CEO Thế Giới Di Động: Nếu lựa chọn an toàn, làm sao lên được đỉnh cao mới
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:13, 19/07/2022
Thế Giới Di Động vừa chính thức cán mốc 500 nhà thuốc An Khang hồi tuần trước trong bối cảnh một số đối thủ như Long Châu, Pharmacity đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Bên cạnh đó, ông lớn bán lẻ vừa đóng cửa hai chuỗi chuyên về thời trang (AVAFashion) và trang sức (AVAJi).
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động, giải đáp những câu hỏi của ICTnews chung quanh chuỗi mới, đồng thời đề cập đến việc đóng cửa một số ngành không hiệu quả.
Đi chậm hơn đối thủ nên sẽ phải tăng tốc
Tại sao thời điểm này Thế Giới Di Động mới mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang mà không phải trước đây?
Thời điểm trước Thế Giới Di Động có quá nhiều cái để làm tốt hơn. Hiện nay, đặc biệt sau giai đoạn Covid-19, người dân quan tâm sức khoẻ hơn, không chỉ mua thuốc mà còn mua các loại thực phẩm chức năng, hỗ trợ sức khoẻ. Do đó, chúng tôi nhận thấy đây là thời điểm thích hợp nhất để mở rộng chuỗi dược phẩm.
Trên thực tế, chúng tôi mở An Khang rất sớm nhưng đi chậm hơn, do đó đặt mục tiêu mở rộng nhanh hơn để vượt qua các đối thủ. Chỉ trong 6 tháng qua, từ mốc 178 nhà thuốc đã tăng lên 500, mục tiêu đến cuối năm đạt 800 cửa hàng. Cuối năm sau có thể đạt 2.000 nhà thuốc. Nếu hoàn thành mục tiêu, An Khang sẽ đứng đầu các chuỗi kể cả về số lượng cửa hàng lẫn doanh thu đóng góp.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Cty CP Thế Giới Di Động, trong sự kiện đạt mốc 500 nhà thuốc An Khang. (Ảnh: BTC) |
Ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động) từng nói không mặn mà mảng bán lẻ dược phẩm vì quy mô ngành này không đủ lớn. Vì sao hiện nay công ty lại tham gia?
Quy mô toàn thị trường bán lẻ dược phẩm vào khoảng 8,2 tỷ USD. Trong đó, phần lớn doanh thu nằm ở các nhà thuốc trong bệnh viện, còn lại khoảng 2,2 tỷ USD dành cho nhà thuốc bên ngoài - không phải con số lớn, song nó vẫn là cơ hội và có khoảng trống để Thế Giới Di Động nhảy vào.
Toàn bộ thị trường hiện nay có khoảng 60.000 nhà thuốc nhỏ lẻ, các chuỗi lớn xấp xỉ 2.000, chiếm chưa tới 5%. Vì vậy, An Khang nếu chiếm thị phần lớn thì vẫn tạo doanh thu đủ hấp dẫn.
Tôi cho rằng nếu những chuỗi dược phẩm hiện đại làm tốt thì sẽ lấy được thị phần của các nhà thuốc nhỏ lẻ. Thêm vào đó, sẽ có sự dịch chuyển từ việc mua thuốc bên trong bệnh viện sang các chuỗi dược phẩm bên ngoài. Chưa kể, nhà thuốc hiện đại mở ra mang lại lợi ích cho người dùng. Vì chất lượng hàng hoá được bảo đảm, dịch vụ tốt hơn, nhân viên được đào tạo bài bản hơn.
Nhà thuốc hiện đại sẽ lấn lướt nhà thuốc truyền thống
Việc mở nhà thuốc thường gặp khó khăn về các quy định so với cửa hàng điện thoại, các ông giải quyết vấn đề này thế nào?
Đúng. Việc mở nhà thuốc khoảng 40 mét vuông không có gì khó khăn với Thế Giới Di Động vì chúng tôi có kinh nghiệm mở chuỗi từ rất lâu. Song mở nhà thuốc sẽ gặp khó khăn vì phải có dược sĩ ở cửa hàng, phải xin một số giấy phép. Với tốc độ mở mới như hiện nay, nhu cầu về nhân lực rất cao, trong khi mỗi năm chỉ có một số lượng nhất định nhân sự có chuyên môn ra trường. Chúng tôi đang làm việc với các trường đại học để có được nguồn sinh viên tốt nghiệp chất lượng.
