Bánh Trung thu “nhà làm”, dễ làm từ Trung Quốc
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 10:13, 16/07/2022
Với các loại bánh “nhà làm” có sẵn, bán số lượng sỉ, chiết khấu cao, hạn sử dụng dài… thì cần hết sức lưu ý về nguồn gốc, chất lượng của bánh.
Bánh Trung thu giá rẻ tung hàng sớm
Hơn hai tháng trước rằm Trung thu, các đầu mối phân phối bánh Trung thu sỉ, lẻ đã rầm rộ tiếp thị qua kênh mua bán online, nhiều nhất là qua mạng xã hội Facebook. Rất nhiều nhóm (group) bán sỉ, lẻ được lập ra với điểm chung là rao bán bánh Trung thu “nhà làm” (handmade) với giá rẻ, kèm các lời mời tuyển cộng tác viên, đại lý hưởng chiết khấu cao.
Tài khoản Facebook T.N. rao bán bánh Trung thu handmade số lượng lớn, có đủ tám vị nhân gồm: thập cẩm, sô-cô-la, sầu riêng, đậu xanh, trà xanh, khoai môn, sữa dừa, cốm. Giá rất rẻ, chỉ 20.000 đồng/bánh, trọng lượng bánh từ 150 - 180g. Lấy lý do bánh không dùng chất bảo quản nên hạn sử dụng chỉ là một tháng. Số lượng bao nhiêu cũng có, giao hàng toàn quốc. Người bán gửi cho chúng tôi xem một số hình ảnh thì có thể thấy: Bánh đóng gói trong bao bì không có thương hiệu, chỉ có nhãn ghi loại bánh theo từng vị, không có hạn sử dụng. “Không in hạn sử dụng để người bán dễ bán, dễ ăn nói với khách hàng” - chủ tài khoản này nói.
Mạng xã hội đang tràn ngập rao bán bánh handmade với giá siêu rẻ - Ảnh: T.Hoa |
Một số chủ tài khoản khác còn đưa lý do nhà có việc, phải đóng cửa suốt một tuần nên cần người “giải cứu” bánh với số lượng từ 300 - 500 cái, giá 30.000 đồng/cái (200g/bánh). Người bán giới thiệu bánh tự làm thủ công, tự đóng gói, không chất bảo quản, không phụ gia nên cần bán gấp.
Giá nhiều loại bánh có gắn thương hiệu cũng rất rẻ nếu khách mua từ 50 bánh trở lên. T.T.T.X. rao bán sỉ bánh Trung thu thương hiệu T.X. giá chỉ 12.500 đồng/cái 170g (thùng 50 cái, được trộn đủ nhân mặn, ngọt). “Nếu em bán theo giá thị trường bình dân giá 30.000 đồng/cái thì đã có lợi nhuận là 17.500 đồng/cái. Bên chị chuyên cung cấp bánh cho một số siêu thị, giá bán ra là 50.000 đồng/cái. Đây là bánh có thương hiệu đàng hoàng, bán rất chạy, cam kết em không bị ôm hàng giống các loại bánh trôi nổi khác” - chủ tài khoản Facebook này nói với chúng tôi. Để tạo lòng tin, người bán còn gửi chúng tôi xem hình chụp giấy kết quả thử nghiệm bánh và khẳng định sản phẩm đạt 15 tiêu chí chất lượng. Tuy nhiên giấy thử nghiệm này được cấp năm 2020.
Một số đầu mối khác còn nhận cung cấp bánh Trung thu với số lượng lớn với giá chỉ 10.000 đồng/cái 200g, thậm chí giảm còn 8.000 đồng/cái để… “làm ăn lâu dài”.
Giá nguyên liệu cao, vì sao có bánh giá rẻ?
