Vụ án bé gái 8 tuổi: thấy gì qua dòng xúc cảm của dư luận xã hội ?

Xã hội - Ngày đăng : 19:00, 22/07/2022

Sẽ là niềm hy vọng khi xúc cảm của dư luận được chuyển hóa thành nhận thức và hành động mạnh mẽ trong thực tế, ở cả hiện tại và tương lai. Đừng để phải chờ đến những thảm án tiếp sau rồi người ta mới lại giận dữ, bàng hoàng.

Không như nhiều vụ án khác vốn chỉ chộn rộn một thời gian rồi lắng lại, vụ án bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến chết, ngay từ đầu và đến nay luôn được dư luận theo sát với xung lực cảm xúc, mãnh liệt nhất.

Chỉ bằng thống kê đơn giản trên các trang báo, trong 3 năm qua, đã có rất nhiều vụ án bạo hành trẻ em dẫn đến tử vong. Nhưng phần nhiều trong số đó không được dư luận quan tâm rộng rãi.

Dư luận và cộng đồng đã thật sự quan tâm đến thảm trạng bạo hành trẻ em tồn tại bấy lâu, hay đó chỉ là một sự giải tỏa nhất thời những ẩn ức dằng dai trong lòng xã hội?

giahantamgiunguoiphunuhanhhachaugaidandentuvong21640658441076-1640671511421.jpg
Người dân tưởng nhớ bé gái 8 tuổi bị bạo hành. Ảnh: Dân Trí

Bỏ qua các hành vi tàn nhẫn đáng lên án của các bị cáo, bài viết thử góp thêm một góc nhìn khác về cảm xúc của dư luận trong vụ án.

Chỉ với từ khóa “bé gái 8 tuổi”, ai cũng có thể truy tìm đầy đủ ngóc ngách thông tin về vụ việc. Những từ khóa liên quan xuất hiện dày đặc, như: “dì ghẻ”, “mẹ kế”, “kẻ thứ 3”, “phẫn nộ”, “tàn độc” “xót xa”, “uất hận”… cùng vô số tin đồn không kiểm chứng được. Điều gì đang nằm dưới những lớp từ ngữ đó?

Tâm lý đám đông thường không đi sâu vào các tình tiết, mà cô đọng khái quát ở những biểu tượng chính, tượng trưng cho các giá trị mà đám đông đang theo đuổi.

Vụ án bé gái 8 tuổi bị hành hạ đến chết là trường hợp điển hình khi tình cờ các chi tiết hợp thành chọc sâu vào tâm thức và khuôn mẫu xã hội vốn dĩ đang chao đảo trong đời sống xã hội hiện đại.

ap-tai-4-1-.jpg
Người dân theo dõi phiên xét xử vụ án. Ảnh Zing

Giá trị gia đình

Vụ án đã chạm sâu vào các giá trị nền tảng gia đình truyền thống. Toàn bộ câu chuyện bi thảm diễn ra trong một gia đình có người cha đã ly hôn vợ cũ và “sống chung như vợ chồng” với một người phụ nữ trẻ đẹp.

Cuộc chung sống chưa hôn thú đó, dưới cái nhìn đơn giản của đám đông, đương nhiên không phải là một hình mẫu được tôn trọng. Bởi một người cha từ bỏ một gia đình để đến với người phụ nữ khác.

Trong tâm thức truyền thống, mô hình “gia đình” lỏng lẻo này hầu như không được chào đón. Bạn gái của bố trở thành một biểu tượng điển hình mà dư luận vẫn gọi bằng những từ mỉa mai, như: “tiểu tam” “kẻ thứ 3” hoặc “Tuesday” – những mối đe dọa thường trực của hạnh phúc gia đình. Bạn gái của bố, về mặt pháp lý, thì hà cớ gì có quyền hay nghĩa vụ dạy dỗ con của bạn trai?

Cũng bởi chưa có hôn thú, truyền thông vẫn phải gọi người phụ nữ bị cáo là “dì ghẻ” trong ngoặc kép. Dẫu sao, với việc chung sống như vợ chồng, vai trò của bạn gái bố cũng tương đồng như vai trò của dì ghẻ hay mẹ kế.

Motif "mẹ ghẻ - con chồng"  như là một nếp hằn trong tâm thức quần chúng. "Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời gì ghẻ mà thương con chồng". Có thể nói "Dì ghẻ" chưa bao giờ là hình mẫu của tình yêu thương. Nỗi khổ đau, lòng thương cảm bao giờ cũng dành cho những đứa trẻ. Từ ngàn xưa đến giờ vẫn thế.

Trong nhiều vụ bạo hành trẻ em tàn nhẫn khác mà hành vi do người đàn ông thực hiện, dư luận ít căm phẫn hơn. Có lẽ tận sâu trong tiềm thức văn hóa, nữ tính tượng trưng cho các giá trị yêu thương, ôn hòa và bao dung. Một người phụ nữ thủ ác với trẻ em là khó chấp nhận được, nói chi là một người “mẹ ghẻ”.

be-gai-8-tuoi.jpg
Đông đảo người dân quan tâm đến phiên tòa theo dõi. Ảnh Dân trí.

Khi cả ba chốt chặn của cảm xúc: hình ảnh tiêu cực về người cha, biểu tượng "tiểu tam" và motif "mẹ ghẻ con chồng" một cách tình cờ hợp lại, xúc cảm của dư luận bùng phát dữ dội.

