Rồng Komodo suýt "chết nghẹn" vì gắng nuốt con mồi quá lớn

Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 08:37, 18/07/2022

Con dê với kích thước quá lớn, đã khiến chú rồng Komodo gặp nhiều khó khăn trong lúc xoay xở tìm cách nuốt chửng kẻ địch.

Rồng Komodo suýt "chết nghẹn" vì nuốt mồi quá lớn

Một video được chia sẻ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng, khi con rồng Komodo xoay xở tìm cách nuốt chửng một con dê núi to lớn trước sự kinh hãi của người xem.

Đoạn video bắt đầu với cảnh một chú rồng Komodo tiến tới xác của một con dê núi đã hoàn toàn bất động, và bắt đầu tìm cách để ăn thịt con mồi. Người ghi lại đoạn video cho biết con dê đã bị dính cú đớp của rồng Komodo vài giờ trước đó, và giờ đây đó đã bị tê liệt hoàn toàn do chất độc từ loài vật này.

Có thể thấy rằng con dê có kích thước không hề nhỏ, thế nhưng thay vì cắn xé con mồi như đa số trường hợp, rồng Komodo lại tìm cách để "nuốt chửng" giống như cách mà loài trăn thường làm.

Quyết định này đã khiến cho nó gặp nhiều khó khăn, do kích thước của con dê là quá lớn. Mặc dù đã mở miệng rộng hết cỡ và dùng đủ mọi cách, song rồng Komodo chỉ nuốt được một phần thân dưới của con dê, còn phần trên đã bị "mắc kẹt" bên ngoài trong nhiều giờ đồng hồ.

Rồng Komodo suýt chết nghẹn vì gắng nuốt con mồi quá lớn - 1

Cấu tạo đặc biệt của bộ hàm và hệ tiêu hóa giúp rồng Komodo có thể nuốt chửng con mồi to lớn mà vẫn "sống khỏe".

Rồng Komodo (tên khoa học: Varanus komodoensis) là một loài thằn lằn lớn thường được tìm thấy trên các đảo của Indonesia. Chúng là thành viên của Chi Kỳ đà thuộc họ Varanidae, và là loài thằn lằn lớn nhất còn sống sót, với chiều dài cơ thể có thể đạt tối đa 3m, và nặng khoảng 70kg.

Rồng Komodo là những thợ săn hung dữ đến mức chúng có thể ăn những con mồi rất lớn, chẳng hạn như trâu nước lớn, hươu, nai, lợn và thậm chí cả con người. Tuy nhiên, chúng không truy đuổi con mồi, mà chỉ phục kích, rồi tung ra những cú cắn chớp nhoáng.

Những vết cắn của rồng Komodo sẽ khiến con mồi phải gục ngã vì nhiễm chất độc chứa trong nước bọt của chúng. Chất độc này sẽ ngăn chặn không cho con mồi còn khả năng đông máu, đồng thời gây tê liệt thần kinh, khiến con mồi nhanh chóng mất máu và quỵ ngã.

Cách đi săn này giúp rồng Komodo không cần mất công truy đuổi, giúp chúng vừa giảm thiểu rủi ro và cũng không cần bỏ ra quá nhiều thể lực. Bên cạnh việc xé nhỏ miếng mồi, rồng Komodo còn có khả năng nuốt chửng những con vật xấu số bị chúng chọn làm mục tiêu.

Tuy nhiên khi làm điều này, rồng Komodo sau đó thường phải lê mình đến vị trí có nắng để tăng tốc độ tiêu hóa. Nguyên nhân là bởi thức ăn trong dạ dày chúng có thể thối rữa và gây ngộ độc cho rồng nếu để quá lâu. Theo một tính toán, loài vật này có thể ăn tới 80% trọng lượng cơ thể của nó trong một bữa ăn.

Minh Khôi