Hiếu Batman và giấc mơ 5 triệu đôi giày

Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 01:30, 16/07/2022

Đoàn Ngọc Hiếu đúng chuẩn “đẹp trai, con nhà giàu học giỏi”, được cử làm hội trưởng hội mê truyện tranh Batman Sài Gòn. Ít ai biết, anh chàng lụi cụi học nghề làm đế giày trong nhà máy với sự xét nét hà khắc nhất từ phụ huynh, để từ nhà máy làm 5 triệu cái đế giày, Hiếu bắt đầu giấc mơ làm giày đi mưa bán vòng quanh thế giới.

Trong số các bạn bè doanh nhân của tôi, Hiếu có lẽ là người trẻ tuổi nhất, kể cả trong nhóm F2 - nhóm thế hệ kế thừa một nền tảng kinh doanh của gia đình. Chính vì điều này, tôi thích quan sát cách anh làm việc, giao tiếp, học tập, vì sự tò mò cố hữu: có thật là vượt khó dễ hơn vượt sướng hay không? Hóa ra là… nhà giàu cũng khóc!

Người bạn đế giày

Ấn tượng đầu tiên khi gặp Hiếu đó là một chàng trai cao to vạm vỡ, miệng lúc nào cũng cười toe toét, đi đâu cũng vác theo cái ba lô trong suốt chứa quá chừng là đế giày và vài đôi giày mẫu. Ngồi 5 phút là Hiếu rục rịch nói chuyện… giày. À không, chuyện cái đế giày mới đúng. Tôi nghĩ, mấy bạn trẻ học thạc sĩ trường xịn ở Mỹ, nhà lại có điều kiện, mà chịu khó làm một phần nhỏ trong chuỗi giá trị ngành giày là xịn rồi, chứ dễ gì mà không mơ mộng làm thương hiệu, làm marketing lộng lẫy. Hiếu lại cười, y như cái logo Công ty Liên Đoàn (Leedo) của anh: “Dạ, làm đế giày xịn khó lắm đó, học mấy năm trời ở nhà máy mới biết được sơ sơ nghề thôi…”.

1.jpg
Đoàn Ngọc Hiếu.

Quả thật, chỉ mỗi đoạn chất liệu, loại nhựa, chất phụ gia, màu sắc, độ giãn nở và khả năng tự phân rã để bảo vệ môi trường, tính thân thiện với các loại da nhạy cảm của trẻ em… là đủ nhức đầu. Tôi nghĩ bụng, không dại gì cho Hiếu khơi ra chủ đề mà mình chắc chắn là ngồi nghe tới ngu người cũng chẳng hiểu gì. Chuyển qua nói chuyện về chuỗi giá trị, về việc đế giày của Hiếu làm ra thì đóng góp như thế nào cho toàn bộ ngành da giày Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Hiếu đưa tay làm dấu: vẫn còn nhỏ xíu, dù dư địa vẫn còn nhiều, bây giờ lean production (sản xuất tinh gọn) là cơ hội tốt để Việt Nam mình tham gia sâu hơn…

Tôi mượn đôi giày nhựa mẫu trong ba lô, hỏi bâng quơ: “Hãy bắt đầu với câu hỏi tại sao, như trong sách đi. Vì sao đang làm đế giày lại làm ra đôi giày này mà không phải những đôi giày khác?”. “À, mình phải bám vô cái lõi của mình là làm đế thôi, không mạnh về thiết kế giày đâu, vì làm ra đôi giày xịn thì cần cả trăm mảnh ghép lại với nhau, sa chân vô là hoang mang luôn. Việt Nam mình thì mưa nhiều như nắng, nên Liên Đoàn chọn làm giày dép đi mưa cho tiện, cũng là cái khuôn đế, thêm cái quai vô là được…”.

Nhìn qua một đôi giày thun kế bên tôi mới thấy làm lạ. “Vậy tại sao lại có đôi này lạc lõng ở đây bằng quai thun mà không bằng nhựa như những đôi khác?”. “À, đôi này là do hồi đó bà xã có bầu, chân phù hết, đi đứng khó khăn, đặc biệt là giày dép không có đôi nào vừa. Nên em lọ mọ nghiên cứu, chế ra được đôi giày đế mềm và quai thun co giãn cho vợ đi. Hóa ra vấn đề phù chân là của nhiều bà bầu lắm, lại thêm các bạn trẻ thích giày co giãn cho tiện vận động… vậy là có giày sole-mate. Sole là cái đế giày, mate là người bạn. Và Solemate trở thành một thương hiệu giày mới”.

Học việc, học nghề và học sống 

Tôi hay nhớ ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Tập đoàn Thép Việt, nói rằng: “Kinh doanh là một lời nguyền cay đắng”. Tôi lại nhớ ông Cao Tiến Vị, nhà sáng lập Giấy Sài Gòn chia sẻ là làm sản xuất công nghiệp ở Việt Nam vô cùng mệt mỏi. Các giáo trình dạy về công ty gia đình thì lại ghi thêm rằng việc chuyển giao thế hệ giữa những người tay trắng làm nên với con cái học hành tử tế từ phương Tây về thì tạo ra rất nhiều… nỗi đau. Nên tôi vẫn thích quan sát Hiếu theo lăng kính này, coi anh chàng “mệt mỏi”, “cay đắng” và có “những nỗi đau” đến mức nào.

Thực tế chứng minh là ba quan điểm nêu trên… rất đúng. Hiếu mất vô cùng nhiều thời gian để nhảy ùm vô nhà máy, học những điều tưởng chừng cơ bản nhất từ những cộng sự đã đi từ ngày đầu với gia đình, giờ thuộc dạng “khai quốc công thần”. Anh dè dặt đưa ra vài sáng kiến cải tiến và vấp phải rất nhiều “tảng đá”.

