Giá lợn hơi tăng cao, túi tiền ông chủ công ty chăn nuôi cũng dầy thêm
Bất động sản - Ngày đăng : 16:46, 19/07/2022
Theo Tổng cục Thống kê, với tổng số 28,2 triệu con lợn dự kiến sản xuất được 4 triệu tấn lợn hơi trong năm nay, nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt.
DN chăn nuôi chật vật... chờ thời
Thức ăn chiếm 75% tổng chi phí chăn nuôi. Chi phí chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ước tính khoảng 55.000- 60.000 đồng/kg, còn chi phí của trang trại thương mại ước tính khoảng 50.000 đồng/kg.
Với giá lợn hơi chỉ khoảng 39.000 - 55.000 đồng/kg, từ quý 3/2021 đến quý 2/2022, hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không có lãi, trong khi doanh nghiệp chăn nuôi cũng trở nên chật vật.
Tuy nhiên, giá lợn hơi đã rục rịch tăng trở lại kể từ đầu tháng 7/2022 và đã đạt mức bình quân 70.000 đồng trong những ngày gần đây, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này đủ để đảm bảo cho các doanh nghiệp chăn nuôi có thể phục hồi trong 6 tháng cuối năm 2022.
Trong quý 1 vừa qua, hầu hết các công ty chăn nuôi đều ghi nhận kết quả kinh doanh kém khả quan, với biên lợi nhuận thu hẹp hơn do chi phí tăng.
Theo đó, CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC) công bố doanh thu thuần tăng 13% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận ròng giảm 98% so với cùng kỳ do biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 25,4% xuống 9% do chi phí thức ăn chăn nuôi tăng.
Mảng chăn nuôi của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận lỗ trong quý 1/2022, trong khi doanh thu giảm 28% so với cùng kỳ.
CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (BAF) công bố doanh thu thuần và lợi nhuận ròng giảm lần lượt 38% và 6% so với cùng kỳ.
Với CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG), công ty của Bầu Đức đạt doanh thu 800 tỷ đồng trong quý 1 nhưng doanh thu từ bán thịt lợn chỉ chiếm chưa tới 25%.
Cổ phiếu doanh nghiệp chăn nuôi khởi sắc
Tuy nhiên, “thời” của các công ty chăn nuôi đã tới, khi giá lợn hơi tăng trở lại. Vì vậy, cổ phiếu của các doanh nghiệp này nhờ thế mà cũng khởi sắc theo.
Tại ĐHCĐ mới đây của HAG, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức khoe công ty đã đạt lãi ròng sau thuế tới 273 tỷ đồng trong quý 2/2022, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, nhờ vào việc nuôi lợn và trồng chuối. HAGL có lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác do chủ động được một phần thức ăn chăn nuôi nhờ cho lợn ăn những trái chuối không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu (giá bán ngoài thị trường từ 1.000 – 3.000 đồng/kg). Do đó, mức giá lợn hơi trung bình 6 tháng đầu năm chỉ từ 53.000 – 55.000 đồng/kg vẫn đảm bảo cho công ty bầu Đức có lãi từ mảng chăn nuôi.
Giá cổ phiếu HAG đã tăng 40% kể từ đầu tháng 7, tức chỉ sau 3 tuần giao dịch. Hiện HAG đang được giao dịch quanh mức giá 11.700 đồng/cp, mức cao nhất kể từ tháng Tư.
Nhờ đó, tài sản của Bầu Đức cũng tăng vọt thêm 40% lên mức 3.700 tỷ đồng nhờ việc nắm giữ 34,5% vốn điều lệ HAGL.
Nếu tính cả 17 triệu cổ phiếu HAG do hai người con trai ông Đức nắm giữ, cha con ông Đoàn Nguyên Đức hiện nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá 3.900 tỷ đồng.
Còn với DBC của Dabaco, giá cổ phiếu này cũng tăng phi mã 41% kể từ đầu tháng 7, đạt 27.700 đồng/cp ở thời điểm hiện tại sau khi trải qua 3 tuần và chỉ 1 phiên giảm giá duy nhất.
Nếu tính từ thời điểm 22/6, khi DBC bắt đầu chuỗi những phiên tăng giá, cổ phiếu này đã tăng thêm 66%.
Mức giá này giúp cho Chủ tịch HĐQT Dabaco Nguyễn Như So cán mốc 1.800 tỷ đồng nhờ việc sở hữu 26,95% cổ phần tại doanh nghiệp chăn nuôi lớn nhất miền Bắc này.
Nếu tính cả lượng cổ phiếu do 3 người con gái đang nắm giữ, giá trị tài sản của cha con Chủ tịch Nguyễn Như So đã vượt ngưỡng 2.200 tỷ đồng.
Diễn biến giá tương tự đối với cổ phiếu BAF của CTCP Nông nghiệp BAF. Đóng cửa phiên 18/7, BAF đạt mức giá 38.050 đồng/cp, tăng 15% kể từ đầu tháng 7.
Tại BAF, không có dữ liệu về việc sở hữu cổ phần của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Sỹ Bá. Tuy nhiên, bà Bùi Hương Giang – thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc – hiện đang nắm giữ 10,44% vốn điều lệ. Với mức giá hiện tại của BAF, tài sản của bà Giang đạt mức 570 tỷ đồng.
Hiền Anh