Bạo lực không phải là cách làm con trẻ ngoan hơn

Gia đình - Ngày đăng : 16:40, 22/07/2022

Nhiều cha mẹ đánh, mắng con và xem đó là cách trừng phạt hiệu quả. Thật ra, trẻ cần được kỷ luật theo những cách giúp bản thân hiểu đâu là đúng sai thay vì chỉ nhận những “cơn mưa” đòn, la mắng.

Rất nhiều vụ việc đau lòng xảy ra chỉ vì cách dùng bạo lực trút lên con mình từ chính các bậc cha mẹ. Trẻ em thường phản ứng với mọi thứ xung quanh theo cách chúng được đối xử. Chính vì vậy, hãy nhìn lại mình xem bạn đã biết phạt con đúng cách chưa. Đừng để mình trở thành cha mẹ độc hại trong mắt trẻ và đừng để những hành động bạo lực gây ra hậu quả đáng tiếc cho trẻ.

blog-holden-physical-discipline.jpg
Phạt con để trẻ hiểu thay vì để thỏa mãn sự nóng giận nhất thời của cha mẹ.

Những cách phạt con trong các gia đình

Kỷ luật hiệu quả giúp trẻ học cách kiểm soát hành vi của mình và thông qua đó nhận biết mình đúng hay sai, không phải vì trẻ sợ bị trừng phạt. Mục đích của sự trừng phạt ở nhiều cha mẹ thường là để ngăn trẻ đừng làm những điều chính họ không muốn và dùng những phương pháp khiến trẻ không thích, thậm chí nhiều người còn trừng phạt bằng cách làm đau trẻ. Không ít người chỉ vì chút lỗi nhỏ của trẻ mà trút giận lên con không thương tiếc.

Về cơ bản, cha mẹ thường phạt con theo 4 cách sau đây:

  • Dùng bạo lực: đánh đòn, tát, nhéo tai… đi cùng là sự hỗ trợ của các vật dụng như chiếc roi mây, thắt lưng…
  • Dùng lời nói: nhạo báng, mắng chửi con, dùng những ngôn ngữ độc ác, đe dọa và cách xưng hô “tao/ mày”…
  • Giữ lại phần thưởng: “Con không được xem tivi nếu bài tập ở nhà của con chưa xong”, “mẹ sẽ không cho đi chơi cuối tuần nếu con chưa ngoan tuần này”…
  • Những hình phạt: “Con làm bể ly, mẹ sẽ lấy từ tiền tiêu vặt mỗi ngày của con để trừ vào đấy nhé!”.

Với 2 loại hình phạt đầu tiên, dùng bạo lực và mắng chửi – đây được xem là phương pháp kỷ luật không hiệu quả. Trẻ sợ thay vì hiểu vấn đề rằng mình sai. Mặt khác, hình phạt này để lại nhiều nỗi đau cho trẻ, không ít trường hợp đã để lại hậu quả đau lòng. Với hai hình phạt sau, nhiều chuyên gia cho rằng các bậc cha mẹ có thể sử dụng vì đó là những phương pháp kỷ luật có hiệu lực, tùy vào cách cha mẹ quản lý con trẻ.

00a65592-87c8-459b-97fe-2c34128241f1.jpg
Đánh, mắng trẻ là hình phạt khắc nghiệt gây nguy hiểm cho trẻ, khiến trẻ ảnh hưởng tâm lý nặng nề.

Đánh con, mắng con có mang lại hiệu quả?

Đánh con là một hình phạt khắc nghiệt. Việc đánh con, nếu nặng có thể dẫn đến những nguy hiểm về thể chất cho trẻ, nhẹ thì cũng làm trẻ bị ảnh hưởng tâm lý. Sử dụng bạo lực cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ chỉ có thể đối phó với vấn đề ở con trẻ bằng cách dùng đến tay chân. Nhiều người giận quá thì đá đít con, bạt tai – thậm chí dùng vật dụng đánh con đến bầm tím, bị thương.

