Nữ đại gia kim tiền bị loại khỏi top trụ cột, Bầu Hiển tin vui lên top đầu
Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 07:09, 19/07/2022
Sở GDCK TP.HCM (HoSE) vừa công bố thay đổi thành phần các rổ chỉ số kỳ tháng 7/2022 và rổ mới chính thức có hiệu lực từ 1/8.
Theo đó, cổ phiếu CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung bị loại khỏi rổ cổ phiếu trụ cột trên sàn HOSE VN-30, đúng như dự báo của nhiều công ty chứng khoán. Thay vào đó, cổ phiếu VIB của Ngân hàng Quốc tế của đại gia Đặng Khắc Vỹ lọt vào rổ VN-30.
Với bộ chỉ số VNFinLead, HoSE tăng số lượng cổ phiếu trong rổ này từ 20 lên 22 cổ phiếu, với 2 mã cổ phiếu được thêm mới là Chứng khoán HCM và Ngân hàng SHB của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển).
Như vậy, trong kỳ review tháng 7, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực trang sức vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) của bà Cao Thị Ngọc Dung phải rời khỏi nhóm cổ phiếu trụ cột dù ghi nhận lợi nhuận gần đây tăng khá mạnh.
Tuy nhiên, triển vọng PNJ không còn sáng như trước. Cổ phiếu PNJ đã giảm mạnh từ mức 130.000 đồng/cp hồi cuối tháng 6 xuống 113.000 đồng/cp như hiện tại; xu hướng giảm có thể tiếp diễn khi có một số đánh giá không còn tích cực đối với ngành hàng bán lẻ nói chung, trong đó có bán lẻ vàng bạc đá quý trang sức của bà Cao Ngọc Dung.
Ngành bán lẻ gặp khó khăn khi lạm phát cao tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng.
Theo SSI Research, do lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây. Tăng trưởng lợi nhuận của DigiWorld (DGW) và FPT Retail (FRT) đã đạt đỉnh vào quý IV năm 2021, trong khi PNJ có thể đạt đỉnh vào quý III năm 2022.
Nhóm ngân hàng áp đảo
Cổ phiếu Ngân hàng VIB gần đây tăng trở lại. Nhóm ngân hàng vẫn được đánh giá vẫn có triển vọng tươi sáng. Theo Moody's, lợi nhuận ngân hàng Việt Nam tăng trưởng bất chấp đại dịch và sẽ cải thiện hơn nữa trong năm 2022 nhờ áp lực dự phòng giảm khi nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19.
Trong 2021, các ngân hàng Việt có kết quả tốt bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh.
Trong quý I, lợi nhuận VIB đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 26% so với cùng kỳ và tiếp tục duy trì vị thế top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với ROE đạt 30%. Tại đại hội cổ đông 2022, VIB của ông Đặng Khắc Vỹ đặt kế hoạch lãi hơn 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 và đặt ra mục tiêu tăng trưởng mạnh và kỳ vọng lợi nhuận tỷ USD trong 5 năm tới.
Mốc lợi nhuận tỷ USD trước đây là điều khá xa vời với các doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, sự bứt phá dữ dội về quy mô và dịch vụ của các ngân hàng và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, thép,... đã giúp nhiều doanh nghiệp ghi dấu ấn lợi nhuận tỷ USD trong 2-3 năm qua.
Trong năm khó khăn 2021, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ghi nhận 5 doanh nghiệp đạt mốc lợi nhuận tỷ USD, trong đó có 3 gương mặt mới gồm Techcombank (1 tỷ USD), VPBank (38 nghìn tỷ đồng), Hòa Phát (1,5 tỷ USD).
Hiện tại, nhiều ngân hàng, gồm: TCB, VPB, HDB, ACB, BID, CTG, MBB, STB, TPB, VCB có mặt trong danh sách VN30. Ngân hàng SHB của Bầu Hiển chưa có mặt trong danh sách này, tuy nhiên, trong kỳ lần này, ngân hàng đã vào bộ chỉ số VNFinLead.
Các cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục áp đảo trong các nhóm cổ phiếu trụ cột trên sàn chứng khoán nhờ quy mô vốn lớn và thanh khoản ở mức cao.
Nhiều ngân hàng ước tính lợi nhuận cao trong quý II và có nhiều thuận lợi hơn trong thời gian tới khi mà room tín dụng được nới trở lại. Nguồn thu từ các mảng phi tín dụng, trong đó có dịch vụ (như mảng bảo hiểm) cũng là động lực tốt cho các tổ chức này.
Gần đây, Thủ tướng cho biết sẽ không siết chặt tín dụng bất động sản một cách bất hợp lý.
Trong khi đó, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% dù chịu sức ép lạm phát. NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân theo chương trình phục hồi để có giải pháp điều hành phù hợp.
M. Hà