Dấu hiệu nào cần chú ý khi ca cúm A đang gia tăng?
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:56, 21/07/2022
Cúm A năm nay có bất thường?
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, bệnh nhân mắc cúm A năm nay tăng cao có 3 lý do.
Thứ nhất, sau đợt dịch Covid-19 kéo dài, trẻ nhỏ sinh ra trong giai đoạn 2019-2022 (từ 1-3 tuổi) gần như chỉ ở trong nhà. Vì thế, trẻ không tiếp xúc với các tác nhân bên ngoài, không hình thành miễn dịch với các virus gây bệnh, trong đó có cúm A. Khi hòa nhập, tăng giao lưu, trẻ không có miễn dịch sẽ dễ dàng nhiễm bệnh.
Thứ hai, người dân quên tiêm ngừa vắc xin cúm trong thời gian dài, miễn dịch giảm và virus tấn công.
Thứ ba, do thực hiện test nhanh cúm A. Theo bác sĩ Khanh, hàng năm vẫn có các đợt bệnh hô hấp nhưng ít xét nghiệm tìm virus cúm A. Hiện nay, người bệnh sốt ho, viêm hô hấp được thực hiện xét nghiệm nhanh bằng kit test, nên thấy cúm A nhiều hơn.
Bệnh nhân cúm A được điều trị triệu chứng như các bệnh lý hô hấp thông thường.
Dấu hiệu nhận biết đã mắc cúm A
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, virus cúm A gây bệnh ở người chủ yếu là H1N1 và H3N2.
Cúm là một bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp, biểu hiện khá quen thuộc như sốt, ho, sổ mũi. Phần lớn người bệnh có thể theo dõi tại nhà, một tỷ lệ sẽ chuyển nặng và cần nhập viện.
Trong đợt cúm A đang có dấu hiệu tăng cao tại một số địa phương, người bệnh cần chú ý khi có các dấu hiệu sau:
- Sốt kèm cảm giác ớn lạnh. Người bệnh thường bị sốt trên 38 độ C.
- Nhức đầu, chóng mặt, mệt mỏi, đau nhức cơ, cơ thể suy nhược.
- Đau họng, viêm họng, ho.
- Hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi.
- Có thể kèm theo nôn mửa, tiêu chảy.
Với trẻ nhỏ, ban đầu trẻ sốt từ 38 độ trở lên, cảm giác nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trẻ cũng có thể nôn, trớ nhiều lần trong ngày, háo nước. Tuy nhiên, khi bệnh chuyển nặng, trẻ sốt cao trên 39 độ C, bỏ ăn, bỏ bú, lòng bàn tay và gan bàn chân lạnh, trẻ thở nhanh, ngủ li bì. Nặng hơn, trẻ có thể sốt cao đến co giật.
Ai dễ chuyển nặng khi mắc cúm A?
Người mắc cúm A thường hồi phục sau 1 tuần. Tuy nhiên, vẫn có một tỷ lệ chuyển nặng, nếu không điều trị kịp thời sẽ suy hô hấp dẫn đến viêm phổi, viêm phế quản… thậm chí tử vong.
Những người có nguy cơ chuyển nặng khi mắc cúm A gồm trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp…
Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận 1 trường hợp nặng phải thở máy do mắc cúm A. Đó là bệnh nhân nữ, 78 tuổi, sống tại Chương Mỹ (Hà Nội). Bệnh nhân được cấp cứu khi đã diễn biến bệnh ở ngày thứ 3, triệu chứng khó thở, mệt mỏi, sốt 39 độ C, ho nhiều.
Sau một ngày điều trị, bệnh nhân bị tăng tình trạng khó thở, SpO2 giảm còn 83%. Các bác sĩ buộc phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy xâm nhập.
Để phòng ngừa lây nhiễm cúm A, các bác sĩ khuyến cao người dân nên đeo khẩu trang, che miệng khi ho hay hắt hơi, thường xuyên rửa tay. Người dân, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ, nên tiêm vắc xin cúm mỗi năm để phòng bệnh và nguy cơ chuyển nặng.