Nắng nóng như ‘thiêu đốt’ hoành hành ở nhiều nước châu Âu

Đối ngoại - Ngày đăng : 08:11, 16/07/2022

Kênh truyền hình Telecinco trích dẫn các tính toán của Viện Y tế Carlos III ở Tây Ban Nha cho hay, thời tiết nắng nóng bất thường được quan sát ở nước này trong 2 ngày 10-11/7 đã dẫn đến 43 người thiệt mạng.

Theo ghi nhận, 15 người thiệt mạng vào ngày 10/7 và 28 người vào ngày 11/7. Theo dự báo, nhiệt độ không khí cao có thể lên tới +44 độ.

Trước đó, Tây Ban Nha đã ghi nhận 829 ca tử vong liên quan đến nắng nóng trong tháng Sáu, so với 111 ca vào tháng Bảy.

Mức độ nguy hiểm của thời tiết ở hầu hết các vùng trên cả nước đã được nâng lên màu vàng và da cam. Hơn nữa, ở một số thành phố, mức báo động đã được nâng lên thành đỏ.

Nắng nóng như ‘thiêu đốt’ hoành hành ở nhiều nước châu Âu
Đợt nắng nóng lịch sử đầu mùa Hè năm nay đã khiến nhiệt độ tăng cao lên mức kỷ lục tại nhiều nước châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Thậm chí, vì nắng nóng bất thường ở Tây Ban Nha, những con chim bắt đầu rơi xuống đất. Điều này đã xảy ra ở thành phố Valladolid trong cộng đồng tự trị Castile và Leon, nơi tăng lên 40,6 độ - đây là một kỷ lục nhiệt độ mới.

Anh lần đầu công bố mức nhiệt độ nguy hiểm do nắng nóng

Hôm 15/7, ở Anh đã tuyên bố mức nhiệt độ nguy hiểm do nắng nóng. Theo ghi nhận, trong tuần tới nắng nóng sẽ bao trùm hầu hết nước Anh, nhiệt độ không khí vượt ngưỡng 30 độ, có nơi lên tới 40 độ.

Cơ quan dự báo thời tiết của Anh cho biết trong một tuyên bố: “Do nhiệt độ quá cao, cơ quan khí tượng đã đưa ra cảnh báo đỏ (tối đa)”.

Đồng thời, ở một số vùng của đất nước, mức độ nguy hiểm “màu vàng” đã được công bố do nắng nóng.

Trước đó, nhiệt độ cao kỷ lục ở Anh được ghi nhận tại Vườn bách thảo Cambridge vào ngày 25/7/2019 với 38,7 độ.

Bồ Đào Nha ghi nhận nhiệt độ kỷ lục cho tháng Bảy

Theo dữ liệu được công bố trên trang web của Viện Biển và Khí quyển Bồ Đào Nha (IPMA), nhiệt độ kỷ lục vào tháng Bảy là 47 độ đã được ghi nhận trên đất liền của Bồ Đào Nha - nhiệt độ này đã phá kỷ lục 27 năm trước.

Vào ngày 13/7, một nhà ga ở quận Piñan thuộc thành phố Alijo, miền bắc Bồ Đào Nha đã ghi nhận nhiệt độ không khí tối đa cao nhất là 47 độ C.

Các nhà chức trách nhấn mạnh rằng, kỷ lục cuối cùng được đăng ký vào ngày 23/7/1995 tại vùng Alentejo, miền nam Bồ Đào Nha. Khi đó nhiệt độ là 46,5 độ.

Trước đó, hôm 13/6, hơn 3.000 nhân viên cứu hỏa đã chiến đấu với ngọn lửa trong nhiều ngày tại các khu rừng ở phía bắc và trung tâm của Bồ Đào Nha, nhưng tình hình vẫn chưa được kiểm soát.

Hôm 10/7, Liên minh châu Âu (EU) đã kích hoạt chương trình hỗ trợ phi đội cứu hỏa, cho phép các nước thành viên chia sẻ nguồn lực để giúp đỡ Bồ Đào Nha.

Tây Ban Nha, dù cũng đang đương đầu với các đám cháy, đã gửi hai máy bay chữa cháy sang Bồ Đào Nha. Chính phủ Bồ Đào Nha cũng đã triển khai 60 máy bay để hỗ trợ lực lượng cứu hỏa.

Chính phủ Bồ Đào Nha hôm 10/7 đã phải ban bố “tình trạng dự phòng quốc gia”, đặt các cơ quan cứu hộ trong tình trạng báo động. Tình trạng này trên mức báo động nhưng dưới tình trạng thiên tai và tình trạng khẩn cấp.

Bồ Đào Nha năm nay ghi nhận nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Hạn hán khắc nghiệt ảnh hưởng tới 28% đất nước hồi tháng Sáu. 97% diện tích đất nước bị hạn hán nghiêm trọng hồi tháng Năm, 1% bị hạn hán cực đoan.

Thanh Bình (lược dịch)