Nguyên tắc 'vàng' khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học 2022
Xã hội - Ngày đăng : 12:06, 19/07/2022
Ảnh minh họa |
Năm 2022, Bộ GD&ĐT điều chỉnh Quy chế tuyển sinh đại học. Theo đó, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển sớm tại các trường đại học, đồng thời sau đó, tiếp tục đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống (Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT hoặc Cổng thông tin dịch vụ công Quốc gia) theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Để tăng cơ hội trúng tuyển đại học, nhiều thí sinh đã sử dụng các phương thức xét tuyển sớm. Tuy nhiên, thí sinh hiểu rõ một số điều để thực hiện đúng.
Theo đó, thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT và được công nhận trúng tuyển theo nguyện vọng cao nhất.
Trên thực tế có những thí sinh dự tuyển bằng nhiều phương thức như xét học bạ, đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển... sẽ được các trường xét tuyển sớm. Nhưng dù đã dự tuyển vào các trường theo kế hoạch xét tuyển sớm thì sau đó vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, hiện nay có tới 20 phương thức xét tuyển đại học với 20 mã khác nhau. Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần tra cứu kỹ thông tin về mã trường, mã tuyển sinh, mã phương thức xét tuyển, mã tổ hợp được cơ sở đào tạo công khai trong đề án tuyển sinh.
20 mã phương thức xét tuyển đại học năm 2022 |
Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của các cơ sở đào tạo trên đề án tuyển sinh và thực hiện các quy định của cơ sở đào tạo về điều kiện, hồ sơ, quy trình, thời gian dự tuyển.
Thí sinh tuyệt đối không đăng ký nguyện vọng vào những ngành, chương trình đào tạo hay phương thức tuyển sinh mà không đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, thí sinh cần khai báo đầy đủ và bảo đảm tính chính xác của tất cả các thông tin đăng ký dự tuyển, đặc biệt là thông tin khu vực và đối tượng ưu tiên (nếu có).
Khi thí sinh chưa xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng hoặc chưa nộp lệ phí xét tuyển thì hệ thống chưa chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh.
Việc áp dụng đăng ký xét tuyển trực tuyến là hình thức mới nên những thí sinh chưa quen với các phương tiện làm việc trực tuyến sẽ gặp khó khăn, nhất là các thí sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.
Nguyên tắc vàng khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển
Theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì có 3 nguyên tắc vàng về đăng ký xét tuyển đại học năm 2022:
Thứ nhất, theo quy chế tuyển sinh thì thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không hạn chế. Vì thế, thí sinh, hãy đặt nguyện vọng yêu thích nhất của mình lên trên, ưu tiên theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Thí sinh lưu ý không ưu tiên đưa lên nguyện vọng 1, 2 những ngành chắc chắn đỗ, vì như vậy sẽ làm giảm quyền lợi của các em. Hãy ưu tiên những ngành các em yêu thích hoặc có sở trường/năng lực tốt nhất.
Thứ hai, các em lưu ý quy chế xét tuyển của các trường (có thể có những giới hạn, điều kiện phụ trong đăng ký xét tuyển), tránh bỏ phí một nguyện vọng.
Thứ ba, nếu một nguyện vọng phía trên bị trượt thì không ảnh hưởng đến các nguyện vọng bên dưới vì các nguyện vọng chỉ căn cứ vào học lực của các em mà thôi.
Hiện nay với hơn 20 phương thức xét tuyển năm nay khiến thí sinh như rơi vào "ma trận", PGS. Nguyễn Phong Điền cho rằng, thực ra từ trước đến nay chỉ có 3 phương thức xét tuyển đại học cơ bản: Xét tuyển bằng hồ sơ học tập hoặc thành tích cá nhân (học bạ THPT, chứng chỉ quốc tế, các giải thưởng...); Xét tuyển dựa trên kết quả của thí sinh tham dự (một lần) kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc kỳ thi riêng khác; Xét tuyển kết hợp các tiêu chí từ hai phương thức trên.
Trong đó, phương thức thứ ba tạo ra những bộ tiêu chí hoặc các phương án xét tuyển đa dạng, đôi khi khá vụn vặt vì có những phương án kèm các tiêu chí mà chỉ rất ít thí sinh đáp ứng.
Việc đưa ra nhiều phương án giúp cho các trường đa dạng hóa nguồn tuyển, tạo cảm giác "yên tâm" đối với mục tiêu tuyển đủ chỉ tiêu cho từng chương trình đào tạo hoặc tuyển được sinh viên phù hợp cho chương trình đào tạo.
“Các em cần có suy nghĩ lạc quan về khả năng trúng tuyển đại học khá rộng mở, bởi vì số lượng chỉ tiêu dự kiến của các trường đủ để đáp ứng với đại đa số học sinh THPT năm cuối có nguyện vọng học đại học.
Các em cũng cần lưu ý rằng sự lựa chọn ngành học phù hợp bản thân và điều kiện gia đình nhưng phải có sự cân bằng giữa năng lực và mong muốn, hãy "liệu cơm gắp mắm" để đạt mục tiêu trúng tuyển của mình”, PGS. TS Nguyễn Phong Điền nói.
* Không copy nội dung bài viết dưới mọi hình thức khi chưa được Infonet chấp thuận bằng văn bản!
Hoàng Thanh