Ôm hàng trăm tỷ cổ phiếu, hàng nóng mất giá, cả loạt ông lớn chứng khoán lỗ nặng
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 09:27, 23/07/2022
Báo cáo tài chính quý II của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ghi nhận doanh thu hoạt động giảm đến 55% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt gần 146 tỷ đồng.
Thông qua lãi/lỗ (FVTPL), phần lãi từ các tài sản tài chính trong kỳ âm 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ, phần lãi này lên đến 143 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn do chênh lệch tăng đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL ghi nhận âm hơn 63 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 83 tỷ đồng.
Con số lỗ tăng lên 270 tỷ đồng từ FVTPL, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 14 tỷ đồng. Lỗ từ bán tài sản tài chính FVTPL tăng từ 2 tỷ đồng của cùng kỳ lên hơn 60 tỷ đồng ở quý II năm nay. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL lên đến 209 tỷ đồng.
Như vậy, VDSC lỗ ròng từ các tài sản tài chính FVTPL trong quý II khoảng 290 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng con số lỗ là 216 tỷ đồng.
Trong công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 của CTCP Chứng khoán Tiên Phong TPS (ORS) cho thấy, khoản lỗ kỷ lục lên đến 161,2 tỷ đồng trước thuế trong khi tổng doanh thu đạt 661,7 tỷ đồng tăng 132% so với cùng kỳ.
Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) trong quý 2 chiếm tỷ trọng lớn nhất với 279,4 tỷ đồng, tăng 265% so với cùng kỳ. Lãi từ cho vay và phải thu đạt 47,9 tỷ đồng, đây là mức tăng đột biến trong khi doanh thu từ hoạt động tư vấn tài chính đạt 204,5 tỷ đồng, tằn 67%. Ngược lại, doanh thu hoạt động môi giới lại đạt 18,4 tỷ đồng, giảm gần 27% so với cùng kỳ, do ảnh hưởng từ sụt giảm thanh khoản thị trường trong kỳ.
Trong khi đó, chi phí hoạt động quý 2 của TPS lại tăng đột biến lên 329% so với cùng kỳ đạt 698 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc CTCK này cắt lỗ cổ phiếu và trái phiếu trong danh mục khiến việc hạch toán lỗ các tài sản tài chính FVTPL là 527,9 tỷ đồng.
Trong quý 2, TPS đã cắt lỗ loạt cổ phiếu trong đó đáng chú ý có SSI, tổng giá trị cắt lỗ cổ phiếu niêm yết trong kỳ là 87 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TPS chịu lỗ hơn 280 tỷ đồng từ việc bán lượng lớn trái phiếu chưa niêm yết.
Trong 6 tháng đầu năm, TPS đã mua thêm hàng loạt cổ phiếu như NLG của Nam Long, VND của VNDirect,, HNG của HAGL Agrico, NLG của Nam Long, PLX của Petrolimex,... .
Chứng khoán VIX (VIX ) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu 321,7 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ 2021. Lãi từ các tài sản tài chính FVTPL đạt 237,1 tỷ đồng, giảm 10,4% so với quý II/2021. Doanh thu từ cho vay và phải thu là 37,1 tỷ đồng, tăng 600 triệu đồng so với một năm trước. Doanh thu từ môi giới chứng khoán đạt 31,8 tỷ đồng giảm 35,4%; doanh thu từ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán đạt 14,8 tỷ đồng, tăng 260% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 98,1%, đạt 2,1 tỷ đồng. Chi phí hoạt động 235,8 tỷ đồng tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Lỗ các tài sản tài chính FVTPL lên 204,4 tỷ đồng, tăng 13,3%. Chi phí tài chính 13,3 tỷ đồng, tăng 9,9% nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 7,7% còn 5,2 tỷ đồng.
Kết quả, đơn vị này thu về 58,4 tỷ đồng lãi sau thuế, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế nửa đầu năm, Chứng khoán VIX ghi nhận doanh thu 768 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 326,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 11,4% và 23,7% so với 6 tháng đầu năm 2021.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Chứng khoán VIX là 8.528 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 4.730 tỷ đồng thời điểm đầu năm. Lý do là công ty tăng vốn điều lệ gấp đôi từ 2.745 tỷ đồng lên 5.491 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cho vay hoạt động ký quỹ margin giảm mạnh trong quý II năm nay. Tại ngày 30/6, giá trị cho vay margin của VIX là 642,76 tỷ đồng. Thời điểm cuối quý I, giá trị cho vay margin là 2.338 tỷ đồng. Theo đó, quy mô cho vay của công ty giảm gần 1.700 tỷ đồng.