Tham khảo giá một số loại bánh Trung thu có thương hiệu phổ biến thì giá loại bánh 150g đã từ 68.000 đồng/cái, giá không đổi so với năm 2021. Còn với bánh Trung thu handmade có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng thì giá bánh nhân hạt sen hai trứng muối là 80.000 - 100.000 đồng/bánh 200g (tùy theo vỏ bánh là trà xanh, củ dền hay tinh than tre). Giá tăng từ 10 - 20% so với năm 2020 - 2021 với lý do nguyên liệu tăng giá.
Ghi nhận tại một số công ty, giá bột mì chuyên dụng làm bánh loại 20kg hiệu Cái Cân giá 495.000 đồng/bao, ba bông hồng xanh 475.000 đồng/bao, Uniflour giá 550.000 đồng/bao, bột mì Sông Hàn 862.000/bao. Mức giá này tăng 10% so với hồi đầu tháng 4/2022. Còn so với thời điểm trước khi có dịch COVID-19, giá bột mì hiện đã tăng khoảng 40 - 50%. Tương tự giá đường cát cũng tăng khoảng 60%, hiện từ 650.000 - 1,25 triệu đồng/bao 50kg (tùy loại nhập của Thái Lan hay của thương hiệu trong nước).
Ông Nguyễn Quốc An - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm bánh kẹo Ánh Dương - cho hay: Với mức giá nguyên liệu tăng cao như hiện nay, giá bánh Trung thu “nhà làm” không thể quá rẻ như vậy. Thậm chí nếu mua nguyên liệu chế biến sẵn được rao bán trên các trang thương mại điện tử như bột trộn sẵn giá 40.000 đồng/kg nhân bánh xào sẵn từ 40.000 - 190.000 đồng/kg (tùy nhân ngọt hay thập cẩm) cũng không thể sản xuất ra loại bánh rẻ như vậy.
“Có thể đó là các cơ sở nhỏ lẻ, đến mùa thì nhào vào làm bánh để bán, hết mùa thì nghỉ, họ mua nguyên liệu giá rẻ, đồng thời không phải trả phí duy trì nhà xưởng, phí quản lý nên giá rẻ. Cũng có thể họ tái chế bột bánh từ các loại bánh quá hạn sử dụng, thay nhân đậu xanh bằng khoai lang hoặc nhập được nguồn nguyên liệu siêu rẻ từ Trung Quốc” - ông Nguyễn Quốc An nói.
Ông Nguyễn Quốc Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bibica - nói: Quy trình sản xuất bánh kiểu truyền thống, handmade và sản xuất công nghiệp khác nhau hoàn toàn. Các doanh nghiệp sản xuất quy mô công nghiệp số lượng lớn phải chọn nguyên liệu chất lượng rất kỹ, đảm bảo sản phẩm làm ra chất lượng ổn định. Quy trình phải chú trọng yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm (cơ sở vật chất, huấn luyện đào tạo cho công nhân, đóng gói trong phòng áp suất dương để tránh nhiễm vi sinh vật từ bên ngoài, sử dụng vật liệu bao bì chống thấm khí, gói hấp thụ ô-xy tạo môi trường ô-xy cho bánh)… Bánh sản xuất công nghiệp sử dụng chất bảo quản theo quy định nghiêm ngặt của Bộ Y tế, nhờ vậy bánh có hạn sử dụng từ 1,5 - 3 tháng.
“Thời gian qua trên mạng xã hội rộ lên bánh handmade, người bán ít có lời vì số lượng làm không nhiều. Do bánh được làm tại nhà, khó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bao bì đóng gói không hoàn chỉnh, vi sinh vật dễ phát triển nên hạn sử dụng thường ngắn chỉ ba ngày. Nếu handmade mà có hạn sử dụng dài cả tháng, bánh có giá quá rẻ như vậy thì đó có thể là hàng nhập lậu, được sản xuất từ các công ty nhỏ ở Trung Quốc”, ông Nguyễn Quốc Hoàng nhận định.
(Theo Phụ Nữ TP.HCM)