Bán rau củ và cá tươi: Đại gia 10 năm chịu đau tranh phần với sạp chợ
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 14:19, 19/07/2022
Tham vọng lớn
Năm 2015, cửa hàng bách hóa Xanh (BHX) đầu tiên với quy mô dưới 100m2 được mở tại quận Bình Tân (TP.HCM). Bước đi của đơn vị này khá táo bạo khi mở ra ngay cạnh các chợ truyền thống để bán thực phẩm tươi sống như thịt cá, rau củ, trái cây,… và nhu yếu phẩm.
Luôn quảng cáo cụm từ “rẻ hơn ở chợ” và mô hình bán hàng hiện đại luôn sạch sẽ, mát lạnh, BHX đã thu hút người tiêu dùng. Năm 2018, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng nhanh chóng tăng lên 1,2 tỷ/tháng, tổng số cửa hàng lúc này là 405 cửa hàng (90% là ở TP.HCM).
Sau đó, BHX bắt đầu mở rộng ra các tỉnh. Năm 2019, BHX đã có hơn 900 cửa hàng tập trung ở các tỉnh miền Nam, miền Đông và Nam Trung Bộ; đồng thời mở bán online lần đầu tiên ở khu vực Biên Hòa (Đồng Nai).
Đến 8/2021, chuỗi bán lẻ này có gần 2.000 cửa hàng trên khắp các tỉnh thành ở miền Nam, miền Đông và Nam Trung Bộ.
BXH gặp thời khi ảnh hưởng của dịch, chợ truyền thống phải đóng cửa. Lượng khách hàng quá lớn khiến BXH "quá tải". Không chỉ vậy, người tiêu dùng còn tố một số sản phẩm tăng giá trong mùa dịch.
Sau khi kết thúc giãn cách, kinh doanh của BXH lại giảm sút. Doanh thu của BHX quý 4/2021 thấp hơn các quý trước. Năm 2021, BHX đạt doanh số hơn 28.200 tỷ đồng (tăng 33% so với 2020).
Trong kế hoạch 2022, BHX tạm ngưng mở mới để củng cố nền tảng vận hành, chuẩn bị cho mở rộng từ năm 2023. BHX kỳ vọng đóng góp 20%-25% doanh số cho tập đoàn.
Đáng chú ý, ông Trần Kinh Doanh xin rút khỏi hoạt động điều hành trực tiếp BHX. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, sẽ là người thay thế, trực tiếp quản lý BXH trong năm 2022.
CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (MWG) đã thành lập công ty con là CTCP Công nghệ và Đầu tư BXH với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. MWG sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần đang sở hữu trong BHX cho công ty mới, giá trị chuyển nhượng là 12.795 tỷ đồng.
BXH bắt đầu tái cấu trúc khi đóng cửa hàn loạt cửa hàng. Tính tới 13/7, số lượng cửa hàng chỉ còn 1824 cửa hàng, giảm 316 cửa hàng. Trong quý 3/2022, BXH sẽ tiếp tục rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Như vậy, nhiều khả năng số lượng cửa hàng phải đóng cửa sẽ tiếp tục tăng, trong khi BXH không mở mới trong năm nay.
Cuộc đua khốc liệt
Mặc dù đánh giá là nhiều tiềm năng nhưng thị trường bán lẻ khá khốc liệt. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này , nếu muốn hệ thống bán lẻ "sống sót" thì phải có tiền để "nuôi". Mảng thị trường bán lẻ tại Việt Nam rất có tiềm năng nhưng phải "nuôi" đến 10 năm mới nắm bắt được thì liệu doanh nghiệp Việt có đủ tiền để làm điều đó hay chưa đến 3 năm đã "ngất xỉu", phải đưa đi "cấp cứu".
Tương tự như BXH, sau khi chuyển quyền điều hành về tập đoàn Masan, Vinmart đóng bớt hơn 700 điểm bán, còn 2.231, tính tới cuối năm 2020. Xét về mạng lưới, BXH chưa thể so sánh với Vinmart khi chưa mở rộng ra miền Bắc.
Thực tế, nhiều đại gia từng nhảy vào mảng bán lẻ này nhưng đã phải rời sân sớm. Đơn cử như Sơn Hà từng tham vọng nhưng sau đó đã phải rút vốn khỏi siêu thị Hiway. Chuỗi siêu thị Fivimart đã bán lại cho Vinmart sau thời gian liên tục lỗ nặng và Aeon buộc phải ngưng hợp tác.
Không chỉ vậy, thương mại điện tử cũng đang giành khách của các cửa hàng bán lẻ khi rau củ quả, thịt cá đã được đưa lên sàn, và giao cho khách chỉ trong 2 giờ tại TP.HCM hay Hà Nội. Theo thống kê, nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Tiki, Lazada, Sendo,... đều tham gia tổ chức bán rau củ quả, thực phẩm cho người dân, trong đợt dịch nhiều sàn bán được sản lượng lên đến hơn 100 tấn mỗi ngày.
Thị trường bán lẻ thực phẩm còn có sự xuất hiện của nhiều chuỗi mới và độ phủ ngày càng rộng như Sói Biển, Bác Tôm, DaLat Mart, Cleverfood, Tâm Đạt Hữu Cơ. Quy mô nhỏ gọn, tối ưu chi phí vận hành, hệ thống cửa hàng tiện ích, chuỗi thực phẩm ngày càng phát huy lợi thế cung cấp nông sản tươi sống ngay tại khu dân cư.
Các đối thủ khác cũng đang đẩy mạnh mở rộng thị trường, đặc biệt là các đại gia ngoại. Đại gia bán lẻ Nhật Bản tại Việt Nam là Aeon cũng có kế hoạch mở rộng tại thị trường Việt Nam. Aeon đã triển khai hệ thống siêu thị vừa và nhỏ Aeon MaxValu tại các khu dân cư trong thành phố cạnh tranh cùng phân khúc với BXH.
Sau khi đổi tên Big C, Central Retail Việt Nam tiếp tục chuyển đổi các siêu thị quy mô vừa, đặt tại các tòa nhà chung cư, nâng cấp thành Tops Market.
Với những diễn biến trên thị trường bán lẻ cho thấy, các doanh nghiệp còn rất nhiều thách thức. Để tồn tại và mở rộng quy mô, họ cần nhiều tiền và sự thích ứng liên tục trong tương lai.