Tàu chiến Mỹ "thưa nhạt" ở Biển Đông nhưng chính sách có thay đổi?

Đối ngoại - Ngày đăng : 17:46, 16/07/2022

Ngày 13/7/2022, Hạm đội 7 của hải quân Mỹ thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan bắt đầu hoạt động tại Biển Đông. Cùng ngày, Mỹ điều tàu khu trục USS Benfold tới thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) tại Hoàng Sa. Tần suất các hoạt động này trong năm 2022 có giảm so với năm 2021. Liệu điều này có phải tín hiệu cho thấy thay đổi trong chính sách của Mỹ tại Biển Đông?

Tần suất hoạt động giảm

Về hoạt động của tàu Reagan, đây là lần thứ hai Mỹ điều tàu sân bay vào Biển Đông năm 2022 (trước đó, Mỹ nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu đổ bộ USS Essex vào Biển Đông ngày 14/1). Đây cũng là lần đầu tiên USS Reagan hoạt động tại Biển Đông trong năm nay.

So với năm ngoái, hoạt động của tàu sân bay Mỹ tại Biển Đông giảm đáng kể. Năm 2021, Mỹ điều tàu chiến vào Biển Đông thường xuyên hơn với ít nhất 6 lần (USS Roosevelt ngày 23/1 và 6/4, USS Ronald Reagan ngày 15/6, USS Carl Vinson đầu tháng 9, USS Reagan ngày 24/9 và USS Carl Vinson cuối tháng 10). Tàu Reagan cũng xuất hiện thường xuyên hơn dù bị trưng dụng để hỗ trợ rút quân tại Afghanistan.

Tàu chiến Mỹ
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ đã đi vào Biển Đông Ảnh: SCMP

Về FONOP, đây là lần thứ hai Mỹ tiến hành FONOP tại Biển Đông trong năm 2022 (lần đầu ngày 20/1, cũng bởi tàu USS Benfold tại quần đảo Hoàng Sa). Năm 2020, Mỹ tiến hành 10 FONOP. Năm 2021, con số này giảm một nửa còn năm cuộc. Trong nửa đầu năm 2022, tần suất này tiếp tục giảm (một cuộc).

Tần suất giảm có thể hiện thay đổi trong chính sách?

Mặc dù tần suất các hoạt động trên giảm, Mỹ vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy cam kết tại Biển Đông không thay đổi.

Đáng chú ý nhất, hai hoạt động diễn ra cùng đợt kỷ niệm hai dấu mốc quan trọng: sáu năm Phán quyết về Biển Đông trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc (12/7/2016) và hai năm ngày Mỹ đưa ra lập trường chính thức về Biển Đông (13/7/2020).

Thứ hai, trong cùng thời điểm, Ngoại trưởng Mỹ cũng đưa ra tuyên bố bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông và tái khẳng định cam kết với Philippines theo Hiệp ước Phòng thủ chung Mỹ - Philippines. Hạm đội 7 cũng ra tuyên bố bác bỏ thông tin từ phía Trung Quốc ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố đã trục xuất tàu Mỹ khỏi Hoàng Sa, tiếp tục xu hướng “minh bạch” thông tin về FONOP Biển Đông mà Mỹ bắt đầu từ năm 2021.

Mặc dù Mỹ có xu hướng tránh “chính trị hóa” FONOP, không muốn FONOP bị coi là hành động chính trị, việc hàng loạt động thái diễn ra cùng một lúc có thể có chủ ý nhất định,

Thứ ba, dù chiến sự tại Ukraine kéo dài, đòi hỏi Mỹ phải đầu tư quan tâm và nguồn lựa, Mỹ vẫn duy trì hiện diện và hợp tác quân sự đều đặn với đối tác tại khu vực xung quanh Biển Đông. Trong sáu tháng đầu năm 2021, Mỹ tiến hành ít nhất 31 tập trận khu vực, trong đó có nhiều tập trận nổi bật như Valiant Shield 2022; Sea Dragon 2022; Noble Fusion; Cobra Gold hay CARAT 2022... Quan chức Mỹ cũng khẳng định viện trợ quân sự cho Ukraine không ảnh hưởng tới nguồn đầu tư vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (bao gồm Biển Đông) do các khoản này đến từ các nguồn ngân sách khác nhau.

Tuy nhiên, hiện diện thường xuyên cũng có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Nếu muốn tăng cường hiệu quả răn đe và cho thấy mình có thể “nói được làm được”, Mỹ vẫn cần duy trì các hoạt động của tàu sân bay hay FONOP như vậy với tần suất lớn hơn trong những tháng cuối năm 2022.

Đỗ Hoàng - Lê Long, Viện Biển Đông