Tranh, ảnh quý tri ân tháng 7
Dòng chảy - Ngày đăng : 22:30, 21/07/2022
Tranh quý của họa sĩ-chiến sĩ
Còn mãi với thời gian khai mạc sáng 20/7 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Triển lãm quy tụ 69 tác phẩm mỹ thuật của 62 tác giả, trong đó có 17 họa sĩ-chiến sĩ được lựa chọn trong sưu tập của bảo tàng.
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, triển lãm thể hiện những góc nhìn chân thực về hình tượng người chiến sĩ, những ký ức không quên về các cuộc chiến tranh đã qua và tình cảm, lòng tri ân đối với các bà mẹ Việt Nam anh hùng, dân quân, y sĩ, bác sĩ cũng như nhiều tấm gương bình dị đã lặng lẽ dâng hiến tuổi thanh xuân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Đây cũng là dịp để thế hệ hôm nay tri ân tới những thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia kháng chiến, đã anh dũng hi sinh hoặc còn mang trên mình vết thương sâu do chiến tranh để lại.
Bức tranh “Trong lán dân quân” của họa sĩ Nguyễn Văn Chung tại triển lãm “Còn mãi với thời gian” |
Bộ sưu tập tranh được giới thiệu tới công chúng khá đa dạng về đề tài, bút pháp, thể loại, chất liệu. Nhiều tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc chân thật, sống động về hình ảnh các chiến sĩ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu. Có thể kể tới những tác phẩm của nghệ sĩ vừa cầm súng vừa ghi lại những khoảnh khắc hào hùng: Đồng chí Trung Kiên và đồng chí Khương y tá trong trận Bình Giã (họa sĩ Cổ Tấn Long Châu), Tô Vĩnh Diện chèn pháo (họa sĩ Dương Hướng Minh), Phan Đình Giót (họa sĩ Huy Toàn), Mở đường thắng lợi (họa sĩ Ngô Mạnh Lân), Nuôi quân (họa sĩ Nguyễn Trọng Hợp), Nguyễn Văn Trỗi (họa sĩ Đạo Khánh)…
Một số tác phẩm cho công chúng hiểu rõ hơn về sự mất mát của chiến tranh như: Anh thương binh (nhà điêu khắc Phạm Mười), Ca mổ trong hang sơ tán (Trần Ngọc Hải)... Đó còn là những nỗi đau dai dẳng trong các tác phẩm như Không trở về, Sau cuộc chiến, Người đồng đội được tìm lại... Bên cạnh những mất mát đau thương còn có những giây phút lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi như Trong lán dân quân (Nguyễn Văn Chung), Thương binh xem triển lãm (Xuân Hồng), Đêm trăng qua vọng gác (họa sĩ Mai Long), Đọc báo cho thương binh (Trần Hữu Tê).
Những người thực hiện Cung trầm tháng 7 còn tái hiện cuộc đấu tranh đòi tăng lượng nước sinh hoạt cho tù chính trị thông qua hoạt cảnh diễn ra bên mô hình nhà tắm tập thể. Một hoạt cảnh gây xúc động khác kể lại những ngày tháng cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh-Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ trong xà lim tử hình nhà tù Hỏa Lò.
Tình cảm quân-dân là một mảng ấm áp trong triển lãm với Bà má miền Trung (Nguyễn Văn Chư), Đón anh về (nhà điêu khắc Lê Thược), Nuôi giấu thương binh (họa sĩ Thọ), Giã gạo nuôi quân hay sự tri ân với những người mẹ, người vợ ở hậu phương như Mẹ Thứ - Mẹ Việt Nam anh hùng (nhà điêu khắc Nguyễn Minh Đỉnh), Bài ca người mẹ (nhà điêu khắc Lê Duy Ứng). Triển lãm kéo dài hết 29/7, dịp này bảo tàng tổ chức tọa đàm và giao lưu với một số họa sĩ về chủ đề Còn mãi với thời gian.
Nhiều câu chuyện xúc động được kể lại trong trưng bày “Cung trầm tháng 7”. Ảnh: KỲ SƠN |
Cung trầm tháng 7
Chọn cái tên Cung trầm tháng 7 cho trưng bày đặc biệt dịp tháng 7 khai mạc sáng 20/7, những người thực hiện triển lãm thuộc Ban quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò gây xúc động mạnh. Công chúng được xem, đọc, nghe kể lại những câu chuyện cảm động về ý chí kiên cường, sự hi sinh anh dũng của những chiến sĩ cách mạng yêu nước thể hiện trong ba phần của trưng bày gồm: Khát vọng non sông, Dưới ngọn cờ hồng và Mãi mãi khắc ghi.
Tư liệu hình ảnh, sắp đặt của Cung trầm tháng 7 khắc họa những câu chuyện về gương hi sinh của các chiến sĩ yêu nước khi bị giam cầm trong nhà tù Hỏa Lò đầu thế kỷ XX. Hàng nghìn chiến sĩ của ta bị thực dân Pháp bắt giam và tra tấn tại đây đã giữ vững lòng trung kiên, lí tưởng cách mạng. Không chỉ là những con chữ và hình ảnh “chết”, câu chuyện tháng 7 trở nên sinh động hơn qua lời kể của những nhân chứng lịch sử tề tựu tại lễ khai mạc để nhớ về một thời kỳ bi hùng.
Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Hỏa Lò, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tiến Hà kể, ông bị bắt vì tham gia chỉ huy đợt cướp tù nhân ở Nhà thương Phủ Doãn. Kế hoạch bất thành, thực dân Pháp bắt giam và tra tấn dã man bằng điện, hết dùng vũ lực lại tung ra chiêu dụ dỗ quy phục. “Nhà tù được ví như địa ngục trần gian, đời sống gian khổ bị tra tấn dã man nhưng lí tưởng đấu tranh giải phóng đất nước đã giúp các chiến sĩ cộng sản vượt qua”, ông Hà nói. Địch tra tấn hòng khiến chiến sĩ chết mòn, làm thui chột tư tưởng cách mạng thế nhưng các chiến sĩ đã đấu tranh để “biến nhà tù thành trường học cách mạng, vừa dạy chính trị, vừa dạy văn hóa cho những người không biết chữ để hun đúc thêm lý tưởng cho mọi người”.
Cựu tù chính trị Hoàng Quân Tạo hoạt động cách mạng trong nội thành từ 1949-1952, bị địch bắt khi làm công tác nhận tài liệu từ vùng tự do để vận chuyển vào nội thành Hà Nội. Để dụ dỗ ông Tạo, địch đem công việc ở Sài Gòn, cơ hội du học ra hòng lung lạc ý chí. Mềm mỏng không được chúng quay ra tra tấn dã man, trong đó có cả đòn hiểm khi đưa người vợ chưa cưới-bị bắt cùng ông khi đang vận chuyển tài liệu- đến tra tấn trước mặt ông. Thấy ông phản kháng quyết liệt, chúng tiếp tục xuống tay rất mạnh cho tới khi ông ngất đi. Các đồng chí trong cùng buồng giam đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần, sức chiến đấu cho ông. Ông Hoàng Quân Tạo được tha sau Hiệp định Geneve năm 1954. Những người như ông Tiến Hà, Quang Tạo anh dũng đi qua cuộc chiến tranh, tiếp tục đóng góp sức để xây dựng đất nước thời bình và kể lại cho thế hệ sau những câu chuyện truyền cảm hứng.