Nhiều trẻ hôn mê, biến chứng nặng vì chưa tiêm vắc xin phòng viêm não
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 20:08, 16/07/2022
Hiện Trung tâm đang điều trị 25 bệnh nhân viêm não, viêm màng não do các căn nguyên khác nhau, trong đó có năm trường hợp đã khẳng định và một ca nghi ngờ mắc viêm não Nhật Bản.
Bệnh nhi N.V.M. (9 tuổi, tỉnh Thái Nguyên) rơi vào tình trạng hôn mê, phải thở máy, tiên lượng để lại nhiều di chứng ngay cả khi vượt qua cơn nguy hiểm. Trước đó, sau trận sốt cao li bì, không đáp ứng với thuốc, M. được gia đình đưa tới trạm xá rồi bệnh viện tuyến huyện nhưng tình trạng không thuyên giảm. M. dần rơi vào tình trạng lơ mơ, giảm ý thức và được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.
Kết quả chẩn đoán cho thấy, M. đã mắc viêm não Nhật Bản. Điều đáng nói, khi khai thác tiền sử tiêm chủng của bệnh nhi, cha mẹ cậu bé chỉ nhớ mơ hồ đã cho con đi tiêm phòng theo chương trình Tiêm chủng mở rộng, có thể trong đó đã có mũi phòng viêm não Nhật Bản. Chỉ có điều chắc chắn là M. đã không tiêm nhắc lại vắc xin theo khuyến cáo.
Bệnh nhi P.T.T. mới 5 tuần tuổi đã phải nhập viện vì viêm não, viêm màng não do vi khuẩn, phải thở máy. Dù đã cai được thở máy, nhưng bác sĩ điều trị cho hay, tương lai của em còn rất nhiều khó khăn do phải đối mặt với nhiều vấn đề như giãn não thất và các di chứng khác.
TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho hay: So với các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Nguyên nhân trẻ mắc bệnh, ở hầu hết các trường hợp là do phụ huynh quên lịch tiêm nhắc lại vắc xin viêm não Nhật Bản cho con sau khi hoàn thành những mũi tiêm cơ bản lúc hai tuổi.
Bác sĩ Hải cũng cảnh báo, khi trẻ bị sốt, các phụ huynh thường nghĩ đến sốt virus và mua thuốc hạ sốt cho con uống. Một triệu chứng khác là trẻ nôn khan, nhiều bà mẹ lại nghĩ trẻ bị rối loạn tiêu hóa hoặc ho. Vì thế, nhiều người cho trẻ uống men tiêu hóa, uống thuốc ho.
Tuy nhiên, đây có thể là các dấu hiệu của bệnh viêm não. Việc các bà mẹ không nhận ra, đợi đến khi trẻ có các biểu hiện điển hình như đau đầu dữ dội, sốt cao, co giật mới đưa đến viện khiến việc điều trị khó khăn và có thể để lại di chứng. Di chứng nặng nề nhất của trẻ khi mắc viêm não là ảnh hưởng đến vận động và thần kinh, hoặc hô hấp.
Do đó, bác sĩ Đỗ Thiện Hải khuyến cáo phụ huynh nên lưu ý cho con tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng viêm não Nhật Bản. Mũi 1 tiêm khi trẻ được một tuổi, mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần, mũi 3 tiêm sau một năm tiêm mũi 2. Sau đó, trẻ nên tiêm nhắc lại sau 3-4 năm đến khi 15 tuổi.
Bệnh viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của não gây ra do virus viêm não Nhật Bản, lây truyền qua đường trung gian muỗi đốt.
Tỉ lệ tử vong ở những người bị viêm não Nhật Bản khá cao, có thể lên tới 30%. Nếu may mắn còn sống, bệnh có thể để lại nhiều di chứng vĩnh viễn. Hiện tại, viêm não Nhật Bản không có điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng, hỗ trợ bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lí trị liệu khi có di chứng với chi phí rất tốn kém.
Còn viêm màng não là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Viêm màng não do não mô cầu gây ra bởi vi khuẩn N. meningitidis gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có thể xảy ra ở bất kì ai, ở mọi lứa tuổi nhưng đối tượng dễ mắc là ở trẻ sơ sinh, trẻ em mẫu giáo và thanh thiếu niên.
Đây là là bệnh truyền nhiễm cấp tính, tiến triển rất nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỉ lệ từ 10-20%. Tỉ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%, thậm chí có thể lên đến 50% khi không được điều trị kịp thời.