Tương lai bóng đá châu Âu ra sao khi Super League ‘quyết đấu’ UEFA
Câu chuyện thể thao - Ngày đăng : 07:00, 17/07/2022
Như đã biết, nhóm tổ chức Super League gồm 12 CLB hàng đầu châu Âu quyết tâm ‘ly khai’ và tổ chức một giải đấu mà họ cho rằng sẽ mang đến quyền lợi về tài chính nhiều hơn cho các đội bóng, thay vì trông chờ vào Champions League lẫn quyền điều hành thuộc về UEFA.
Super League không được ủng hộ
Mỉa mai thay, chính các CĐV của các “nhà sáng lập” trên lại phản đối gay gắt, thậm chí biểu tình và cả bạo động. Chính phủ Anh đã can thiệp mạnh đến mức 6 CLB Anh đã tự nguyện rút lui khỏi nhóm, chấp nhận bị phạt nặng. Chỉ còn Real và Juventus “kiên định lập trường” và đại diện nhóm này kiện UEFA ra tòa ECJ có trụ sở ở Luxembourg.
Trong 2 ngày diễn ra vụ kiện (11-12/7/2022), mọi thứ vẫn chưa đi đến đâu và dự kiến đến tháng 12/2022 quyết định cuối cùng mới có. Dù vậy, các nhà quan sát nhận định kết quả của vụ kiện này được cho là sẽ có ảnh hưởng quan trọng tới diện mạo bóng đá, như cái cách mà vụ Bosman từng đặt ra vào giữa thập niên 90. ECJ chính là nơi đã đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện nổi tiếng này.
Trở lại với diễn biến tại Luxembourg, thay vì 3-5 thẩm phán như kế hoạch ban đầu, ECJ đã phải bố trí một hội đồng gồm 15 thẩm phán. EU và tất cả 27 thành viên, cũng như cả Iceland và Na Uy đều ủng hộ UEFA, FIFA. Các văn bản cần thiết được cho là đã gửi đầy đủ lên tòa án, bao gồm những văn bản đến từ 16 quốc gia thành viên của EU. Một số thành viên lớn của EU cho biết họ muốn đưa ra những tuyên bố bằng lời nói ủng hộ việc duy trì nguyên trạng, tức là giữ nguyên hiện trạng Champions League và các giải đấu khác thuộc UEFA.
Trong thư giới thiệu từ tòa án Madrid (nơi Super League đệ đơn kiện đầu tiên) tới ECJ có nêu rõ: “Bằng cách ngăn cản Super League, UEFA và FIFA đã có liên quan và lạm dụng vị thế thống trị của mình trên thị trường tổ chức các giải đấu quốc tế cấp CLB tại châu Âu, cũng như thị trường marketing về các quyền liên quan đến những giải đấu đó”. Tòa án Madrid cũng liệt kê ra 6 câu hỏi chủ chốt liên quan đến luật EU với mong muốn ECJ sẽ xem xét và làm rõ.
“Sư nói sư phải…”
Lập trường của UEFA về việc cấm Super League vẫn là giữ ‘tôn chỉ mục đích’ của mình. Các luật sư của tổ chức điều hành bóng đá châu Âu cho rằng bóng đá là của châu Âu chứ không phải một nhóm các đội bóng. Super League thực chất là lòng tham không đáy của các CLB lớn, nơi họ sẽ được chia phần lớn miếng bánh bản quyền truyền hình, tiền giải và quảng cáo chứ không phải các CLB nhỏ đến từ Đan Mạch, Serbia hay Moldova v..v.
Đại diện UEFA lập luận: “Việc theo đuổi ý tưởng Super League là sự sỉ nhục các nguyên tắc dân chủ và quy chế tài năng vốn được cổ súy và đề cao không chỉ trong thể thao mà cả dưới góc độ phát triển xã hội châu Âu. Nền tảng vận hành và tồn tại từ khi ra đời đến nay của UEFA dưa trên các giá trị cốt lõi đó. Sự ra đời của một tổ chức ‘ngoại lai’ tiềm ẩn nguy cơ khôn lường và nghiêm trọng cho giá trị cốt lõi về hòa hợp, đoàn kết và lợi ích của các nền bóng đá. Những giá trị tốt đẹp của một tổ chức chung sẽ biến thành mô hình giải trí khép kín mà lợi nhuận tạo ra chỉ phục vụ độc quyền cho một nhóm không chịu trách nhiệm công khai. Đó là sự vô lý”.