Tuy vậy, những thách thức này không có gì là quá khó với Thế Giới Di Động.
Ông có nhận thấy sự tương đồng giữa ngành bán lẻ dược phẩm hiện nay với ngành điện thoại cách đây nhiều năm?
Điểm giống nhau của ngành bán lẻ dược phẩm hiện nay với ngành điện thoại chục năm trước chính là kênh bán lẻ truyền thống đang chiếm thị phần lớn. Tôi tin rằng khi các chuỗi dược phẩm hiện đại mở ra thì các kênh truyền thống sẽ bị thu hẹp.
Có ý kiến cho rằng người dân vẫn quen với việc đi nhà thuốc truyền thống hơn, như vậy chuỗi hiện đại cạnh tranh thế nào?
Nguyên tắc đầu tiên của chúng tôi là phải đủ thuốc. Phải bài trí và sắp xếp làm sao cho nhiều thuốc nhất có thể. Sau đó mới mở thêm các mặt hàng bổ sung khác. Tất cả những thứ khác đều là phụ, đứng sau mục tiêu về thuốc.
Khi được đáp ứng đầy đủ về thuốc, tôi tin rằng khách hàng sẽ dần nghiêng về nhà thuốc hiện đại. Các cửa hàng này sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu về hàng hoá, giá cả, chất lượng phục vụ. Đặc biệt là yếu tố an toàn. Chúng tôi đặt an toàn thành giá trị cốt lõi đầu tiên trong tổng cộng 4 yếu tố - bao gồm cả ổn định, an tâm, phục vụ.
Thực phẩm chức năng sẽ phụ trợ cho mảng thuốc chiếm nhiều tại An Khang. (Ảnh: Hải Đăng) |
An Khang đi sau một số chuỗi lớn khác, ông có lo lắng gì không?
Tôi không thấy khó khăn hay lo lắng gì. Một số nhà bán lẻ khác có thể còn lo ngại chúng tôi. Trong một khoảng thời gian ngắn chúng tôi đã mở chuỗi rất nhanh không chỉ ở miền Nam mà còn khu vực miền Trung và miền Bắc.
Khó khăn lớn nhất là làm sao chinh phục được khách hàng.
An Khang sẽ đóng góp thế nào cho Thế Giới Di Động?
Cuối năm nay doanh thu dự kiến toàn chuỗi An Khang khoảng trên 2.000 tỷ đồng. Năm sau nếu chúng tôi đủ 2.000 cửa hàng thì con số sẽ tăng lên nhiều hơn.
Hiện nay các nhà thuốc đã đủ thời gian để tạo doanh thu. Chúng tôi đã qua thời gian “gieo”, giờ bắt đầu “gặt”. Với doanh thu 500-600 triệu/cửa hàng/tháng, mở dần dần lên 2.000 cửa hàng vào cuối năm sau thì dự kiến doanh thu khoảng 8.000-10.000 tỷ đồng/năm.
Nếu an toàn trong vỏ ốc thì không thể tạo đỉnh mới
Thế Giới Di Động có vẻ mở nhiều chuỗi mới trong thời gian gần đây, đóng cửa cũng không ít. Ý kiến của ông việc này thế nào?
Đó là việc phải làm. Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh đã chiếm thị phần 50% trong ngành, gần đỉnh rồi. Chúng tôi phải cố gắng nỗ lực nhằm duy trì tăng trưởng, làm sao để ở trên đỉnh càng lâu càng tốt.
Ngoài ra, chúng tôi buộc phải tạo ra những đỉnh mới. Đó là lý do các chuỗi Bách hoá Xanh, An Khang, AVA ra đời. Hiện giờ, các chuỗi này đang đi tiên phong trong tập đoàn và tăng tốc mở rộng, tương lai sẽ đóng góp nhiều hơn nữa.
Việc mở chuỗi mới là điều tất yếu phải làm. Trong quá trình tiến tới mục tiêu đó, chuỗi nào thành công chúng tôi sẽ tăng tốc, chuỗi nào thất bại thì đóng. Nếu không dám làm thì không ra cái mới. Chuyện đóng cửa một chuỗi không thành công là điều rất bình thường, là điều mà nhà bán lẻ năng động nên làm. Nếu chúng tôi an toàn trong vỏ ốc thì làm sao tạo đỉnh mới, làm sao có thành công trong tương lai?
Hải Đăng(Thực hiện)