Bác sĩ thôi việc, bỏ bệnh viện công: Đâu là lời giải?
Tin Y tế - Ngày đăng : 11:19, 18/07/2022
Những con số buồn
Con số nêu trên được Bộ Y tế đưa ra đã phần nào nói lên làn sóng bỏ việc, thôi việc, “chạy” khỏi bệnh viện công của lực lượng cán bộ ngành y hiện nay. Chưa khi nào ngành y lại phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân sự lớn đến như vậy.
Điều đáng nói, số lượng y, bác sĩ, cán bộ y tế bỏ việc, thôi việc, bỏ bệnh viện công ở những khu vực mật độ dân số cao.
Tại TPHCM, vấn đề quan ngại nhất lúc này là TPHCM đang thiếu hụt về nhân lực, đối mặt với một bộ phận nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch. Bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM - cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, đã có 874 nhân viên y tế có đơn xin nghỉ việc. Trước đó, năm 2021 đã có hơn 1.154 cán bộ, nhân viên y tế tại thành phố xin rời khỏi ngành vì áp lực công việc. Tổng cộng đã có 2.028 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 473 bác sĩ và 1.001 điều dưỡng (chiếm khoảng 5% tổng số nguồn nhân lực y tế của thành phố). Theo đà này, số nhân viên y tế bỏ việc trong năm 2022 dự kiến sẽ cao hơn năm 2021 nếu như không có giải pháp thoả đáng.
Tại Hà Nội, con số cũng đáng báo động: Năm 2021, toàn ngành y tế Hà Nội có 532 người xin nghỉ việc và 82 người xin chuyển công tác; từ tháng 1-4.2022, có 226 người nghỉ việc và 17 người xin chuyển công tác.
Tương tự, tại Đà Nẵng có 322 nhân viên y tế xin nghỉ việc với 141 bác sĩ, 24 kỹ thuật y và 96 trường hợp làm công việc liên quan đến y tế.
Lương thấp có phải là nguyên nhân chính?
Lý giải cho làn sóng này, nguyên Vụ trưởng vụ pháp chế Bộ Y tế, ông Nguyễn Huy Quang đưa ra 7 lý do. Trong đó lý do đầu tiên là thu nhập thấp của các cán bộ y tế bệnh viện công. Trên tờ Sức khoẻ đời sống, ông Huy dẫn chứng: “Với mức lương khoảng 5-7 triệu đồng không thể khiến họ yên tâm công tác, yên tâm cống hiến được.
Trong khi đó, người giúp việc hiện nay có mức lương khoảng 7-10 triệu đồng, người phụ hồ với mức chi trả hơn 300 nghìn/ngày công, cũng có số thu nhập 9-10 triệu đồng/tháng”.
Tâm sự với Lao Động, một bác sĩ tại Đồng Nai nói: “Thu nhập của tôi chỉ gồm tiền lương hằng tháng khoảng 5 triệu đồng, cộng với tiền trực đêm một tháng được thêm khoảng 1 triệu đồng và tiền xếp loại A, B, C cuối tháng được nhận thêm 200.000 đồng, thì tổng mới hơn 6 triệu đồng/tháng, thì không đủ sống”.
Một bác sĩ để được công nhận và làm việc tại bệnh viện trải qua qua trình đào tạo, lâu dài và cập nhật kiến thức y khoa liên tục nhưng sau hàng chục năm, thu nhập còn kém giúp việc, phụ hồ là điều phi lý.
Thậm chí, một bạn đọc của Lao Động cho rằng: “Sai lầm lớn nhất của cuộc đời là bán đất để cho hai con học ngành y. Sau 6 năm thì miếng đất tăng giá 6-7 lần trong khi hai con ra trường, đi làm thu nhập chưa đến 7 triệu/tháng”.
Bất cập về chính sách
Trong cơ cấu lương của cán bộ y tế hiện nay, riêng về chế độ phụ cấp vẫn thực hiện theo Nghị định 56/2011/NĐ-CP ban hành từ năm 2011. Theo đó, mức phụ cấp ưu đãi cao nhất là 70% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc xét nghiệm, khám, điều trị, chăm sóc người bệnh HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần; Giám định pháp y, pháp y tâm thần, giải phẫu bệnh lý.
Mức phụ cấp 60% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm các công việc khám, điều trị, chăm sóc người bệnh cấp cứu, hồi sức cấp cứu, cấp cứu 115, truyền nhiễm; Xét nghiệm, phòng chống bệnh truyền nhiễm; Kiểm dịch y tế biên giới. Mức phụ cấp 50% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp khám, điều trị, chăm sóc, phục vụ người bệnh gây mê hồi sức, điều trị tích cực, nhi, chống độc, bỏng và da liễu.
Mức phụ cấp 40% áp dụng đối với công chức, viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng; xét nghiệm; khám bệnh, chữa bệnh; kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc người bệnh, phục hồi chức năng; giám định y khoa; y dược cổ truyền; dược, mỹ phẩm; an toàn vệ sinh thực phẩm, trang thiết bị y tế; sức khỏe sinh sản tại các cơ sở sự nghiệp y tế công lập và tại các cơ sở điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người khuyết tật đặc biệt…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP, trong đó đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40-70% lên mức 100%.
