Khám phá lại bản thân
Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 20/07/2022
Sau kì sát hạch cam go để bước chân vào ngôi trường mình yêu thích, nhiều bạn trẻ nhận ra rằng đôi khi chọn một chuyên ngành ở đại học hay cao đẳng thôi là… chưa đủ.
Đó không phải là một nghịch lý, mà thật ra, nhiều người trong chúng ta cũng đã từng nghe thấy, hoặc có anh em, bạn bè… học ngành này nhưng tốt nghiệp ra trường lại làm ngành khác, và làm rất thành công.
Tôi có quen một anh kiến trúc sư bán… cafe khá ổn, mở được vài quán và tạo được thương hiệu chuỗi riêng, dù trước đó anh chẳng được đào tạo bài bản gì về cafe. Cũng trong ngành này, một câu chuyện khá nổi tiếng đó là Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ tịch tập đoàn Trung Nguyên vốn học bác sĩ đa khoa ở một trường Y danh tiếng. Và còn rất nhiều ví dụ khác.
Vậy là nghiệp chọn người? Không hẳn vì họ đã chọn sai ngành, mà còn vì những lí do thuộc về tâm lý, trong đó có một khía cạnh quan trọng: năng khiếu. Rất nhiều khi chúng ta còn đánh giá thấp những “món ăn chơi”, mà xã hội và chương trình giáo dục hiện nay thường gộp chung thành nhóm các “môn năng khiếu”, như Thể dục thể thao, Thơ ca, Văn chương, Âm nhạc hay Hội hoạ.
Để phát triển đồng đều và cũng để người học có dịp tái khám phá bản thân từ sớm, trong những năm gần đây, nhiều trường đại học đã chú trọng đào tạo liên ngành, trong đó có chia ngành chính – ngành phụ. Ví dụ: tại trường ĐH Văn Lang, chương trình Đặc biệt (Honors program), sinh viên có thể chọn Quan hệ công chúng - Truyền thông là ngành chính, ngành phụ là Tài chính – Ngân hàng, Ngôn ngữ Anh...
Bên cạnh việc đào tạo liên ngành cấp bằng đôi, giáo dục khai phóng hay “2 + 2” (đào tạo chính quy hai năm trong nước và hai năm nước ngoài, cùng chuyên ngành), một hướng đi khác đang được nhiều đại học lựa chọn, đó là phát triển thêm các môn tự chọn mang tính năng khiếu. Tại đại học Bách Khoa TP. HCM, các môn này được gọi chung là nhóm các môn “Kỹ năng xã hội”, gồm: Nhiếp ảnh, Báo chí, Sân khấu và Thanh nhạc. Các bạn sinh viên năm nhất đã được tiếp cận những môn học này theo học phần tự chọn.
Từ thực tiễn giảng dạy môn Báo chí cho sinh viên khối ngành Kỹ thuật tại ĐH Bách khoa, tôi nhận thấy nhiều điều thú vị. Trái với định kiến thông thường về sự “khô khan” của các chàng trai ngành kỹ thuật, các bạn trẻ Gen Z có điểm đầu vào khối A (Toán – Lý – Hoá) rất cao ở trường tốp đầu cả nước, vẫn bộc lộ nét tài hoa. Qua quá trình học tập, nhiều bạn cho thấy có nhiều đam mê về nghệ thuật sử dụng ngôn từ, tư duy hình ảnh hay ham muốn tìm hiểu các vấn đề phản biện xã hội.
Một số bạn bộc lộ năng khiếu và muốn tìm hiểu sâu hơn về cách làm thế nào tư duy đề tài, tiếp cận nhân vật, thế nào là một bài báo, một chương trình truyền hình hay… Những phản hồi tích cực từ các bạn trẻ khi học Báo chí cũng là một động lực không nhỏ, thúc đẩy những người làm giáo dục nghiên cứu thêm các môn học mới, tiếp cận với xu hướng khai phóng, phát triển con người toàn diện của giáo dục trong thế kỉ 21 ở các nước tiên tiến.
Khoa học Giáo dục từ lâu đã chứng minh rằng việc chú trọng các hoạt động mang tính năng khiếu sẽ góp phần quan trọng vào quá trình định hình nhân cách và bản sắc mỗi con người. Đó là hành trang bổ ích cho thế hệ trẻ Việt Nam tự tin hơn khi rời giảng đường đại học, bước vào cuộc cạnh tranh trong thế giới đang ngày một phẳng hơn, với rất nhiều cơ hội cho người có năng lực, đạo đức và tư duy cởi mở.