Các luật sư của UEFA minh chứng về “lòng tham” của nhóm Super League thông qua sự thao túng của nhóm giới chủ Mỹ tại các CLB Man United và Man City. Tức là mô hình khép kín “kiểu Mỹ” nhằm đạt được mục đích của các chủ sở hữu vốn không hiểu biết nhiều về các giá trị cốt lõi của châu Âu.
Luật sư Donald Slater lập luận một giải đấu của riêng các CLB giàu nhất là không phù hợp với mô hình thể thao châu Âu. UEFA chỉ sử du6ng 6,5% doanh thu (khoảng 190 triệu euro) mỗi mùa cho quảng bá và phát triển bóng đá châu Âu, phần còn lại chia cho các đội bóng.
UEFA cũng dẫn tuyên bố của huyền thoại bóng đá Pháp Eric Cantona để đưa ra kết luận: “Bạn không thể trở thành nhà vô địch nếu không tranh đấu’. Là một cơ quan quản lý thể thao, UEFA thực hiện các chức năng được giao cho mình theo cách công bằng, luôn theo đuổi các nguyên tắc cơ bản của thể thao lẫn trong xã hội châu Âu. Sự cạnh tranh phải dành cho tất cả. Kết quả đến từ nỗ lực lao động, không từ tiền bạc”.
“… vãi nói vãi hay”
Lý lẽ mà các luật sư của nhóm Super League đưa ra là mô hình quản trị bóng đá thế giới đã bị phá hoại bởi UEFA và FIFA, thông qua việc vừa đá bóng (tổ chức các giải đấu) vừa thổi còi (vai trò quản lý). Các giải đấu tổ chức kém, thể hiện sự tham lam và không hấp dẫn như hứa hẹn. Nhóm cho rằng nguyên nhân của xung đột lợi ích đã khiến việc quản trị của hai tổ chức này thiếu minh bạch và yếu kém. Câu hỏi mà nhóm đặt ra là tại sao không tách rời quyền tổ chức và vai trò điều hành?
Super League ví dụ cách UEFA ưu ái, không xử phát Chủ tịch PSG kiêm chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu, ông Nasser Al-Khelaifi hồi tháng 5 vừa qua. Ông Al Khelaifi đã “làm loạn” trong đường hầm sân Bernabeu sau khi PSG thua Real ở Champions League mà không bị phạt.
Luật sư Miguel Odriozola của Super League cho rằng chính xung đột lợi ích của UEFA, vốn xuất phát từ vai trò quản lý kiêm độc quyền thương mại, sẽ dẫn tới việc tổ chức này không bao giờ ủy quyền cho một đơn vị khác. Điều này đồng nghĩa rằng các CLB, vốn cũng có quyền tổ chức, nghiễm nhiêm trở thành đối thủ cạnh tranh. “Sự vô lý đã tồn tại trong nhiều thập kỷ qua, UEFA đã ra các phán quyết bằng sự áp đặt độc đoán và đe dọa bất kỳ CLB nào có khả năng làm ảnh hưởng đến sự độc quyền của họ. Tự thân các hành động của chúng tôi là tiếng nói tố cáo UEFA”.
Bóng đá châu Âu sẽ ra sao?
Sau phiên điều trần này, dự kiến đến 2023 phán quyết cuối cùng mới được ECJ đưa ra nhưng giữa tháng 12/2022, cơ quan này sẽ công bố quan điểm. Theo thông lệ, nội dung của các ý kiến này gần như sẽ là nội dung của phán quyết cuối cùng, điều vẫn hay xảy ra trong các phiên xử khác của ECJ.
Theo Reuters, TS Katarina Pijetlovic, nhà pháp lý thể thao người Anh, nhận định: “Đến năm sau phán quyết cuối cùng mới công bố. Tôi nghĩ cả hai bên sẽ vừa thắng, vừa thua. UEFA gần như chắc chắn vẫn sẽ duy trì được quyền quản lý của mình, nhưng sẽ bị tòa án chỉ định và đưa ra các tiêu chí cũng như điều kiện cấp phép tổ chức các giải đấu. Các giải đấu thay thế, về mặt kỹ thuật là hoàn toàn hợp pháp. UEFA có thể có quyền độc quyền điều hành, nhưng không được độc quyền thương mại. Mặt khác, các CLB ly khai cũng đã tự bắn vào chân mình với ý tưởng về một giải đấu khép kín kiểu Mỹ, vì điều này vốn không phù hợp với luật cạnh tranh của EU hay chính sách thể thao của châu Âu.”