Hồi tháng 6.2022, Công đoàn nghành y tế cũng đã có kiến nghị sửa đổi Nghị định 56. Theo đó, Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính Phủ, cán bộ y tế được hưởng mức độ từ 20-70% chế độ phụ cấp ưu đãi nghề. Rất nhiều đối tượng lao động làm việc trong điều kiện môi trường độc hại bệnh viện, vẫn phải tiếp xúc với người bệnh, mầm bệnh nhưng lại không được hưởng phụ cấp này. Vì vậy, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị quan tâm nâng phụ cấp ưu đãi nghề lên 100% và mở rộng một số đối tượng người lao động trong ngành y tế cùng được hưởng Phụ cấp ưu đãi nghề.
Nhưng phụ cấp cũng chưa phải là vấn đề khi mà dù có nâng lên mức 100% thì thu nhập ở bệnh viện công vẫn thấp hơn rất nhiều so với bệnh viện tư.
Bất cập thứ hai, được chỉ ra, đó là mức lương khởi điểm của y bác sĩ mới ra trường không hấp dẫn.
Theo Nghị quyết 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị, nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức, có cơ chế đào tạo đặc thù. Thế nhưng, Công đoàn Y tế đã chỉ ra: “Riêng đối với bác sĩ, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm so với các ngành khác thời gian đào tạo chỉ là 4 năm. Tuy nhiên, phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1.
Các ngành khác, chế độ tiền lương chỉ trả sau 4 năm đại học mức lương khởi điểm là 2,34. Đây là một bất cập, đề nghị chế độ chính sách tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y, được áp dụng mức khởi điểm tương đương bậc 2 là 2,67”.
Lời giải
Đầu tiên là phải tìm cách xoá bỏ những bất cập về chính sách như nói ở trên, cụ thể nhanh chóng sửa Nghị định 56 như yêu cầu của Chính phủ, kiến nghị mức lương khởi điểm, thậm chí tạo một cơ chế đặc thù có lực lượng y bác sĩ khu vực công.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho rằng: “Sắp tới khi Quốc hội thông qua việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh, cần tập trung vào việc nâng lương. Đặc biệt, phải trả tiền đúng với công sức trực đêm của nhân viên y tế, thay vì cho rằng đây là đặc thù nghề nghiệp và “trả cho có”. Ngoài ra, có thể tạo điều kiện cho y bác sĩ làm ngoài giờ, làm dịch vụ để cải thiện thêm thu nhập.
Trong khi đó, Sở Y tế Bình Dương kiến nghị Chính phủ có chế độ chính sách cho cán bộ các bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng. Cụ thể tăng lương, phụ cấp với mức lương ban đầu đảm bảo 3 lần mức lương cơ sở vùng 1 (13,26 triệu đồng/tháng) với bác sĩ; 1,5-2 lần mức lương cơ sở vùng 1 (6,6-8,8 triệu đồng/tháng) cho điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ tiếp nhận việc ban đầu tại tuyến y tế cơ sở.
Tại Đồng Nai, PGĐ Sở Y tế Lê Quang Trung đưa ra giải pháp: “Cần nhất là phải có cơ chế thoáng hơn, giao quyền tự chủ lớn hơn, rõ ràng hơn cho các bệnh viện, như: Tự chủ giá viện phí, tự chủ nhân sự, từ đó các bệnh viện tư phát triển xây dựng giá viện phí phù hợp, xây dựng giá trị thương hiệu thu hút bệnh nhân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao thu nhập mới giữ chân bác sĩ được.
Tại lễ công bố quyết định giao quyền bộ trưởng Bộ Y tế cho bà Đào Hồng Lan ngày 15.7, Thủ tướng Chính phủ đã giao một số nhiệm vụ cho quyền Bộ trưởng, một trong số đó là: “Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế các tuyến. Xây dựng, đề xuất các chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp, chăm lo hơn nữa đời sống cán bộ, nhân viên”.
Kỳ vọng rất nhiều đối với tân “tư lệnh” ngành y, trong đó câu chuyện ngăn chặn làn sóng bác sĩ thôi việc, bỏ bệnh viện công chính là một trong những vấn đề nóng nhất, cần giải quyết sớm nhất.
Những yếu tố khiến làn sóng bỏ việc, rời bỏ bệnh viện công tăng cao
1. Lương của cán bộ y tế quá thấp, các chính sách đãi ngộ chậm thay đổi.
2. Áp lực công việc nặng nề, an toàn nghề nghiệp chưa đảm bảo.
3. Môi trường làm việc tại bệnh viện công chưa khích lệ, động viên được lực lượng y bác sĩ.
4. Trang thiết bị, vật tư y tế bệnh viện công thiếu.
5. Cơ hội được đào tào chuyên sâu, thăng tiến trong ngành tại bệnh viện công không bằng bệnh viện tư.