Lời khuyên tốt nhất là nên tránh cách trừng phạt này. Phạt con bằng cách này chỉ làm trẻ lo sợ, không làm trẻ hiểu bản chất vấn đề mình sai chỗ nào. Hãy để trẻ học cách tự kiểm soát. Khi nóng giận và đánh con, mắng con, hẳn nhiều cha mẹ không biết mình đang thất bại thế nào và cảm giác của trẻ ra sao. Những lời mắng nhiếc không gây đau về thể chất nhưng lại để lại những dấu ấn trong tâm hồn non nớt của trẻ.

Tại sao đánh mắng con lại không hiệu quả?

Trừng phạt con theo cách này thường không hiệu quả do nhiều lý do. Đầu tiên, việc này làm con trẻ ghét chính mình, ghét cha mẹ và những người khác. Trẻ sẽ nghĩ rằng mình đang bị cha mẹ đối xử rất tệ. Một hành động xấu có thể sẽ được trẻ dùng để đối phó lại với cha mẹ. Nhiều trẻ dùng biện pháp lừa lại người lớn. Một vòng luẩn quẩn được hình thành. Trẻ sẽ không hiểu vấn đề và tiếp tục phạm lỗi trong tương lai.

Mặt khác, trẻ chứng kiến cha mẹ phạt mình bằng cách dùng bạo lực cũng sẽ có cách hành xử bạo lực khi giải quyết xung đột với những người xung quanh, bạn bè trẻ. Ngoài ra, một bất lợi của việc sử dụng hình phạt thể chất là cha mẹ phải tìm phương pháp kỷ luật khác khi trẻ trở nên cao lớn và mạnh mẽ như cha mẹ. Tại sao không bắt đầu bằng cách sử dụng các phương pháp kỷ luật có hiệu quả hơn khi con còn nhỏ, không cần phải dùng đến tay chân?

311991953-h.jpg
Khen thưởng và trừng phạt đúng cách là điều cha mẹ nên áp dụng để đồng hành tốt cùng con.

Khen thưởng và trừng phạt

Trường hợp khen thưởng và trừng phạt tập trung vào mục tiêu kỷ luật trẻ, khuyến khích và hành động thực tế. Trẻ luôn mong đợi và tìm kiếm một phần thưởng mỗi khi làm điều gì đó tốt đẹp. Hãy giúp trẻ có những nguồn động lực tốt và hiểu đâu là giá trị của những việc nên, không nên.

Ngoài ra, khen thưởng và trừng phạt còn giúp trẻ học cách tự kiểm soát. Khi trẻ lớn hơn, cha mẹ vẫn có thể yên tâm rằng cách này vẫn còn hiệu quả với trẻ. Để trẻ được nhận khen thưởng và bị phạt trách nhẹ nhàng, hợp lý còn là cách cha mẹ xây dựng lòng tự trọng cho trẻ. Qua những hình phạt này, trẻ sẽ ý thức hơn về cách giải quyết vấn đề hiệu quả.

Sử dụng các hậu quả như là một hình thức kỷ luật

Trẻ em cũng học hỏi từ kinh nghiệm giống như người lớn vậy. Trẻ biết rằng mỗi hành động của mình sẽ có một hậu quả mà trẻ phải chịu trách nhiệm. Cha mẹ cần cho trẻ biết những hậu quả ấy.

Trẻ không muốn ăn cơm? Hãy cho trẻ thấy rằng việc không đến bàn ăn bữa tối sẽ làm trẻ đói. Nếu bạn muốn phạt trẻ, hãy nói với trẻ: “Mẹ xin lỗi nhưng con không chịu ăn và giờ thì chỉ còn cách chờ đến bữa sáng thôi!”. Những kinh nghiệm, hậu quả khó chịu do hành vi của mình gây ra sẽ khiến trẻ tự ý thức lần sau không hành động theo cách đó. Lời khuyên là cha mẹ nên nói với trẻ trước khi xảy ra những hành vi ở trẻ. Hãy cho trẻ lựa chọn hoặc là con đến bàn ăn cùng gia đình hoặc là không ăn. Điều quan trọng là cha mẹ có sẵn sàng chấp nhận quyết định của con. Nếu con dọa không ăn tối, cha mẹ có sẵn sàng chấp nhận cho trẻ bỏ qua bữa tối? Hãy cung cấp cho trẻ những lựa chọn và để trẻ tự quyết định.

Lam Chi