu, bộ đôi ngoại binh Thanh Hoá là Victor và Paulo Henrique khiến nhiều người hâm mộ lo lắng. Nếu tiền đạo Paulo không có duyên với việc ghi bàn, thường xuyên bỏ lỡ những cơ hội ngon ăn thì trung vệ Victor còn tệ hại hơn khi là được xem là mắt xích yếu nhất của đội bóng xứ Thanh với những pha mắc lỗi ngớ ngẩn.
Điều này buộc Thanh Hoá phải chiêu mộ trung vệ Gustavo ngay trước thềm vòng đấu thứ 9 và cân nhắc thay tiền đạo Paulo trước khi kỳ chuyển nhượng giữa mùa khép lại.
Câu lạc bộ TPHCM và Sài Gòn còn tệ hại hơn khi các ngoại binh có màn trình diễn rất mờ nhạt. Không bàn thắng, không kiến tạo là những từ dùng để miêu tả về tiền đạo Mauricio Cordeir của TPHCM. "Chiến hạm đỏ" buộc phải thử việc 2 ngoại binh để thay thế người cũ. Trong khi đó, tiền đạo Gustavo của Sài Gòn may mắn hơn khi ghi được 1 bàn thắng.
Ngoài ra, Nam Định cũng vừa thanh lý tiền đạo Marcio, hai ngoại binh Geovane và Pedro của Viettel chưa thể bùng nổ sau 8 vòng đấu hay Jermie Lynch của Bình Định cũng chưa để lại dấu ấn rõ nét. Câu lạc bộ Đà Nẵng cũng không khá khẩm hơn là bao khi Osaguona chấn thương, Kone Syriki thi mờ nhạt.
Thực tế, dịch COVID-19 trong hai năm qua đã mang đến nhiều phiền toái cho các đội bóng tại V.League, đặc biệt trong khâu tuyển chọn ngoại binh. Các ngoại binh quen mặt tại V.League nhiều năm qua vẫn là những người "được việc", còn lại, các đội bóng luôn trong tình cảnh "đánh cược" với mỗi bản hợp đồng mà họ mang về.