Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông: Từ lời hứa giản dị đến hành động trấn an

Đối ngoại - Ngày đăng : 18:45, 18/07/2022

Chúng tôi sẽ không bỏ đi và sẽ không để lại khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hay Iran nhảy vào lấp đầy", Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh về chính sách của Mỹ đối với Trung Đông.
Ba bài học quan trọng rút ra từ chuyến thăm của J.Biden đến Trung Đông
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thái tử Mohammed chạm tay trước cung điện hoàng gia ở Jeddah ngày 15/7. (Nguồn: AP)

Can dự tích cực

Sau 18 tháng ở Phòng Bầu dục, ông Joe Biden cuối cùng đã có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Đông trên cương vị tổng thống (từ ngày 13-16/7 bao gồm thăm Israel, Bờ Tây và Saudi Arabia).

Chuyến thăm của ông Biden diễn ra vào một thời điểm quan trọng của tình hình quốc tế. Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã tác động mạnh đến thị trường năng lượng toàn cầu và tạo ra nguy cơ thiếu lương thực trầm trọng ở Bắc Phi và Trung Đông.

Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối phó với hậu quả của đại dịch Covid-19, đồng thời phải hứng chịu lạm phát tràn lan và tăng trưởng kinh tế chậm lại, nếu không muốn nói là tiêu cực.

Iran tiếp tục gia tăng ảnh hưởng khắp khu vực Trung Đông và không thực sự tỏ ra sẵn sàng đàm phán một thỏa thuận mới về chương trình hạt nhân của mình.

Suốt chuyến thăm, ông Biden đã đưa ra các nguyên tắc chính cho sự can dự của Mỹ trong khu vực, bao gồm tăng cường quan hệ đối tác và hỗ trợ khả năng phòng thủ của các quốc gia “tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời ngăn chặn các cường quốc nước ngoài và cường quốc khu vực tìm cách can dự thông qua hành động quân sự và gây nguy hiểm cho quyền tự do hàng hải. Tổng thống Mỹ cho biết Washington cũng sẽ nỗ lực để giảm căng thẳng và chấm dứt xung đột “bất cứ khi nào có thể”.

"Chúng tôi sẽ không bỏ đi và sẽ không để lại khoảng trống cho Trung Quốc, Nga hay Iran nhảy vào lấp đầy" - Hãng tin AFP dẫn lại lời Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh với lãnh đạo các nước Arab ở thành phố Jeddah, Saudi Arabia ngày 16/7.

Tổng thống Biden cũng thúc giục các nhà lãnh đạo Arab coi nhân quyền là động lực mạnh mẽ của sự thay đổi kinh tế và xã hội. "Nước Mỹ đầu tư xây dựng một tương lai tích cực của khu vực, với sự hợp tác của tất cả các bạn. Và Mỹ sẽ không đi đâu cả!", ông Biden nói với các nhà lãnh đạo Arab trong bài phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh.

Chính quyền Mỹ đã cảnh báo về mối quan hệ ngày càng gia tăng giữa Nga và Iran. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết Mỹ có thông tin tình báo cho thấy Chính phủ Iran đang chuẩn bị chuyển giao cho Nga vài trăm máy bay không người lái (UAV), bao gồm cả UAV có khả năng mang vũ khí.

Nhà Trắng đã công bố 3 bức ảnh chụp Shahed-191 và Shahed-129 có khả năng mang tên lửa dẫn đường chính xác. Tại cuộc họp báo ngày 16/7, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết: “Nga thực sự đang đặt cược vào Iran. Chúng tôi đang đặt cược vào một khu vực Trung Đông hội nhập hơn, ổn định hơn, hòa bình hơn và thịnh vượng hơn”.

Trong chuyến thăm Trung Đông của Tổng thống Biden, đã có rất nhiều chủ đề được thảo luận.

Phải thừa nhận rằng chuyến thăm Trung Đông của ông Biden đã rất kịp thời. Cuộc gặp của ông với Thái tử Mohammed bin Salman dự kiến kéo dài 1 tiếng rưỡi nhưng thực tế là 3 tiếng. Các quan chức Mỹ và Saudi Arabia đã ký 18 thỏa thuận về các vấn đề khác nhau, bao gồm thăm dò không gian, năng lượng và đầu tư.

Những điều cần rút ra

Có lẽ có hai điều mà ông Biden có thể rút ra được từ chuyến công du lần này.

Đầu tiên, có lẽ ông Biden sẽ nhận thấy được rằng người tiền nhiệm của ông đã làm rất tốt trong việc thúc đẩy sự ổn định và lợi ích quốc gia của Mỹ ở khu vực này.

Một ví dụ về điều này là Hiệp ước Abraham (giữa UAE, Bahrain và Israel). Phải mất nhiều tháng sau khi bước vào Nhà Trắng, các quan chức trong chính quyền Biden mới thừa nhận sự tồn tại của các hiệp định dù hiếm khi đưa ra lời khen ngợi nào dành cho các hiệp định đó.

Tuy nhiên, hiện nay đã có sự chấp nhận rộng rãi trong chính quyền Biden và ngay cả chính ông rằng sáng kiến từ thời cựu Tổng thống Donald Trump này đã mang lại sự biến đổi trong khu vực.

Điều quan trọng là chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện tăng cường củng cố Hiệp ước Abraham và nỗ lực làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa Israel và các nước láng giềng Arab.

Thứ hai, chuyến thăm giúp ông Biden nhận ra mối đe dọa thực sự của Iran đối với sự ổn định khu vực. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Biden thường xuyên phê phán việc chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) và hạ thấp mối đe dọa từ Iran.

Ông Biden kể từ đó đã vận động để Mỹ khôi phục thỏa thuận hạt nhân còn thiếu sót với Iran. Tuy nhiên, đã 18 tháng kể từ khi bước vào Phòng Bầu dục và Mỹ không tiến gần hơn đến việc đồng ý với một thỏa thuận mới với Iran.

Ngay từ đầu ông Biden đã phủ nhận mối đe dọa Iran, hy vọng chuyến đi sẽ khiến ông nhận ra một thỏa thuận hạt nhân mới và có ý nghĩa với Iran sẽ gần như là không thể đạt được. Sự cần thiết phải cứng rắn hơn với Iran đã được nêu rõ trong các cuộc gặp của ông với những người đồng cấp Saudi Arabia và Israel.

Chính quyền Tổng thống Biden sẽ công bố Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) trong những tuần tới. Tọng tâm của NSS được xem là hướng tới Trung Quốc và Nga.

Câu hỏi lớn vẫn là chính quyền ông Biden sẽ tiếp cận Trung Đông như thế nào trong tài liệu chiến lược này. Liệu chính quyền của ông Biden có tiếp tục né tránh Iran hay phát triển một chính sách nhằm đẩy lùi chương trình hạt nhân của nước này, đồng thời củng cố và trấn an các đối tác của Mỹ trong khu vực? Hãy cùng chờ đợi câu trả lời khi NSS được công bố!

Phương Hà