Cơn sốt mua đồ ăn cận date tại Trung Quốc

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 09:26, 23/07/2022

Khi tình hình kinh tế xấu đi, nhiều người Trung Quốc phải sống dựa vào những thực phẩm sắp hết hạn. Với họ, chất lượng của chúng vẫn tốt nhưng giá rẻ hơn.

Theo Financial Times, khi kinh tế khó khăn, ngày càng nhiều người Trung Quốc mua đồ ăn và thức uống sắp hết hạn với mức giá rẻ.

Chỉ trong 12 tháng qua, 119 doanh nghiệp chuyên kinh doanh các mặt hàng sắp hết hạn sử dụng đã được đăng ký. Trong khi đó, cả thập kỷ trước mới có 92 công ty.

Các cửa hàng loại này bán những mặt hàng như lon cà phê Nestlé 100gr giá 3 nhân dân tệ (0,45 USD), hay chai nước khoáng 330ml giá 5 nhân dân tệ.

Con sot anh 1
Ngày càng nhiều người Trung Quốc mua đồ ăn và thức uống sắp hết hạn với mức giá rẻ. Ảnh: Reuters.

Cơn sốt mua đồ cận date

Hotmaxx - công ty đi đầu trong lĩnh vực bán hàng giảm giá - đã phải tăng số nhân viên từ 20 lên hơn 500 người kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

"Nhiều nhân viên văn phòng phải sống dựa vào những thực phẩm sắp hết hạn sử dụng. Con số này rất đáng ngạc nhiên", Zhang Yi - trưởng nhóm nghiên cứu tại công ty tư vấn iiMedia (có trụ sở tại Quảng Châu) - bình luận.

Theo cuộc khảo sát của iiMedia cuối năm ngoái với hơn 1.600 người mua thực phẩm và đồ uống sắp hết hạn, 2/3 người được hỏi kiếm hơn 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng. Công ty dùng mốc 4.000 nhân dân tệ để phân chia tầng lớp trung lưu và thu nhập thấp.

Năm nay, cô Jane Lu, một chuyên viên tư vấn bảo hiểm sống ở Thượng Hải, đã bắt đầu dùng đồ uống sắp hết hạn. Cô chỉ phải chi 600 nhân dân tệ mỗi tháng để mua loại đồ uống nhập khẩu thường dùng. Nếu mua ở các cửa hàng thông thường, cô Lu sẽ mất tới 1.000 nhân dân tệ.

Cô Lu bắt đầu thói quen này sau khi nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt phong tỏa chống dịch và cuộc khủng hoảng trong ngành địa ốc. Thu nhập của cô kém ổn định hơn.

"Tôi cắt giảm mọi chi phí có thể dù kiếm được bao nhiêu", cô chia sẻ.

Theo khảo sát của iiMedia, những món ăn có thời hạn sử dụng dài như khoai tây chiên và thịt bò khô rất đắt hàng. Các mặt hàng phổ biến khác là những sản phẩm từ sữa và bữa ăn sẵn gần đến ngày hết hạn.

"Người tiêu dùng đang tìm thực phẩm sắp hết hạn vì chất lượng của chúng vẫn tốt nhưng giá rẻ hơn", ông Shaun Rein - Giám đốc hãng tư vấn China Market Research - bình luận. "Giờ mọi người tìm cách tiết kiệm nhiều nhất có thể", ông nói thêm.

China Market Research dự báo doanh số ngành này sẽ tăng từ 25 tỷ nhân dân tệ năm 2019 lên 36 tỷ nhân dân tệ trong năm nay.

Kiếm lời từ cơn sốt mới

Quý II vừa qua, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 năm. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) công bố hôm 15/7, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,8% trong quý I và dự báo của giới quan sát.

Một yếu tố khác đằng sau cơn sốt thực phẩm sắp hết hạn là lượng hàng tồn kho trong các nhà máy và hãng phân phối cao do những đợt phong tỏa tại Trung Quốc.

Anh David Wang - chủ một cửa hàng thực phẩm giảm giá tại Bắc Kinh - cho biết hồi tháng 4, anh nhập 5.000 chiếc bánh chỉ còn hạn gần một tuần với giá 20 nhân dân tệ/chiếc, bằng một nửa giá bình thường.

Đó là thời điểm các nhà hàng tại Bắc Kinh bị cấm phục vụ trong nhà. Với mức giá 30 nhân dân tệ/chiếc, anh Wang bán hết số bánh chỉ trong 3 ngày. "Lợi nhuận rất hấp dẫn", anh chia sẻ.

Con sot anh 2
Người tiêu dùng săn lùng thực phẩm sắp hết hạn vì chất lượng của chúng vẫn tốt nhưng giá rẻ hơn. Ảnh: Reuters.

Nhưng anh Wang cho biết sau khi các hạn chế được nới lỏng, anh không thể kiếm tiền dễ dàng như vậy. "Mô hình kinh doanh này không bền vững", anh nhận xét.

"Vấn đề với người bán là họ không thể tìm đủ nguồn cung của những hàng hóa loại này. Thời gian nhập hàng sẽ được tính bằng phút chứ không phải ngày", ông Rein chia sẻ.

Tuy nhiên, một lãnh đạo giấu tên của Hotmaxx cho biết họ vẫn lạc quan về công việc kinh doanh bất chấp những thách thức. Công ty có kế hoạch tăng từ 500 cửa hàng hiện tại lên 4.500 cửa hàng vào năm 2025.

"Chúng tôi đã phá vỡ hệ thống định giá truyền thống. Rất nhiều thương hiệu đang muốn hợp tác với chúng tôi", vị giám đốc khẳng định.

Theo người này, những thách thức về nguồn cung có thể kiểm soát được, nhất là khi khách hàng không quá đặt nặng về thương hiệu.

"Nếu không có Coca-Cola, chúng tôi sẽ bán cho khách hàng Pepsi", ông chia sẻ.

(Theo Zing)