Nhiễm virus Marburg chảy máu nặng, chết vẫn lây: Việt Nam có dễ bùng dịch?
Tin Y tế - Ngày đăng : 09:32, 23/07/2022
Những ngày qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát lên thông tin gây lo ngại về căn bệnh nguy hiểm do virus Marburg gây ra, khi quốc gia châu Phi Ghana xác nhận đã có 2 trường hợp tử vong dương tính với virus này. Hơn 90 người tiếp xúc khác đang được theo dõi.
2 người tử vong vì virus Marburg
Theo đó, WHO cho biết virus Marburg có khả năng lây nhiễm cao, cùng họ với bệnh do virus Ebola và có tỷ lệ tử vong lên tới 88%. Bệnh gây xuất huyết nặng, bắt đầu đột ngột, với biểu hiện sốt cao và đau đầu dữ dội. Đáng chú ý, hiện vẫn chưa có vaccine phòng bệnh này. Người bệnh chỉ có thể được chăm sóc bằng cách bù nước bị mất qua đường tĩnh mạch hoặc điều trị triệu chứng.
WHO cảnh báo, nếu không có hành động ngay lập tức và dứt khoát, Marburg có thể vượt qua tầm kiểm soát. Thông tin này khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng bệnh do virus trên có thể tạo thành dịch trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam hay không?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, PGS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, virus Marburg đã xuất hiện từ năm 1967, và ngoài các nước châu Phi thì cũng tìm thấy ở một số quốc gia châu Âu như Đức, Serbia rải rác theo từng năm… Trước đây, người ta gọi những trường hợp nhiễm virus Marburg là bệnh xuất huyết Marburg, vì bệnh nhân sẽ bị chảy máu đầm đìa.
Theo PGS Dũng, virus Marburg không lây qua không khí, khí dung hay giọt bắn như SARS-CoV-2 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp phổ biến mà chủ yếu thông qua dịch tiết cơ thể và đường máu, nếu cơ thể người tiếp xúc trực tiếp.
Người nhiễm bệnh có hậu quả rất nghiêm trọng, như sốt nặng, máu chảy ra toàn thân. Đến khoảng ngày 9-10 của bệnh thì tử vong. Tỷ lệ chết của bệnh rất cao, nằm trong khoảng 50-80% và thậm chí cao hơn. Ở những nước điều trị tốt, tỷ lệ tử vong cũng là 30%.
Có thể bùng dịch không?
Vì phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mới bị lây, đối tượng nguy cơ của bệnh này là nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên y tế, hay nhân viên tang lễ. Virus Marburg tồn tại trong một số loài dơi ăn quả, khỉ sống trong rừng rậm ở châu Phi nên khả năng bị nhiễm khi tiếp xúc tự nhiên chỉ diễn ra ở một số khu vực nhất định.
PGS Dũng phân tích, ở châu Phi kiến thức về tiệt trùng, giữ vệ sinh của người dân còn hạn chế, cũng như có thói quen giữ thi thể trong nhà nên bệnh rất dễ lây lan.
"Virus Marburg nguy hiểm ở chỗ, người nhiễm bệnh đã chết rồi, máu chảy ra và người sống vô tình chạm trúng máu với chỗ trầy xước trên cơ thể, hay quẹt vào mắt, niêm mạc mũi thì cũng bị lây và bệnh rất nặng. Trong khi đó, nếu bệnh nhân Covid-19 đã chết, không còn thở nữa thì nguy cơ nhiễm bệnh gần như không có" - PGS Dũng phân tích.
Ngoài ra, ở nam giới sau khi nhiễm bệnh, trong tinh trùng có thể còn tồn tại virus Marburg trong khoảng 12 tháng, do đó có thể lây lan cho bạn tình nếu quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su trong khoảng thời gian trên.
PGS Dũng chia sẻ, ở Việt Nam không có loài dơi hay khỉ mang virus Marburg, và bệnh cũng rất khó lây lan. Do đó nếu người dân sống lành mạnh, sạch sẽ, cẩn thận, ăn thịt chín, không có thói quen cắt lễ thì không thể nhiễm virus Marburg gây nguy cơ bùng dịch.