TPHCM triển khai thử nghiệm 'cấp cứu trầm cảm'

Tin Y tế - Ngày đăng : 12:20, 22/07/2022

TPHCM - "Cấp cứu trầm cảm" là hoạt động mới của ngành y tế thành phố nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh để chăm sóc và điều trị chuyên khoa kịp thời những trường hợp có biểu hiện trầm cảm thể nặng.

Từ yêu cầu của thực tiễn trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, Sở Y tế TPHCM triển khai "cấp cứu trầm cảm" ngoại viện. Hoạt động này do Trung tâm Cấp cứu 115 và Bệnh viện Tâm thần TPHCM đảm trách.

Đối với người bị trầm cảm, đặc biệt là thể nặng, việc kịp thời phát hiện các dấu hiệu tự sát và gọi đội cấp cứu đến hỗ trợ trở thành hoạt động thiết thực cần được triển khai.

Cụ thể, khi phát hiện người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp, thành viên trong một tập thể cùng làm việc chung, sinh hoạt chung có các biểu hiện và dấu hiệu của chứng trầm cảm nặng, gọi số 115 (số trực cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115) hoặc số 19001267 (số điện thoại chăm sóc khách hàng của Bệnh viện Tâm Thần TPHCM).

Sau khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên y tế trực tổng đài sẽ hỏi một số câu hỏi sàng lọc và báo tin khẩn cấp đến đội cấp cứu 115.

Tiếp đến, đội cấp cứu ngoại viện 115 tiếp cận hiện trường để thuyết phục và đưa người bệnh đến bệnh viện để được chăm sóc và điều trị. Khi tình trạng rối loạn tâm thần thuyên giảm, người bệnh sẽ được chuyển về địa phương chăm sóc ngoại trú thông qua mạng lưới chăm sóc rối loạn tâm thần dựa vào cộng đồng.

Ngành y tế thành phố sẽ triển khai chương trình nâng cao năng lực của các cơ sở y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh tâm thần, đảm bảo hỗ trợ tư vấn, chăm sóc và nâng đỡ tinh thần từ xa và mang nguyên lý "cấp cứu trầm cảm".

Theo Sở Y tế TPHCM, với chương trình chăm sóc sức khỏe người bệnh tâm thần dựa vào cộng đồng trong thời gian qua, thành phố đã xây dựng mạng lưới chăm sóc, quản lý từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành đến trạm y tế phường, xã, thị trấn.

Từ nền tảng này, việc triển khai mạng lưới nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần hậu COVID-19 cho người dân và thực hiện chuỗi điều trị thích ứng các di chứng hậu COVID-19 là khả thi. 

Trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần khá phổ biến, biểu hiện với nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến trung bình và đáng ngại nhất là thể nặng vì hầu hết người mắc chứng trầm cảm ở thế này thường sẽ tìm đến cái chết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỉ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%.

Có 90% các quốc gia khi được khảo sát cho thấy đã đưa hỗ trợ sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội vào kế hoạch ứng phó với dịch COVID-19, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn khoảng trống đáng lo ngại.

Thanh Chân