Giá vàng tuần tới: Làn sóng bán tháo đến bao giờ?
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 08:43, 17/07/2022
Trong tuần này, giá vàng miếng SJC cũng giảm theo đà giảm của giá vàng quốc tế, từ mức 68,5 triệu đồng/lượng xuống mức 67,9 triệu đồng/lượng. Ảnh: Quốc Tuấn
Trong tuần này, giá vàng quốc tế giảm khoảng 2%, đây là tuần giảm thứ 5 liên tiếp của giá vàng và cũng là điều chưa xảy ra trên thị trường vàng trong vòng 7 năm qua. Theo đó, giá vàng đã giảm từ mức 1.745USD/oz xuống 1.697USD/oz và đóng cửa ở mức 1.707USD/oz.
Tại thị trường vàng Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng giảm theo đà giảm của giá vàng quốc tế, từ mức 68,5 triệu đồng/lượng xuống mức 67,9 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với giá vàng quốc tế quy đổi.
Sở dĩ giá vàng quốc tế tiếp tục giảm mạnh do: Thứ nhất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Mỹ tiếp tục tăng vọt lên mức đỉnh cao mới là 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là mức cao nhất trong 41 năm qua, do giá dầu, lương thực tiếp tục tăng mạnh.
CPI tiếp tục tăng mạnh đã khiến giới đầu tư kỳ vọng FED sẽ tăng thêm khoảng 100 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, chứ không phải là 75 điểm phần trăm lãi suất cơ bản trong cuộc họp cuối tháng 7 này. Điều này đã đẩy USD-Index tiếp tục leo lên đỉnh cao mới trong 20 năm, đồng thời cũng khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh. Kỳ vọngFED tăng lãi suất càng tăng cao, càng làm giảm sự hấp dẫn của các tài sản phi lãi suất như vàng… trong ngắn hạn.
Thứ hai, nỗi lo suy thoái kinh tế, thậm chí làlạm phátđình đốn vẫn tiếp tục gia tăng, nhất là khi đường cong lợi suất trái phiếu đã bắt đầu đảo ngược (lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm). Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại suy thoái kinh tế sẽ tiếp tục làm giảm hơn nữa nhu cầu vàng vật chất vốn đang ở mức thấp do Ấn Độ tăng mạnh thuế nhập khẩu vàng và Trung Quốc áp dụng chính sách zero- Covid kéo dài.
Thứ ba, trạng thái mua vàng trên sàn Comex hiện đã ở mức thấp nhất trong 3 năm qua. Điều này cho thấy các nhà đầu tư chưa thực sự kỳ vọng giá vàng sẽ phục hồi trong ngắn hạn, nên nhu cầu đầu tư có thể sẽ vẫn ở mức thấp và làn sóng bán tháo có thể tiếp tục.
Thứ tư, các quỹ đầu tư ETFs cũng đã và đang liên tục bán tháo vàng. Riêng trong tuần này, số lượng vàng mà các quỹ ETFs bán lên tới 29 tấn. Giao dịch của các ETFs thường được ví như “phong vũ biểu” trên thị trường vàng, nên động thái bán tháo của các quỹ đã kích hoạt hành động tương tự của các nhà đầu tư.
Giá vàng tuần tới có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, nỗi lo lạm phát và suy thoái có thể sẽ chỉ tác động tiêu cực đến giá vàng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, điều này lại tác động tích cực đến giá vàng, vì nó làm tăng vai trò trú ẩn của vàng.
Ông Colin, Chuyên gia phân tích ngoại hối độc lập cũng cho rằng, trong ngắn hạn giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh. Nếu không giữ được mức 1.677USD/oz, thì giá vàng có thể xuống 1.650USD/oz, thậm chí giảm xuống sát 1.600USD/oz. Đây là vùng giá hấp dẫn trong trung và dài hạn, nên có thể sẽ có nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ ETFs, mua vào.
Theo phân tích kỹ thuật, các chỉ số Stochastic, RSI… cho thấy hiện giá vàng đã nằm sâu trong vùng vượt bán trên biểu đồ ngày. Còn trên biểu đồ tuần, giá vàng cũng đã bắt đầu chạm vùng vượt bán. Dù vậy, chỉ số ADX, MACD… vẫn đang cho thấy xu hướng điều chỉnh còn tiếp diễn. Do đó, nhiều khả năng giá vàng tuần tớisẽ thách thức mức hỗ trợ 1.677USD/oz- mức mà giá vàng đã 3 lần không phá vỡ trong năm 2021.
Nếu trụ vững trên mức 1.677USD/oz, thì giá vàng tuần tới sẽ phục hồi trở lại và thách thức vùng 1.800USD/oz. Tuy nhiên, giá vàng ngắn hạn cần đóng cửa trên 1.845USD/oz, thì mới cơ nguy cơ thoát giai đoạn điều chỉnh hiện nay. Ngược lại, nếu bị đẩy xuống dưới 1.677USD/oz, thì giá vàng tuần tới có nguy cơ xuống 1.600- 1.650USD/oz.
Theo DDDN