Những người trẻ không đủ tiền vẫn đi mua xe sang và cái kết

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:12, 22/07/2022

Đam mê sở hữu một chiếc xe sang khiến nhiều thanh niên ngập trong nợ nần, vay mượn tiền của người thân và thậm chí không dám hẹn hò.

Ao ước sở hữu những chiếc xe hạng sang như BMW, Porsche hay Mercedes-Benz khiến nhiều người phải hối hận. Bởi trên thực tế, không ít người đã dốc cạn tiền trong tài khoản ngân hàng để đi mua xe.

“Tình hình dịch bệnh Covid-19 chuyển biến tồi tệ vào thời điểm tôi mua chiếc Porsche vào năm 2020 từ một người buôn bán xe cũ. Tôi mất 2 triệu won (1.530 USD) mỗi tháng để bảo trì xe. Do đó, tôi không dám đi mua sắm, ăn ở nhà hàng và đôi khi là không dám rời khỏi nhà”, Korea Joongang Daily dẫn lời anh Park (35 tuổi).

Những người trẻ không đủ tiền vẫn đi mua xe sang và cái kết
Chiếc Porsche màu đỏ được anh Park mua năm 2020. (Ảnh: Korea Joongang Daily)

Trên thực tế, nhiều nam giới trong độ tuổi 20 và 30 tại Hàn Quốc có niềm đam mê với những xế sang từ đầu những năm 2010. Nhưng khi sở hữu được xe, họ lại sớm phải hối hận về quyết định của mình.

“Một vài người quen của tôi đã mua căn hộ, trong khi tôi đi mua xe Porsche. Giá trị căn hộ của họ đã tăng ít nhất 300 triệu won. Còn tôi được cái gì? Tôi đã phải bán xe và ngập trong nợ nần”, anh Park nói thêm.

Hay như anh Lee (21 tuổi), một sinh viên cao đẳng, cũng đã mua chiếc BMW cũ vào năm ngoái bằng phần lớn số tiền tiết kiệm của bản thân.

“Lái chiếc BMW của riêng mình là giấc mơ của tôi. Tôi tìm được một chiếc BMW cũ vào năm ngoái, mẫu xe được sản xuất lần đầu tiên năm 2008, và tôi đã trả 5,5 triệu won để mua”, anh Lee cho hay.

Anh Lee từng nghĩ mình sẵn sàng chi trả số tiền để bảo dưỡng chiếc xe cho tới khi nhìn những tờ hóa đơn.

“Ít nhất mỗi tháng tôi phải chi 600.000 won, mà đôi khi lên tới 1 triệu won để sửa xe, mua xăng và bảo hiểm. Tôi đã phải mượn tiền của bố mẹ và làm nhiều công việc bán thời gian như giao đồ ăn để cố chi trả cho chiếc xe”, anh Lee tâm sự.

Chỉ 6 tháng sau, tài khoản ngân hàng của Lee chỉ còn lại số tiền 3.000 won.

“Lời khuyên của tôi là ‘Đừng hành động giống tôi và đừng mua chiếc xe hạng sang khi chưa nghĩ thấu đáo'”, anh Lee nói.

Thuật ngữ “car poor” hay nghèo vì xe được người Hàn Quốc sử dụng để chỉ những người như anh Park và Lee, khi tình hình tài chính của họ tụt dốc do phô trương mua những chiếc xe hơi đắt tiền. Những người này khác với người “nghèo vì nhà”, bởi giá trị của ôtô chỉ càng giảm đi.

Trong một số trường hợp, cái giá phải trả cho việc sở hữu một chiếc xe sang là từ bỏ đời sống xã hội.

“Tôi phải từ bỏ hẹn hò để cố trả số nợ và bảo dưỡng chiếc xe. Tôi có ý định từ bỏ chiếc xe sớm”, anh Hyun (34 tuổi) mua chiếc Mini Cooper vào năm 2017 cho biết.

Thế giới tài chính cho phép những người đàn ông trẻ tuổi theo đuổi đam mê với ô tô, ngay cả khi họ không nên làm như vậy.

“Những người trẻ muốn mua ô tô cao cấp, nhưng không có đủ tiền tiết kiệm vẫn có thể dùng các gói trả góp hàng tháng chi trả bằng thẻ tín dụng. Họ thường nghĩ bản thân có thể trả hết tiền mua xe trong khoảng thời gian dài”, ông Kim (41 tuổi), người buôn ô tô đã qua sử dụng ở Seoul có thâm niên13 năm cho biết.

Nói về lý do người trẻ mua xe dù tiền không có, ông Kim cho hay “Đó còn là ánh mắt người đi đường nhìn mỗi khi họ bước ra khỏi xe. Đó là cảm giác tự hào”.

Bà Lee Eun-hee, Giáo sư khoa học tiêu dùng tại Đại học Inha, cho rằng “Trước khi mua thứ gì đó, bạn cần cân nhắc xem mình có đủ khả năng chi trả bằng khoản thu nhập hiện tại và tương lai hay không. Chúng ta chỉ có thể gọi thứ gì đó là tiêu dùng dựa trên giá trị, khi người mua hiểu rõ số tiền mà họ đang chi tiêu và có kế hoạch tài chính tốt”.

Minh Thu (lược dịch)