Thổi phồng Tamiflu là ‘thần dược’ trị cúm, coi chừng rước họa

Tin Y tế - Ngày đăng : 21:00, 21/07/2022

Số lượng bệnh nhân mắc cúm A có xu hướng tăng, đặc biệt là người già và trẻ em. Nhiều người tìm mua thuốc Tamiflu (thuốc ức chế virus cúm), thậm chí dự trữ trong nhà để dùng khi cần, rất nguy hiểm
20191226_151606_132694_images1577602_thuoc.max-1800x1800.jpg
Tamiflu chỉ có tác dụng trị cúm trong vòng 48h đầu - Ảnh: Internet

Cúm A tăng bất thường

Gần đây, một số bệnh viện tại Hà Nội đã tiếp nhận hàng loạt ca bệnh nhiễm cúm A với nhiều lứa tuổi khác nhau. Các bác sĩ nhận định đây là điều bất thường, bởi mọi năm dịch sốt xuất huyết trước rồi mới đến cúm A vào mùa đông xuân nhưng năm nay quy trình bị đảo ngược. Hiện số ca cúm A tại một số bệnh viện đang lấn át ca bệnh sốt xuất huyết.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 thông tin trong 2 tuần qua tiếp nhận hơn 100 người mắc cúm A. Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn bệnh nhân cúm A cũng tăng lên trong thời gian gần đây. Cao điểm, đơn vị tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân một ngày. Nhiều người đến viện khám với biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, có người nặng hơn bị viêm phổi, suy hô hấp.

Bác sĩ Trần Văn Bắc - phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho biết vừa tiếp nhận một bệnh nhân 78 tuổi, bị viêm phổi do mắc cúm A, sau đó suy hô hấp, tiên lượng nặng. Hiện người bệnh được thở máy, tiếp tục theo dõi sát.

Các bác sĩ cho biết năm nay bệnh cúm A bùng phát bất thường, theo đó virus cúm thường phát triển vào mùa đông khi thời tiết lạnh, nồm ẩm. Tuy nhiên năm nay, cúm A lại bùng phát vào mùa hè, thời tiết khô, nóng. Nguyên nhân có thể do thời tiết biến đổi bất thường, đến tháng 5 vẫn còn các đợt không khí lạnh khiến virus cúm A bùng phát.

Bác sĩ Bắc khuyến cáo, cúm A có thể diễn biến nặng, thậm chí gây tử vong ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... Mọi người phòng cúm A bằng cách vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi và vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

Dấu hiệu nào nhận biết cúm

PGS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - cho biết bệnh cúm hay còn gọi là cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, lây nhanh qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường hô hấp, ghi nhận các trường hợp mắc quanh năm. Đặc biệt, vào mùa đông, hay giao mùa đông xuân, số bệnh nhân, trong đó chủ yếu là trẻ em mắc cúm gia tăng.

“Hiện nay, do thời tiết thay đổi thất thường, nóng chuyển lạnh đột ngột ngay trong ngày là điều kiện thuận lợi cho các virus đường hô hấp, trong đó có virus cúm phát triển.

Đặc biệt, việc thay đổi thời tiết thất thường khiến cho sức đề kháng cơ thể mỗi người, nhất là trẻ em bị giảm xuống… tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng lan truyền. Đáng lo ngại, số bệnh nhân tăng cao cũng khiến cho thuốc Tamiflu khan hiếm và tăng giá.

5537_trang_13_2.jpeg
Lạm dụng Tamiflu coi chừng rước họa - Ảnh: Internet

Nhẹ không uống Tamiflu

Bác sĩ Dũng cho biết, 80-90% các trường hợp mắc cúm là ở thể nhẹ, có thể tự khỏi. Những trường hợp sốt cao kéo dài, liên tục, tổn thương phổi thì mới cần nhập viện điều trị. Và không phải bệnh nhân nào bị cúm cũng dùng thuốc Tamiflu.

Những trường hợp mắc cúm nếu nhẹ thì không cần thiết phải uống Tamiflu, bệnh sẽ tự khỏi. Thời điểm này, người dân cần hiểu đúng về thuốc Tamiflu để tránh tâm lý đổ xô mất tiền oan mua thuốc này vì lời đồn thổi là “thần dược” trị cúm”.

Tamiflu là thuốc kháng virus, nhưng không giống với hầu hết kháng sinh, nó không có khả năng tiêu diệt virus cúm. Bởi vì, Tamiflu là thuốc ức chế men neurominidase của virus cúm. Virus cúm sau khi xâm nhập vào cơ thể, đi vào tế bào và nhân đôi, sau đó men này sẽ giúp virus cúm tách ra, rời khỏi tế bào chủ và đi tìm tế bào mới.

Tamiflu ức chế sự nhân lên của virus làm giảm sự phát tán của virus cúm trong cơ thể. Tuy nhiên, việc dùng thuốc Tamiflu chỉ có tác dụng nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong 48 giờ đầu, có triệu chứng sốt và theo chỉ định của bác sĩ. Sau 48 giờ, bệnh nhân chủ yếu được điều trị hạ sốt và chăm sóc để phòng biến chứng.

Những người cần thuốc Tamiflu là bệnh nhân cúm với triệu chứng rõ ràng như sốt cao, dùng trong vòng 48 giờ đầu thì thuốc mới có tác dụng. Ngoài ra là đối tượng dễ bị biến chứng cúm nặng như trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi và người già trên 65 tuổi, bệnh nhân có bệnh mãn tính như hen suyễn, bệnh tim, suy giảm miễn dịch…thì cần được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc để điều trị kịp thời.

Bên cạnh đó, thuốc Tamiflu cũng gây ra một số tác dụng phụ. Theo các chuyên gia y tế, tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc Tamiflu là có thể gây nôn ói. Ngoài ra có tiêu chảy, nhức đầu, gây độc thận ở những người có bệnh thận.

“Tamiflu không phải là “thần dược” trị cúm. Bởi vậy, người dân không nên thổi phồng công dụng của loại thuốc này. Đáng lo ngại, việc lạm dụng Tamiflu có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho sức khỏe, như hiện tượng kháng thuốc này ngày càng tăng”, bác sĩ Dũng cảnh báo.

Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế nhấn mạnh: “Người dân không nên cho rằng Tamiflu là thuốc đặc hiệu trị bệnh và duy nhất chữa được bệnh cúm, mà đó chỉ là thuốc hỗ trợ điều trị.

Vì vậy mà trong kế hoạch phòng chống dịch cúm của Bộ Y tế, dự trữ Tamiflu cũng không phải là phương sách số 1”. Ngoài ra, không riêng gì cúm, với tất cả các bệnh khác, việc quan trọng nhất vẫn là công tác phòng bệnh, chú ý hơn cả là nhóm người già, trẻ nhỏ hay người mắc các bệnh lý mãn tính.

ANH ĐÀO