Cao tốc TPHCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng sau 10 năm

Xã hội - Ngày đăng : 19:59, 20/07/2022

Cao tốc TPHCM - Trung Lương không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, thường xuyên ùn tắc. Đây là cao tốc duy nhất đi qua TPHCM chưa có kế hoạch mở rộng.

Ngày 20/7, Sở GTVT TPHCM đã gửi văn bản khẩn đến UBND thành phố về việc đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương. Đơn vị này cho biết, giai đoạn 1 của tuyến cao tốc này đã được tính toán cách đây hơn 10 năm, không đáp ứng sự gia tăng phương tiện, nhu cầu đi lại của người dân.

Sở GTVT TPHCM nêu thực trạng, tuyến cao tốc thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông, đặc biệt là dịp lễ, Tết, cuối tuần. Do các tuyến chính, tuyến nối được thiết kế cách đây đã lâu, cao tốc TPHCM - Trung Lương không còn đảm bảo cho kết nối vùng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Cao tốc TPHCM - Trung Lương được đề xuất mở rộng sau 10 năm - 1

Hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn của TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Ảnh: N.Q.).

Theo quy hoạch, cao tốc TPHCM - Trung Lương thuộc cao tốc loại A, vận tốc thiết kế là 120km/h. Mặt cắt ngang tuyến chính của cao tốc có 8 làn cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp; tuyến nối có 6 làn xe cơ giới, 2 làn dừng khẩn cấp.

Đến nay, cao tốc TPHCM - Trung Lương mới hình thành 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp ở cả tuyến chính lẫn tuyến nối. Dự án đã giải phóng được toàn bộ mặt bằng theo quy hoạch ban đầu, nên rất thuận lợi cho việc đầu tư mở rộng.

Nhằm sớm hoàn thiện đường cao tốc theo quy hoạch, Sở GTVT TPHCM cho rằng, việc đầu tư, mở rộng cao tốc TPHCM - Trung Lương thời điểm này là cần thiết. Do đó, đơn vị này kiến nghị UBND TPHCM xem xét, báo cáo Thủ tướng chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành liên quan tuyến cao tốc để thống nhất kế hoạch, phương án đầu tư với tuyến cao tốc này.

Theo quy hoạch được duyệt, hệ thống giao thông kết nối vùng TPHCM gồm 5 tuyến cao tốc với tổng chiều dài hơn 276km và 2 tuyến vành đai dài 287km. Tuy nhiên, đến nay, chỉ 2 tuyến cao tốc và một đoạn vành đai 3 với tổng chiều dài hơn 120km được đưa vào khai thác.

Mặc dù có vị trí, tiềm năng, lợi thế rất lớn nhưng sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thời gian qua còn chưa tương xứng. Điểm nghẽn lớn của vùng là kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng còn hạn chế, chưa đồng bộ và chậm được cải thiện.

Đến nay, Quốc hội đã thông qua chủ trương xây dựng tuyến vành đai 3 TPHCM; cao tốc TPHCM - Mộc Bài và cao tốc TPHCM - Chơn Thành được Thủ tướng giao 1 địa phương làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo hình thức PPP; dự án mở rộng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập báo cáo tiền khả thi. Cao tốc TPHCM - Trung Lương là tuyến duy nhất chưa có kế hoạch đầu tư mở rộng theo quy hoạch.

Q.Huy