2.jpg
Năm 2021, giày dép nhựa đi mưa do Công ty Leedo của Đoàn Ngọc Hiếu (đứng giữa) sản xuất đã được bình chọn và UBND TP.HCM có quyết định công nhận “Sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu TP.HCM 
năm 2020”.

Tôi nghĩ, khoảng thời gian Hiếu chọn thu mình lại, không giao tiếp với bạn bè, không lui tới những nơi chốn dành cho doanh nghiệp, là một lựa chọn dũng cảm: ban ngày học ở nhà máy, buổi tối học những khóa học về ngành da giày, về cách làm việc để ráp nối công việc của mình với thế giới, và quan trọng nhất, học cách sống và quản trị những thay đổi do mình tạo nên. Hiếu nói, tất cả là vì niềm tin vào việc Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, không chỉ vì nhân công rẻ, mà còn có chất xám, có năng lực sáng tạo và năng lực cạnh tranh.

Và Hiếu vẫn cười tươi. Giờ thì tôi đã biết logo Công ty Liên Đoàn là do Hiếu tự vẽ, với dấu chỉ nụ cười của cá nhân mình: yêu đời, yêu người.

Batman và biểu tượng của sự sẵn sàng giúp đỡ

Chơi với nhau lâu một chút, mới biết là ngoài đề tài giày thì Hiếu còn có thể nói ba ngày ba đêm về… Batman. Nghĩa là trong cái ba lô thần kỳ của anh, ngoài giày thì còn có một núi truyện tranh Batman. Hiếu có thể ngồi say sưa đắm chìm trong thành phố Gotham, những tranh đấu giữa chàng thám tử khoác áo dơi với đủ mọi loại tội phạm hay những diễn biến tâm lý lạ đời của Joker - kẻ đối đầu truyền kiếp của Batman.

Cái sự mê này, biến cái tên “Hiếu giày” thành “Hiếu Batman” hồi nào không rõ, và anh vui vẻ nhận vị trí chủ nhiệm hội Batman Sài Gòn, với nhiệm vụ chính là đi đọc truyện Batman cho các em nhỏ, để nuôi dưỡng trí tưởng tượng, lòng trắc ẩn và tinh thần nghĩa hiệp mà con nít bây giờ ít có chỗ để trải nghiệm.

Chúng tôi rủ nhau đi học lớp giải mã giấc mơ của tiến sĩ - bác sĩ Vũ Phi Yên, và ngồi trao đổi với nhau về ý nghĩa biểu tượng của Batman - Bat signal. Khi mà đèn chiếu của người cảnh sát già phát tín hiệu lên trời hình Batman, nghĩa là có ai đó đang cần giúp đỡ, và việc của Batman là xuất hiện. Tự dưng, tôi nhớ chuyện Hiếu ngồi ở nhà bán rau bình ổn giá thời dịch, mà bán buôn đâu không thấy, thấy mỗi ngày đều xách rau đi cho khắp nơi.

3.jpg
Hiếu Batman cùng Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM  tặng quà cho các trường tiểu học nghèo ở Long An.

Lại nhớ chuyện anh chàng đem mớ giày nhựa mềm tặng các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch để đi cho êm chân, lại vừa thoáng khí. Mấy trăm đôi đầu tiên được các bác sĩ quá yêu thích nên Hiếu lại làm thêm vài ngàn đôi… Tới giờ, mẫu giày nhựa này được gọi là giày Batman, không biết là vì họa tiết trên giày nhìn giống Bat signal hay đơn giản nó là một đóng góp nhỏ của Hiếu Batman cho câu chuyện chung thời dịch…

Một lần nọ, Hiếu hỏi tôi anh có biết lời nói dối lớn nhất của Batman là gì không? À hóa ra đó là “Tôi làm việc một mình”. Trên thực tế, Batman hay bất kỳ ai đều không thể nào đương đầu hết với những thử thách nếu không có sự chỉ dạy, hỗ trợ từ những người thầy và đồng đội của mình. Đối với Hiếu chính là sự hỗ trợ từ rất nhiều anh chị tại Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh nhân Trẻ Thế giới (JCI), Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM (YBA) và Hiệp hội Da Giày Việt Nam (Lefaso); điển hình như chị Vưu Lệ Quyên, CEO Biti’s, người truyền cảm hứng để Hiếu tự tin thử sức với những dự án của bản thân.

Hôm qua, Hiếu gửi cho tôi tấm hình anh đang ở Long An cùng YBA tặng quà cho các trường tiểu học nghèo nơi biên giới. Hiếu mang theo không biết bao nhiêu là giày dép, vì anh hiểu rằng học sinh nghèo đi học xa, cần một người bạn là đôi giày tốt, ôm chân và phù hợp với cấu tạo xương của người Việt.

Nhắc tới Hiếu, tôi lại hay nghĩ về câu chuyện trong quyển sách “Tỷ phú bán giày”, một hành trình đi tìm chân lý của hạnh phúc, đam mê và lợi nhuận của nhà sáng lập hãng Zappos lừng danh. Tôi nghĩ bây giờ Hiếu vẫn đang làm 5 triệu cái đế giày nhưng ngày anh chuyển thành 5 triệu đôi giày đang đến gần... Và biết đâu, một ngày Batman xuất hiện trong truyện, trong phim cũng mang giày của Hiếu…

Bung Trần - Ảnh: NVCC