Đến lúc này, người ta mới lật lại những bất hạnh mà một đứa trẻ phải chịu đựng trong nhiều cuộc ly hôn không êm thấm. Những cuộc tan vỡ sóng gió này, cùng những toan tính được mất của người lớn, tiếc thay, lại xuất hiện càng nhiều trong đời sống xã hội mà người ta cứ báo động hết năm này đến năm khác.

Phản ứng mãnh liệt trước vụ án, phải chăng là một cơ chế tự vệ, bảo toàn giá trị gia đình, cũng như một một dịp để xã hội trút hết bao não nề lâu nay trước sự mong manh của các giá trị gia đình truyền thống trong xã hội hiện đại?

Kỳ vọng xã hội

Nếu bạn nhìn những dòng biểu ngữ mà nhiều người lặn lội đường xa mang đến sân tòa trong buổi xử án đầu tiên, chúng ta có thể phần nào cảm nhận được những ẩn ức về công bằng và kỳ vọng xã hội.

Ban đầu, thông tin vụ án được truyền đi rất nhanh bằng những kênh thông tin không chính thức. Trên môi trường truyền thông không tiêu chuẩn đó, ta dễ dàng bắt gặp những tin đồn đủ loại, gợi cảm giác về sự tồn tại của một thế lực to lớn nào đó đang bao trùm. Như lệ thường, cư dân mạng sục sạo tìm hiểu. Kết quả là có cả thông tin nhân thân, gia thế của 2 bị cáo ở những vị trí có thể can thiệp được vào vụ án.

Trong những tranh luận về việc định tội danh ban đầu của các bị cáo, chúng ta không khó để thấy những xúc cảm phẫn uất và hoang mang, những ngờ vực về định tội quá nhẹ, hồ nghi về một sự sắp xếp nào đó? Chỉ đến khi cơ quan chức năng xác định đây sẽ là “án điểm” thì dư luận mới tạm thời dịu lại. Nhưng cho đến những ngày cuối cùng trước phiên xét xử, câu chuyện xử kín hay xử công khai vẫn tiếp tục làm dậy lên những làn sóng dư luận.

z3582368311999d966fbd01279a68ed79a253384309c08-1-08020189(1).jpg
Ảnh VTCNews

Bên dưới những hoang mang, ngờ vực và uất nghẹn đó ẩn chứa một tâm thế bất an trước một thực tế mong manh của pháp luật và công lý trong vòng xoáy kim tiền, lợi ích và các thế lực hùng mạnh.

“Nén bạc đâm toạc tờ giấy” vừa là một kinh nghiệm dân gian, cũng là một nỗi lo lắng thường trực của xã hội hôm nay. Xúc cảm mạnh mẽ của dư luận phải chăng cũng đồng thời là sự kỳ vọng của xã hội với trật tự, pháp luật và lẽ công bằng?

Trong rất nhiều vụ bạo hành trẻ em khác, cả nạn nhân lẫn hung thủ đa phần xuất phát trong các nhóm xã hội bình dân, với sự khiếm khuyết về học vấn và kinh tế, nhân cách.

Hai bị cáo trong vụ án này đều là người có học vấn, có vị trí xã hội và khá giả, càng dễ bị dư luận căm phẫn. Đó vừa có thể là tâm thức xã hội của nhóm yếu thế, cũng vừa thể hiện một tiêu chuẩn, giá trị mà xã hội kỳ vọng: một hành vi tàn nhẫn như thế không thể xuất hiện ở các vị trí xã hội cao như thế!

Hiệu ứng truyền thông

Không thể không nói đến tác động của truyền thông trước một vụ án gây rúng động. Guồng máy đó chạy đua từng chi tiết, từng thời điểm, từng từ khóa mà dư luận quan tâm như một chất xúc tác thúc đẩy phản ứng dư luận tăng cao mạnh mẽ.

Nhưng guồng máy đó nhiều thời điểm hỗn loạn. Bên cạnh những thông tin có tính khách quan, tiêu chuẩn, vẫn còn rất nhiều thông tin mang sẵn định kiến cay độc, sẵn sàng kết án thay phiên tòa chỉ để theo đuôi, vuốt ve và mơn trớn dư luận.

don-roi-chua-han-la-cach-day-con-tot-nhat1432096599.jpeg
Ảnh minh họa

Với kết cấu dân số tương đối trẻ, trẻ em đương nhiên là tâm điểm của xã hội, với độ nhạy cảm cao nhất của truyền thông và dư luận. Điều đó lý giải phần nào xung lực cảm xúc, sự phẫn nộ càng cao hơn với các bậc cha mẹ trẻ đang mỗi ngày được hấp thụ thêm nền giáo dục và các giá trị tiến bộ.

Vụ án, dù có thể chỉ là là một sự bộc phát nhất thời các ẩn ức xã hội trước cái ác, cái xấu nhưng thể hiện một thực tế rằng nhận thức về trẻ em và bảo vệ trẻ em đang dần được nâng cao trong đời sống xã hội.

Sau vụ án thương tâm, mọi người bắt đầu cùng nhau nhìn nhận lại thực trạng, nhận diện các loại hình bạo hành. Người ta tranh luận về đòn roi và các phương pháp dạy con truyền thống, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, vận động các phong trào và thiết chế bảo vệ trẻ em, hiến kế giải pháp bảo vệ trẻ em khi ly hôn...

Sẽ là niềm hy vọng khi các xúc cảm của dư luận được chuyển hóa thành nhận thức và hành động mạnh mẽ trong thực tế, ở cả hiện tại và tương lai. Đừng để phải chờ đến những thảm án tiếp sau rồi người ta mới lại giận dữ, bàng hoàng.

Đặng Bách