Mùa hè tới cẩn trọng viêm não ở trẻ em
Tin Y tế - Ngày đăng : 20:11, 20/07/2022
Nhiều nơi viêm não vào mùa cao điểm
Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết mỗi ngày đơn vị tiếp nhận 4-5 trường hợp bệnh nhi thăm khám và đang điều trị cho 25 bệnh nhân viêm não, viêm màng não do các căn nguyên khác nhau.
Bé P.T.T. (Hà Nội) mới chỉ năm tuần tuổi và phải nhập viện vì viêm não, viêm màng não do vi khuẩn. Bé T. đã cai được thở máy, nhưng bác sĩ điều trị cho hay tương lai của bé còn rất nhiều khó khăn do phải đối mặt với nhiều vấn đề như giãn não thất và các di chứng khác.
Bé N.V.M. (9 tuổi, tỉnh Thái Nguyên) xuất hiện sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt và được gia đình đưa tới trạm xá rồi bệnh viện tuyến huyện nhưng tình trạng không thuyên giảm. Sau đó, bé M. dần rơi vào tình trạng lơ mơ, giảm ý thức và được chuyển tới Bệnh viện Nhi trung ương. Các bác sĩ chẩn đoán bé M. mắc viêm não Nhật Bản. Hiện vẫn hôn mê, phải thở máy, tiên lượng để lại nhiều di chứng ngay cả khi vượt qua cơn nguy hiểm.
Tại TP.HCM, theo ghi nhận tại một số các bệnh viện như: Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2… số trường hợp viêm não được điều trị tại bệnh viện vẫn chưa có dấu hiệu gia tăng. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định viêm não thường xuất hiện vào mùa hè, do đó bậc phụ huynh cần hết sức lưu ý.
Chú ý triệu chứng bệnh
ThS BS Nguyễn Đình Qui - phụ trách và điều hành khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - cho biết hiện bệnh viện không ghi nhận tình trạng trẻ nhập viện do viêm não. Tính từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận rất ít các trường hợp viêm não do HSV (virus Herpes simplex là một bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính) không thể trở thành dịch, phân bố rải rác, còn viêm não nhật bản chỉ có từ 1-2 ca và đã xuất viện.
Tuy nhiên, các bệnh về viêm não sẽ thường xuất hiện vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, nhiều nhất là trẻ từ 5-15 tuổi. Đây là căn bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu, có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng cao ở trẻ em.
Trong đó có, viêm não Nhật Bản đây là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não do virus thuộc họ flavivirus có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng, bệnh Zika… gây ra. Bệnh phổ biến vào mùa hè, thời tiết mưa nắng thất thường tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và lây nhiễm nguồn bệnh.
Bác sĩ Qui chỉ rõ một số các triệu chứng bệnh viêm não như: trẻ sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đó là đau đầu, buồn nôn, co giật, co cứng cơ và lú lẫn, rối loạn tri giác…trẻ mắc viêm não Nhật Bản thường hôn mê sâu và phải thở máy.
“Khi thấy trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ, phải xử trí liền bệnh viêm não cấp diễn tiến rất nhanh trong vòng 48 tiếng. Đối với các trường hợp nặng các bác sĩ sẽ hỗ trợ hô hấp, chống phù não, dùng thuốc kháng virus, hỗ trợ hồi sức, đảm bảo tim mạch…hiện viêm não chưa có có thuốc đặc trị (trừ HSV)”, bác sĩ Qui thông tin.
Bác sĩ Qui cho biết đối với các tác nhân viêm não Nhật Bản người dân hoàn toàn có thể phòng ngừa được đó là sử dụng vắc xin, bên cạnh đó viêm não Nhật Bản có đường lây truyền qua muỗi do vậy phòng chống tương tự sốt xuất huyết. Ngoài ra, người dân cần chú ý những khu vực xung quanh, nếu có ca viêm não Nhật Bản cần tránh để phòng ngừa.
TS Đỗ Thiện Hải - phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương - cho hay: “Viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết các trường hợp là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc hai tuổi”.
Bác sĩ Hải cũng cảnh báo, khi trẻ bị sốt, các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Tuy nhiên, một triệu chứng khác là trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho. Vì thế, nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho. Nhưng đây có thể là dấu hiệu của bệnh viêm não.
“Thông thường gia đình bỏ qua các triệu chứng này, chỉ đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện khiến việc điều trị khó khăn và có thể để lại di chứng. Di chứng nặng nề nhất của trẻ khi mắc viêm não là ảnh hưởng đến vận động và thần kinh, hoặc hô hấp”, bác sĩ Hải nói.