Mất phanh khi đổ đèo Tam Đảo, thanh niên đi xe máy dùng chân để giảm tốc độ
Soi xe - Ngày đăng : 15:57, 20/07/2022
Tình huống giao thông thót tim được camera hành trình trên một chiếc ô tô đi cùng chiều ghi lại trên tuyến quốc lộ 2B (thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc), cho thấy khoảnh khắc một cặp đôi chở nhau bằng xe tay ga đổ đèo với tốc độ cao. Khi đến một đoạn đường cua, chiếc xe này đã không giảm tốc độ dù đèn phanh bật sáng, cho thấy dường như xe đã bị mất phanh từ trước đó.
Nam thanh niên điều khiển xe máy đã phải tìm mọi cách để giảm tốc độ, bao gồm cả việc chà chân xuống đường để tìm cách giảm tốc độ của chiếc xe. Phản ứng của thanh niên điều khiển xe máy cũng đã phần nào giúp chiếc xe máy giảm được tốc độ, trước khi lao vào hộ lan tôn ven đường và tông vào một chiếc xe máy khác đang dừng.
Tình huống giao thông thót tim may mắn không gây thiệt hại về người, nhưng chắc chắn sẽ là bài học đáng nhớ, không chỉ cho cặp đôi đi xe máy trong tình huống này mà còn cho bất kỳ ai thường xuyên sử dụng xe máy tay ga để chạy đường đèo dốc.
Đoạn clip về tình huống này cũng đã "gây sốt" sau khi được đăng tải lên mạng xã hội. Nhiều cư dân mạng cho rằng cặp đôi đi xe máy trong tình huống này đã quá may mắn khi chiếc xe dừng lại kịp thời trước khi đâm mạnh vào hộ lan tôn, có thể khiến cho 2 người ngồi trên xe máy bị văng ra rồi rơi xuống vực.
"Nhiều người thường sử dụng xe tay ga để đi đường đèo dốc, mà không biết cách phanh bằng động cơ, lúc xuống dốc cứ phanh liên tục làm má phanh bị nóng lên nên gây ra hiện tượng mất phanh rất nguy hiểm. Cũng may là cặp đôi này bị mất phanh khi tốc độ của xe còn chưa quá lớn và còn có thể chà chân xuống đường để giảm tốc độ, chứ nếu không hậu quả sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều", người dùng Facebook T.Minh bình luận sau khi xem đoạn clip.
Làm sao để xe máy không bị mất phanh khi đổ đèo?
Trên thực tế đã có không ít trường hợp xe máy bị mất phanh khi đổ đèo, đặc biệt khi sử dụng xe tay, dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng. Nhiều người đi xe máy thường có thói quen rà phanh liên tục khi đổ đèo, điều này sẽ làm tăng ma sát cho má phanh, khiến hệ thống phanh nóng lên làm và mất tác dụng.
Để tránh tình trạng mất phanh khi đổ đèo hoặc ở những đoạn dốc dài, với người dùng đi xe số, cần ghi nhớ quy tắc lên đèo số nào thì đổ đèo bằng số đó. Đây là cách dùng lực cản của máy để giảm tốc độ xe khi đổ đèo. Nếu thấy xe trôi quá nhanh, nên chuyển về số thấp hơn. Tuy máy kêu to và có thể khiến bạn xót xe nhưng làm như vậy sẽ an toàn hơn.
Việc đổ đèo bằng xe tay ga có thể gây nguy hiểm hơn, đặc biệt với những ai không có nhiều kinh nghiệm điều khiển xe máy, vì rất khó sử dụng kỹ thuật phanh động cơ giống như trên xe số để ghìm bớt tốc độ khi xuống dốc. Ngoài ra, xe ga sử dụng đai truyền động và bánh xe nhỏ nên độ bám an toàn không cao bằng xe số. Khi đổ đèo bằng xe ga, nên tránh ôm cua quá sát mép ngoài vì lực ly tâm dễ làm bạn bị ngã.
Với xe tay ga, để sử dụng cách phanh bằng động cơ, người điều khiển cần phải duy trì tay ga ở mức tốc độ 10-15km/h. Sở dĩ luôn phải có một mức ga nhất định đó là để giúp hệ thống ly hợp hoạt động, duy trì lực hãm từ động cơ ra bánh xe, hỗ trợ giảm tốc độ xe.
Để sử dụng kỹ thuật này đòi hỏi người điều khiển phải cảm nhận được việc động cơ ghì xe lại, nếu thấy xe lao đi với quán tính, bạn sẽ phải phanh chậm hẳn lại, mớm ga để hệ thống ly hợp hoạt động (côn bám) rồi lại tiếp tục đổ dốc.
Một điều cần lưu ý khi đổ dốc bằng xe máy (cả xe số lẫn xe ga), đó là tuyệt đối không được tắt máy để xe trôi tự do. Nhiều người cho rằng điều này sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, nhưng việc tắt máy sẽ làm mất khả năng phanh bằng động cơ, buộc người dùng phải sử dụng phanh liên tục để giảm tốc độ, dẫn đến tình trạng bị mất phanh.